Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

2022, chờ các thương vụ M&A mới của ngành ngân hàng

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngành ngân hàng năm 2022 có thể chứng kiến những pha đổi chủ tại một số ngân hàng, cũng như các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A), và bán vốn cho nước ngoài.

Cổ phiếu STB thời gian qua cũng đã có những bước tăng giá tích cực trước kỳ vọng về màn đổi chủ sẽ sớm diễn ra ở ngân hàng này.

Trước bối cảnh thị trường đang thuận lợi trở lại, việc các ngân hàng tăng cường nội lực thông qua tìm kiếm đối tác chiến lược và đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu là kịch bản tất yếu.

SMBC nhảy từ Eximbank sang VPBank?

Sau nhiều lần tổ chức bất thành, mới đây Eximbank đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông để bầu ra bảy thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) cho nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời cũng đã bầu được chủ tịch HĐQT theo đúng hạn định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho thấy những tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn trong suốt hơn ba năm qua đã phần nào có lời giải. Cũng chính vì những mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông nội bộ mà HĐQT nhiệm kỳ vừa qua đã phải kéo dài thêm hai năm qua.

Dù vậy, dường như những chia rẽ vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ, khi tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông này chỉ có 60,25% cổ đông tham dự tán thành quy chế họp và đồng ý thông qua chương trình họp, còn hơn 39,73% cổ đông không đồng ý. Ngoài ra, một loạt tờ trình của HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành trong các năm trước cũng không được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Ngoài những thương vụ ở Eximbank và VPBank, dự kiến sẽ có những màn đổi chủ khác tại một số ngân hàng đang tái cơ cấu, có thể kể đến như Sacombank với thương vụ bán vốn cho nước ngoài đã đồn đoán bấy lâu nay.

Ngoài cổ đông chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm tỷ lệ sở hữu vượt trội 15%, hiện có năm nhóm cổ đông lớn khác là các tổ chức trong nước cũng đang nắm tỷ lệ sở hữu khá lớn tại Eximbank và không ai chịu ai. Dù vậy, với việc tổ chức được cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây, kỳ vọng bộ máy thượng tầng của Eximbank sẽ sớm ổn định, các nhóm cổ đông đồng lòng hơn, mở ra hướng phát triển nhanh hơn cho ngân hàng này trong thời gian tới.

Cổ đông chiến lược nước ngoài SMBC dự kiến thoái vốn khỏi Eximbank trong thời gian tới, kết thúc 14 năm hợp tác. Được biết SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của ngân hàng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong HĐQT vào cuối năm 2019. Khi SMBC chuyển nhượng lại số vốn trên cho nhà đầu tư trong nước thì tỷ lệ sở hữu tại Eximbank có thể tập trung hơn và cũng giúp chấm dứt cuộc tranh giành giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank trong thời gian qua.

Đáng lưu ý là SMBC buông Eximbank cũng nhằm mở đường để trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank, do theo quy định hiện nay, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Trước đó vào năm 2021, VPBank đã bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC, đồng thời VPBank cũng đã nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu đô la Mỹ.

Được biết VPBank cũng đã khóa room ngoại ở mức 15% để phục vụ chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, và đang xin ý kiến cổ đông điều chỉnh lên mức 17,5%. Mặc dù ngân hàng chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược nhưng lãnh đạo VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới; và kế hoạch phát hành có thể hoàn tất trong nửa đầu năm 2022.

Những ngân hàng đang tái cơ cấu

Ngoài những thương vụ ở Eximbank và VPBank, ngành ngân hàng trong năm 2022 dự kiến sẽ có những màn đổi chủ khác tại một số ngân hàng đang tái cơ cấu, có thể kể đến như Sacombank với thương vụ bán vốn cho nước ngoài đã đồn đoán bấy lâu nay. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông vào tháng 4-2021, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh đã chia sẻ rằng sau khi hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2022, Sacombank dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.

Được biết số cổ phần mà Sacombank muốn bán có nguồn gốc từ những khoản nợ của ông Trầm Bê chưa xử lý xong. Hiện Sacombank vẫn đang xin cơ chế để mua lại khoản 32,5% vốn cổ phần mà VAMC đang quản lý. Sau khi tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC, ngân hàng sẽ đưa về để bán đấu giá. Theo Chủ tịch VAMC, sau khi số cổ phiếu STB của ông Trầm Bê được xử lý sẽ tốt cho Sacombank hơn so với hiện tại. Người mua sẽ đưa tiền tươi thóc thật vào để tái cơ cấu, chăm chút cho Sacombank và đẩy mạnh phát triển.

Còn ông Dương Công Minh cho rằng, sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện, sẽ chăm lo cho Sacombank tương tự như ông đang chăm lo hiện nay. Trong khi đó, cổ phiếu STB thời gian qua cũng đã có những bước tăng giá tích cực trước kỳ vọng về màn đổi chủ sẽ sớm diễn ra ở ngân hàng này, mà có thể giúp ngân hàng phục hồi nhanh hơn trong lộ trình tái cơ cấu của mình.

Nhóm ngân hàng yếu kém đang tái cơ cấu cũng có thể được tập trung xử lý trong năm nay thông qua con đường M&A, khi thời gian qua nhóm này cũng đã tích cực tìm kiếm, trao đổi thông tin và phát triển quan hệ với các đối tác tham gia tái cơ cấu. Có thể thấy việc xử lý nhóm này trong những năm qua chưa đạt được như kỳ vọng, do thiếu nguồn lực cũng như việc xác định và khắc phục các thiệt hại mất khá nhiều thời gian.

Đáng lưu ý là trong Chỉ thị 01/CT-TTg ban hành ngày 8-2-2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại. Phía NHNN cũng cho biết dự kiến ngay trong năm 2022, các ngân hàng mà NHNN mua bắt buộc 0 đồng sẽ đẩy nhanh việc tái cơ cấu.

Về việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thị trường cũng có thể chứng kiến thêm nhiều thương vụ trong năm 2022, khi không ít ngân hàng đã khóa room ngoại để phục vụ kế hoạch bán vốn cho đối tác chiến lược. Có thể kể đến như MSB đang tạm khóa room ngoại gần 30%, Techcombank ở 22,5%, VIB ở 20,5%,… do theo quy định hiện nay room dành cho nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá tỷ lệ 30%.

Hay mới đây nhất là OCB, hiện room ngoại còn 10% và lãnh đạo ngân hàng này cho biết ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại là ngân hàng Aozora (Nhật Bản) để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30% trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới