Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

2022 – năm nhiều ‘thăng trầm’ của thị trường chứng khoán Việt Nam!

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các nhà đầu tư đang hướng đến một năm 2023 với nhiều kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ “bớt khó” và ngày càng lành mạnh để đây thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Các nhà đầu tư đang hướng đến một năm 2023 với nhiều kỳ vọng thị trường sẽ “bớt khó” và ngày càng lành mạnh để TTCK thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Ảnh: LÊ VŨ

Những “nốt thăng” đáng nhớ!

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang dần khép lại năm 2022 “thăng trầm” với nhiều sự kiện và con số đáng nhớ.

Ở khía cạnh tích cực, sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng nhà đầu tư mới cũng như một số đổi mới về cơ chế vận hành giao dịch của thị trường là những “dấu son” đậm nét.

Cụ thể, tháng 5-2022 ghi dấu số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới lập kỷ lục với 476.332 tài khoản, gấp đôi so với tháng trước đó. Con số này cũng cao hơn 76% so với kỷ lục cũ là 270.011 tài khoản được xác lập vào hồi tháng 3-2022. Tuy nhiên, theo đà giảm của chỉ số, lượng tài khoản mở mới trong các tháng nửa cuối năm 2022 liên tục giảm.

Trong tháng gần đây nhất (tháng 11), số tài khoản mở mới chỉ còn 88.695 tài khoản, giảm 8% so với tháng 10. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 2-2021 và là tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm.

Mặc dù vậy, tính lũy kế đến nay, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,74 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,7% dân số. Đây là một con số rất ấn tượng, cho thấy kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng tiếp cận sâu rộng đến đa số người dân.

Sau giai đoạn 2020-2021 thăng hoa, chỉ số VN-Index đã liên tục lao dốc không phanh kể từ giữa quí 2-2022. Tại thời điểm ngày 26-1-2022, VN-Index dừng ở mốc hơn 985 điểm, giảm 35% so với đầu năm.

Ngoài việc tăng trưởng về số lượng nhà đầu tư, việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về T+2 kể từ ngày 29-8-2022 cũng là một điểm nhấn đáng chú ý.

Đây được coi là bước đột phá trong chu kỳ thanh toán của TTCK Việt Nam và cũng là một trong những mục tiêu cho việc nâng hạng thị trường. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc tăng thanh khoản, cũng như tăng mức độ hấp dẫn cho TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, cơ quan quản lý cũng “mạnh tay” hơn trong việc xử lý các sai phạm trên TTCK. Hồi đầu năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần đưa ra thông điệp khẳng định sẽ tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Thông điệp này đã được hiện thực hóa khi năm 2022 ghi nhận số vụ xử phạt vi phạm hành chính cao kỷ lục, liên quan đến các sai phạm về công bố thông tin của cổ đông nội bộ, doanh nghiệp niêm yết và các công ty chứng khoán trong việc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Các vụ án điển hình liên quan đến các tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…

Những gam màu “xám”

Sau giai đoạn 2020-2021 thăng hoa, chỉ số VN-Index đã liên tục lao dốc không phanh kể từ giữa quí 2-2022. Tại thời điểm ngày 26-1-2022, VN-Index dừng ở mốc hơn 985 điểm, giảm 35% so với đầu năm và lọt tốp 4 các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới.

Đà giảm của VN-Index được lý giải bởi nhiều nguyên nhân như căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine; lạm phát tăng cao trên toàn cầu; các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới (điển hình là Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, ngừng bơm tiền vào nền kinh tế…

Trong khi đó, ở trong nước, thị trường liên tục gặp những cú sốc như các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý các nhà đầu tư cá nhân - bộ phận chiếm đến 90% cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK.

Cùng với đó, xu hướng lãi suất tăng, thắt chặt tín dụng đối với các phân khúc cho vay rủi ro cao, bao gồm đầu tư bất động sản, chứng khoán và niềm tin trên thị trường TPDN sụt giảm mạnh… là các nguyên nhân chủ chốt khiến sức cầu trên thị trường ngày càng “teo tóp”.

Riêng với kênh TPDN, thị trường này đã có giai đoạn 2018-2021 “thăng hoa” sau khi Nghị định 163/2018 được ban hành. Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) giai đoạn 2011-2018 ghi nhận tổng khối lượng phát hành TPDN đạt khoảng 643.524 tỉ đồng.

Trong khi đó, chỉ trong năm 2021, lượng phát hành đã lên tới 658.000 tỉ đồng. Sự phát triển quá nóng của kênh TPDN theo đó đưa tới nhiều rủi ro, buộc các cơ quan quản lý phải có những giải pháp mạnh mẽ để lành mạnh hóa thị trường, mà nổi bật nhất là việc khởi tố vụ án tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Sau diễn biến này, thị trường TPDN gần như đóng băng.

Số liệu từ VBMA tính đến ngày 16-12-2022 cho thấy giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022 chỉ là 244.015 tỉ đồng (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành), giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cùng giai đoạn trên, số liệu VBMA ghi nhận các doanh nghiệp mua lại gần 182.742 tỉ đồng TPDN, tương đương tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Với những diễn biến trên, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đã bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu. Bên cạnh đó, Nghị định 65/2022 sửa đổi Nghị định 153/2020 được ban hành (có hiệu lực kể từ ngày 16-9-2022) càng theo hướng thắt chặt thêm các điều kiện phát hành TPDN.

Trước tình hình thực tế mới, Bộ Tài chính cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 23-11 đã tổ chức cuộc họp lắng nghe các đại diện tổ chức phát hành, công ty chứng khoán. Hơn nửa tháng sau cuộc họp kể trên, Bộ Tài chính đã dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Dự thảo này đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trong thị trường TPDN đang bế tắc suốt nhiều tháng qua, cùng với đó là giải được phần nào bài toán cho khoảng 308.622 tỉ đồng TPDN đáo hạn năm 2023.

Nhìn lại cả năm 2022, TTCK Việt Nam đã trải qua cả những gam màu tích cực và tiêu cực. Có nhiều yếu tố khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của các chủ thể trên thị trường nhưng cũng có những yếu tố chủ quan hoàn toàn có thể điều chỉnh để giảm bớt rủi ro cho thị trường.

Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư đang hướng đến một năm 2023 với nhiều kỳ vọng thị trường sẽ “bớt khó” và ngày càng lành mạnh để TTCK thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới