2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm là phần nhỏ của tảng băng chìm
Thùy Dung
(TBKTSG Online) – Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại, một con số rất nhỏ trong tảng băng chìm. Và, để giải quyết được vấn đề này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà trong đó, trước mắt phải thành lập một cơ chế xét xử thật sự thân thiện với trẻ em.
![]() |
Một mình Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chưa thể trả lời hết thắc mắc của đại biểu liên quan tới xâm hại trẻ em. Ảnh: Chinhphu.vn |
17 cơ quan liên quan nhưng thiếu “nhạc trưởng"
Vấn đề xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đã làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung trong chiều 5-6. Thậm chí, một mình lãnh đạo ngành lao động trả lời chưa đủ để giải tỏa bức xúc của các đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho hay, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm. Nguyên nhân chủ yếu do hàng xóm, và người thân trong gia đình. Giống như đại biểu Tuấn, nhiều đại biểu đề nghị Bộ LĐTB&XH đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề này.
Trả lời thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, theo thống kê, có khoảng 60% số người vi phạm xâm hại trẻ em là người thân, người quen, đây là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm. Do đó, những giải pháp mà Bộ đưa ra gồm những cụm từ như tăng cường, tập trung, đào tạo, truyền thông…
Ví dụ như tăng cường giáo dục, truyền thông gia đình; tăng cường quản lý nhà nước; tăng cường trách nhiệm của bố mẹ và nhà trường; tăng cường dịch vụ công bảo vệ trẻ em…
Ông Dung cho hay, nếu nói về hệ thống pháp luật thì cơ bản đảm bảo quyền lợi trẻ em. Việc phân công công việc bảo vệ quyền trẻ em cũng rất thống nhất.
Tuy nhiên, câu trả lời của ông Dung chưa làm hài lòng các đại biểu.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, ông chưa hài lòng với những giải pháp mà Bộ đưa ra và những giải pháp đó chưa đủ mạnh. “Đây là tội phạm đặc thù, khó phát hiện vì bằng chứng mất dần theo thời gian, thậm chí tính theo giờ. Do đó, quá trình xử lý phải nhanh, mạnh để có bằng chứng kết tội”, ông Tuấn nói.
Cùng chung bức xúc, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay, chúng ta có 17 cơ quan phụ trách vấn đề này nhưng những gia đình mà ông Nhưỡng tiếp xúc dường như rất đơn độc khi gặp phải tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. “Mong Bộ có thái độ kiên quyết hơn”, ông Nhưỡng nói.
Tham gia trả lời cùng với Bộ trưởng Dung, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho hay, xâm hại trẻ em là vấn đề khiến cử tri đặc biệt quan tâm, nhưng để giải quyết vấn đề này cần đảm bảo sự đồng bộ, quyết tâm chính trị. Phải làm sao hoàn thiện hệ thống pháp luật, phối hợp giữa các bên liên quan; tuyên truyền giáo dục kỹ năng cho các em, tạo sức mạnh tổng hợp từ sự lên án của toàn xã hội.
Theo ông Trí, hiện nay có 17 cơ quan chức năng liên quan đến xử lý vụ việc xâm hại trẻ em nhưng thiếu nhạc trưởng trong công tác phối hợp. Do đó, sắp tới các cơ quan phải cân nhắc để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Sẽ có quy trình xét xử thân thiện với trẻ em
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong giai đoạn 5 năm từ 2013-2017, tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, gồm 5 tội danh khác nhau. Trong đó, xâm hại tình dục trẻ em đã trả hồ sơ gần 550 vụ, bằng 6%. Các vụ xét xử đúng người đúng tội là trên 90%.
“Số vụ phải trả hồ sơ, huỷ, sửa không nhiều, chỉ hơn 6% nhưng gây bức xúc cho xã hội”, ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, đây là vụ việc không khó trong quá trình xét xử nhưng khó trong quá trình thu thập dữ liệu vì không có người làm chứng; thời gian xảy ra tới khi phát hiện dài; gia đình thậm chí còn che giấu, không hợp tác với cơ quan điều tra. Có những gia đình từ chối giám định, vốn là cơ sở quan trọng trong quá trình điều tra vụ án.
Dù tỉ lệ nhỏ, nhưng ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, sẽ phải giảm tỉ lệ 6% này xuống trong thời gian tới.
Ngoài việc hướng dẫn pháp luật, xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn loại tội phạm này; nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi, cần phải ban hành thông thư hướng dẫn xây dựng tòa án thân thiện, tòa án gia đình cho các cháu vị thành niên, trong đó có xâm hại tình dục.
Theo hình thức này thì người bị hại được xét xử kín, thậm chí không phải ra tòa, có thể thẩm vấn qua micro, đảm bảo ổn định về tâm lý cho trẻ em.
Ngay cả Mỹ, xâm hại trẻ em cũng nghiêm trọng
Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho hay, 5 tháng đầu năm 2018 xảy ra hơn 682 vụ xâm hại trẻ em, gần 759 đối tượng và 735 trẻ em bị xâm hại. Trong số đó, số lượng xâm hại tình dục chiếm 84% trong tổng số vụ việc.
“Diễn biến xâm hại trẻ em rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái, trẻ em trai cũng bị. Không chỉ đối tượng người Việt Nam mà thậm chí cả người nước ngoài vào Việt Nam cũng xâm hại trẻ em. Thậm chí nước ngoài lợi dụng quan hệ, nuôi dưỡng, tập hợp trẻ em lại để thực hiện hành vi xâm hại”, ông Lâm nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, trên thế giới hiện nay mỗi năm có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai bị xâm hại. Trong xâm hại đó có xâm hại tình dục, có xâm hại sức khỏe…
Mỗi năm Việt Nam con số 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó từ 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Các tổ chức quốc tế đã thực hiện điều tra ở Việt Nam thấy rằng có tới 62% số trẻ em được hỏi, bằng ngôn ngữ của chuyên gia, cho biết có bị bạo hành.
Con số này không có gì đáng ngạc nhiên so với các nước. Điều tra ở Mỹ cho thấy 83% bé gái và 79% bé trai, đều công nhận là có tình trạng xâm hại. Hàn Quốc tỉ lệ này là 67%. Điều tra của Nhật Bản năm 2016 đối với trẻ em ở trường cấp 1, cấp 2 cho thấy mỗi năm có hơn 224.000 vụ trẻ em bị xâm hại, tính ra 1 ngày học có 831 vụ.
“Chúng ta có 2.000 vụ xâm hại trẻ em mỗi năm là rất nhỏ của tảng băng chìm”, ông Vũ Đức Đam nói và cho biết thêm cần phải có giải pháp đồng bộ, để không chỉ có 2.000 vụ và nhiều vụ khác được báo cáo và xử lý.
Theo đó, cần có hai điều làm ngay là phải có một quy trình xét xử thân thiện để người bị hại mạnh dạn trình bày, tố cáo. Bên cạnh đó, phải có quy định để tất cả chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội được tham gia ngay từ đầu khi có vụ việc xảy ra.
Mời đọc thêm: