(KTSG) - Theo tờ Economist, năm 2022 cũng là năm kết thúc nhiều xu hướng nổi trội từ nhiều năm trước đó.
- Lãi suất 2023 vẫn trong xu hướng tăng nhưng tốc độ sẽ chậm lại?
- Xu hướng giá bất động sản 2023 sẽ ra sao?
Chấm dứt dòng tiền rẻ
Các nhà viết sử tài chính tương lai ắt sẽ ngạc nhiên vì sao trước đó, trong cuối thập niên 2010, rất nhiều người cứ nghĩ lãi suất sẽ nằm yên ở mức gần không phần trăm trong một thời gian dài.
Thậm chí đến năm 2021 rồi mà vẫn còn nhiều báo cáo của các ngân hàng đầu tư mang tựa đề: “Vì sao lãi suất sẽ vẫn ở mức gần 0%”. Chi phí sử dụng vốn đã giảm đều trong nhiều năm liền; rồi cộng thêm cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 và đại dịch Covid-19 dường như chất keo đè chặt lãi suất xuống sát sàn.
Năm 2022 lạm phát dai dẳng khắp nơi đã là chất phá tan sự kết dính này. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần nâng lãi suất điều hành, lên đến 4,25-4,5%; các ngân hàng trung ương khác cũng theo chân, nâng lãi suất.
Thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ ngưng tăng vào năm 2023 với mức cao nhất là 4,5-5% ở Mỹ và Anh. Khu vực sử dụng đồng euro ở châu Âu sẽ có lãi suất cao nhất chừng 3-3,5%. Nói chung không ai nghĩ đến chuyện lãi suất quay về mức 0% nữa. Fed dự báo năm 2023 sẽ chứng kiến lãi suất vượt mốc 5% rồi sau đó ổn định ở mức 2,5% trong lâu dài. Kỷ nguyên tiền rẻ coi như đã chấm dứt.
Kết thúc thị trường lạc quan kéo dài
Kể từ kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 đến đỉnh thị trường vào cuối năm 2021, chỉ số S&P 500 bao gồm cổ phiếu của các công ty hàng đầu ở Mỹ đã tăng đến 600%. Thậm chí vào lúc bùng phát đại dịch Covid-19, cổ phiếu có sụt giảm nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn và sau đó nhanh chóng phục hồi. Hầu như không có điều gì có thể chặn đứng đà tăng cổ phiếu trước năm 2022.
Thế mà 2022 chứng tỏ là một năm đại xấu cho chứng khoán; chỉ số S&P 500 sụt mất một phần tư vào giữa tháng 10, đến cuối năm vẫn còn giảm đến 20%. Chỉ số MSCI gồm các cổ phiếu hàng đầu toàn cầu cũng giảm 20%. Lãi suất tăng cao làm không chỉ cổ phiếu sụt giá; trái phiếu và loại sản phẩm tài chính khác cũng chịu ảnh hưởng. Giá trái phiếu sụt giảm để đưa lợi suất của chúng gần với mức lãi suất hiện hành.
Các chỉ số do hãng tin Bloomberg tập hợp cho thấy thị trường trái phiếu toàn cầu, Mỹ, châu Âu và các thị trường mới nổi sụt giảm lần lượt là 16%, 12%, 18% và 15%. Giá chứng khoán năm 2023 có sụt nữa hay không thì chưa biết nhưng chắc chắn thị trường bò tót lạc quan coi như kết thúc.
Thị trường vốn bị siết lại
Trong nhiều năm trước, vốn không những chỉ rẻ mà còn có sẵn khắp nơi. Các chương trình nới lỏng định lượng, tức bơm tiền ra thị trường được các ngân hàng trung ương thực thi sau khủng hoảng tài chính nhằm vực dậy nền kinh tế, lại được tái sử dụng trong đại dịch nhằm giải cứu người dân và doanh nghiệp.
Tổng cộng ngân hàng trung ương Mỹ, Anh, khu vực đồng euro và Nhật bơm hơn 11.000 tỉ đô la ra thị trường. Tiền rẻ, lãi suất thấp đã buộc các nhà đầu tư đổ xô đi tìm lợi nhuận ở những góc ngách rủi ro hơn của thị trường.
Năm 2022 các nước quay đầu, siết lại dòng tiền bơm ra cho thị trường. Không chỉ phát hành trái phiếu gặp khó mà các hoạt động huy động vốn khác cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, nếu như năm 2021 toàn thế giới huy động được 655 tỉ đô la thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thì năm 2022 dòng vốn này khô cạn, ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Giá trị các vụ mua bán, sáp nhập cũng giảm sút - tình trạng vốn dư thừa chuyển biến thành thiếu hụt vốn trong năm 2022.
Coi trọng lời lỗ thay vì tăng trưởng
Những năm trước, các công ty, nhất là loại khởi nghiệp chăm chăm theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, kể cả chịu thua lỗ kéo dài. Các quỹ đầu cơ rót vốn vào những nơi này, tạo ra những làn sóng chạy đua theo tăng trưởng, bỏ qua giá trị thật của công ty. Những cách đánh giá cổ phiếu dựa trên lợi nhuận bị gạt sang một bên.
Năm 2022, lãi suất tăng làm đảo ngược xu hướng này. Cụ thể, khi lãi suất là 1%, để có 100 đô la trong vòng 10 năm, bạn phải gửi đến 91 đô la ngay hôm nay. Nhưng khi lãi suất là 5%, bạn chỉ cần gửi 61 đô la. Kết thúc giai đoạn tiền rẻ, nhà đầu tư cũng giảm bớt tầm nhìn, không dám nhìn xa, tìm lãi trong tương lai nữa. Họ buộc phải chọn công ty làm ra lãi ngay bây giờ, rút vốn khỏi các công ty tăng trưởng mạnh nhưng chịu thua lỗ.
Năm 2022 cũng là năm chứng kiến sự sụp đổ của nhiều huyền thoại trong thế giới tiền mã hóa, như vụ phá sản sàn kéo theo vụ bắt giữ người sáng lập là Sam Bankman-Fried. Với 8 tỉ đô la tiền gửi của khách hàng bay hơi, giới điều tra Mỹ cho đây là vụ lừa đảo lớn nhất mà hệ lụy vẫn còn diễn ra.