(KTSG Online) - Theo Bộ Công Thương, ngành chức năng lưu ý đến việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm và dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung. Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết hạn chế tối đa tình trạng dừng sản xuất trong dịp gần Tết, gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án dự trữ và đáp ứng nguồn cung cho thị trường trong dịp này.
- Vắng bóng thương lái, người trồng hoa Tết ở Bến Tre như ‘ngồi trên đống lửa’
- Mở bán hơn 6 triệu vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024
Bộ Công Thương đã có chỉ thị số 13 về các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024, theo TTXVN.
Trong đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phương án cung ứng hàng hóa cũng như xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Sở Công thương các tỉnh, thành tiến hành đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, lưu ý đến các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá trên địa bàn; đề xuất cơ quan chức năng biện pháp giúp ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng.
Cơ quan cũng phối hợp với các ngành liên quan tổ chức những hoạt động mang tính kết nối giữa doanh nghiệp với nhà phân phối, hướng đến tạo nguồn hàng bình ổn thị thị trường dịp Tết; phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm an toàn, những đặc sản vùng miền.
Một số hoạt động thương mại cần được chú trọng dịp này như chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với hội chợ, khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án dự trữ và đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm, Tết Nguyên đán; phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra việc duy trì bán hàng và tuân theo những quy định về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Về việc phân phối nguồn hàng, theo TTXVN, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước nhằm duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá cả hợp lý và có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết hạn chế tối đa tình trạng dừng sản xuất trong dịp gần Tết, gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo.
Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cũng cần phối hợp với Bộ Công Thương để rà soát việc cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để phối hợp đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường.