Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

2022 năm đầy bất ổn của nền kinh tế toàn cầu

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Viễn cảnh ảm đạm đã bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022 khi những bất ổn liên tiếp xảy ra, xóa tan mọi kỳ vọng về một sự phục hồi.

Rủi ro địa chính trị gây xáo trộn thị trường hàng hóa

Cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã bắt đầu từ ngày 24-2-2022, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc xung đột đã nhanh chóng leo thang và gây ra hàng loạt tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thị trường hàng hóa.

Thị trường năng lượng biến động rất mạnh, trong đó giá dầu đã có lúc vượt ngưỡng 100 đô la Mỹ/thùng. Hiện giá dầu Brent chỉ còn ở quanh mức 83 đô la/thùng – không cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine

Thị trường khí đốt cũng ghi nhận những đợt tăng giá lớn, trong bối cảnh các nước châu Âu phải chật vật tìm kiếm nguồn cung mới từ Mỹ, Trung Đông và châu Phi để thay thế cho lượng khí đốt nhập khẩu bị mất từ Nga.

Giá khí đốt thế giới có thời điểm đã tăng tới 140% trước khi lắng dịu dần, nhưng vẫn tăng hơn 50% trong cả năm, gây sức ép lớn lên nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước châu Âu.

Chiến sự cũng cản trở hoạt động xuất khẩu nông sản, phân bón và nhiều loại nguyên liệu thô khác từ Nga và Ukraine – các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng vọt và nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực ngày càng gia tăng. Nhiều công ty và quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga và Ukraine cũng vì vậy mà chịu thiệt hại nặng nề.

Những diễn biến tiêu cực của kinh tế Trung Quốc

Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng phải đối mặt với áp lực lớn khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục suy yếu vì dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài.

Các biện pháp phong tỏa được áp dụng tại nhiều trung tâm sản xuất, cảng biển quan trọng của Trung Quốc cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục phải đối mặt với những đợt tắc nghẽn nghiêm trọng.

Tình trạng chậm trễ, đình trệ trong vận chuyển đã lan rộng từ các cảng biển Trung Quốc sang các cảng biển lớn tại Mỹ và châu Âu, đồng thời đẩy cước phí vận tải biển tăng vọt.

Trong những tháng cuối năm, nền kinh tế Trung Quốc đã đón nhận những tín hiệu tích cực hơn khi chính phủ nước này đã nới lỏng chính sách chống dịch và triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, sự suy yếu của lĩnh vực sản xuất, nhu cầu tiêu dùng nội địa còn hạn chế và cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản vẫn gây ra nhiều cản trở đối với triển vọng phục hồi.

Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục ghi nhận những căng thẳng mới. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, với lý do ngăn nước này sử dụng các loại chip tiên tiến của Mỹ để phát triển các công nghệ quân sự.

Chính sách này mặc dù gây nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn vốn có nhiều thị phần tại Trung Quốc, trong đó bao gồm cả các công ty của Mỹ như Nvidia và Advanced Micro Devices.

Lạm phát gia tăng gây sức ép lên các ngân hàng trung ương

Hồi tháng 6-2022, lạm phát tại Mỹ là 9,1% – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Lạm phát tại Anh và Nhật Bản cũng lần lượt đạt mức đỉnh 4 thập kỷ trong tháng 10. Cũng trong tháng này, lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lập kỷ lục mới, với mức tăng 10,7% – cao nhất kể từ năm 1997.

Tại một số nền kinh tế khác, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina, tỷ lệ lạm phát thập chí lên tới 90%. Theo dự kiến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát trên toàn thế giới sẽ đạt 8,8% trong năm nay – mức cao nhất kể từ năm 1996.

Để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phải đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ trước đó khi tiến hành hàng loạt đợt tăng lãi suất, với tốc độ và quy mô chưa từng có trong ít nhất hai thập kỷ qua.

Theo Reuters, chỉ riêng các ngân hàng trung ương lớn với 10 loại tiền tệ được giao dịch phổ biến nhất đã tiến hành tăng lãi suất 54 lần trong năm qua.

Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

Các đợt tăng lãi suất đã phần nào phát huy tác dụng khi đà tăng lạm phát tại nhiều nền kinh tế như Mỹ và châu Âu đã có dấu hiệu đạt đỉnh trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, hàng loạt tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại về làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ này. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng việc lãi suất tăng quá cao có nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng cao được dự báo sẽ gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có các khoản vay lớn bằng đô la Mỹ.

Kinh tế Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng âm hai quí liên tiếp trong nửa đầu năm 2022. Tại châu Âu, nền kinh tế đã bị đẩy đến bờ vực suy thoái khi Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong khi kinh tế Anh được cho là đã rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2022 và sẽ không thể thoát ra trong thời gian ngắn.

Hàng loạt tổ chức, cá nhân đã lên tiếng cảnh báo về suy thoái toàn cầu, từ IMF, WB, cho tới các giám đốc điều hành doanh nghiệp. Hồi tháng 10, các chuyên gia của IMF đã đưa ra nhận định “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến” với kinh tế thế giới và hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quí tăng trưởng âm liên tiếp trong năm tới.

Những hỗn loạn trên thị trường tài chính

Sự kết hợp của lạm phát cao, lãi suất tăng và bất ổn đã gây ra sự tàn phá nghiêm trọng đối với thị trường tài chính, tạo ra một trong những năm hỗn loạn nhất mà các nhà đầu tư từng chứng kiến. Theo Reuters, 14.000 tỉ đô la đã bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến thị trường hướng tới năm tồi tệ thứ hai trong lịch sử.

Một trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là công nghệ. Là lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất do có nhiều công ty công nghệ thua lỗ và được định giá quá cao, nhóm cổ phiếu công nghệ đã ghi nhận mức giảm mạnh mẽ trong cả năm 2022. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số Nasdaq đã lao dốc tới gần 33% – mức giảm mạnh nhất trên sàn chứng khoán Mỹ.

Trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức – vốn được coi là bến đỗ an toàn dành cho các nhà đầu tư trong thời kỳ khó khăn, cũng lần lượt lao dốc 16% và 24%. Nhà sáng lập DoubleLine Capital, ông Jeffery Gundlach, người được mệnh danh là “vua trái phiếu” cho biết, có những thời điểm các điều kiện của thị trường trở nên tồi tệ đến mức công ty của ông gần như không thể giao dịch trong nhiều ngày liền.

“Đã có một cuộc đình công của người mua”, ông Gundlach nhận định. “Và đó là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi giá trái phiếu mãi đến gần đây vẫn còn giảm xuống”.

Những rủi ro địa chính trị gia tăng cũng khiến giới đầu tư nhanh chóng đổ xô tới các tài sản trú ẩn như đô la Mỹ, coi đây là hàng rào chống lại những bất ổn của nền kinh tế. Kể từ đầu năm tới nay, đô la Mỹ đã không ngừng mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác, tăng khoảng 15% so với yen Nhật, gần 11% so với bảng Anh và hơn 6% so với euro.

Chỉ số đồng DXY – thước đo giá trị của đô la Mỹ đã tăng khoảng 8,7%. Việc đô la Mỹ mạnh lên, liên tiếp phá kỷ lục về giá so với các đồng tiền khác cũng là một trong những lý do chính thúc đẩy các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ không bị giảm quá sâu.

“Những gì đã xảy ra trên thị trường toàn cầu trong năm nay thật thảm khốc”, Stefan Gerlach, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng EFG và cựu phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland nhận xét. “Nhưng nếu các ngân hàng trung ương không đánh giá thấp tốc độ tăng của lạm phát, để rồi sau đó phải vội vã tăng lãi suất, thì có thể mọi thứ đã không tệ đến vậy”.

Thị trường tiền kỹ thuật số thậm chí còn hỗn loạn hơn, khi hàng loạt vụ phá sản đáng chú ý của các doanh nghiệp lớn như FTX, Celsius hay sự sụp đổ của các đồng tiền Terra USD và Luna, đã thổi bay 1.400 tỉ đô la giá trị vốn hóa. Bitcoin – đồng tiền kỹ thuật số nổi tiếng nhất thế giới cũng đã mất 60% giá trị.

Các chuyên gia luật nhận định, những vụ phá sản liên tiếp này khiến nhà đầu tư phải suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về cách bảo vệ tài sản, đồng thời cho thấy, tiền kỹ thuật số vẫn nằm trong vùng xám về quy định quản lý và có thể phải mất nhiều năm nữa mới được kiểm soát chặt chẽ như các tài sản truyền thống.

Nguồn: Nasdaq, Economist, Moneyweb, Reuters, AP News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới