(KTSG) - Số liệu về tình hình doanh nghiệp năm 2023 và những dự đoán kém lạc quan của chuyên gia về kinh tế thế giới cũng như Việt Nam cho thấy chặng đường phía trước sẽ lắm chông gai, buộc “người lữ hành” doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phương diện.
- Doanh nghiệp làm gì để tránh ‘trả giá đắt’ trong giao kết thương mại?
- Doanh nghiệp năng lượng nhà nước Trung Quốc hướng sang công nghệ sạch
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn tăng mạnh hơn; số lao động đăng ký tăng nhưng số vốn đăng ký lại sụt giảm. Đó là nét phác họa từ số liệu về tình hình doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố những ngày cuối năm.
Cụ thể, năm 2023, cả nước có 159.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.521.300 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.052.600 lao động, tăng 7,2% về số doanh nghiệp, giảm 4,4% về số vốn đăng ký và tăng 7,3% về số lao động so với năm 2022. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỉ đồng, giảm 10,8%.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3.557.900 tỉ đồng, giảm 25,3% so với năm 2022; trong đó vốn đăng ký tăng thêm của hơn 46.000 doanh nghiệp đang hoạt động là 2.036.600 tỉ đồng, giảm 35,8% so với năm 2022.
Củng cố bảng cân đối tài sản, giảm nợ nần, giảm đầu tư phóng tay, giảm tham vọng hay lạc quan quá mức, chuẩn bị sẵn nguồn tiền mặt và vốn lưu động, kiện toàn quản trị doanh nghiệp... luôn là những bước chuẩn bị khôn ngoan và cần thiết.
Bên cạnh đó, còn có 58.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4% so với năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217.700 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022. Bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong năm 2023, có 89.100 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Hai gam màu sáng - tối (số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng và số doanh nghiệp “chết lâm sàng” cũng tăng) phản chiếu nhiều điều.
Trước hết, 2023 là một năm cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp, thậm chí còn hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19. Bởi lẽ, những năm dịch giã, doanh nghiệp chỉ tạm thời đình trệ hoạt động chứ không “cạn” tiền như năm nay. Nguồn lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn kể từ đại dịch trong khi những vướng mắc về thể chế, thủ tục, nguồn vốn vẫn chưa được cởi bỏ; nay lại chịu thêm cú “ngoại kích” - nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm sâu khiến đơn hàng ngày càng teo tóp. Suy kiệt rõ ràng là khó tránh khỏi!
Nhưng trên hết, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng một lần nữa chứng tỏ tinh thần kinh doanh của người Việt chưa bao giờ gián đoạn. Sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, điều cần thừa nhận là các doanh nghiệp Việt Nam có sức sống mãnh liệt, vì họ năng động và linh hoạt, họ rất biết cách vượt khó để tồn tại và tìm đường phát triển. Khi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007-2008 lan đến Việt Nam, nhiều người lo ngại về chuyện sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phá sản, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng khi “bão qua”, số doanh nghiệp phá sản là không đáng kể.
Dẫu vậy, thành thực mà nói, ngay cả tinh thần đáng khâm phục ấy cũng khó mang tới cảm giác yên lòng khi nhìn về những khó khăn, thách thức đang chờ đợi phía trước. Tới giờ, hầu hết phán đoán đều nghiêng về hướng nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào năm 2024 với vô vàn khó khăn và tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, thấp hơn so với các thập niên trước. Thậm chí, có nhận định cho rằng, những gì đang xảy ra nghiêm trọng gấp nhiều lần so với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1997-1999 hay khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007-2008.
Khó khăn và thách thức không chỉ xuất phát từ chu kỳ kinh tế thế giới mà còn từ những tranh chấp địa chính trị phức tạp có tính lịch sử, có thể định hình lại mô hình chính trị, kinh doanh, thương mại toàn cầu - từ sân chơi, luật chơi đến người chơi.
“Nhiều chủ doanh nghiệp hỏi tôi 1-2 năm nữa kinh tế thế giới đã hồi phục chưa, tôi e là chưa”, ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Công ty Tư vấn chiến lược 3Horizons (U.K) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ. Bởi lẽ khó khăn và thách thức không chỉ xuất phát từ chu kỳ kinh tế thế giới mà còn từ những tranh chấp địa chính trị phức tạp có tính lịch sử, có thể định hình lại mô hình chính trị, kinh doanh, thương mại toàn cầu - từ sân chơi, luật chơi đến người chơi.
Theo ông Chương, sẽ có những phân khúc thị trường hồi phục nhanh hơn nhưng nền kinh tế nói chung chắc chắn là chưa. “3-5 năm nữa khủng hoảng kinh tế mới đụng đáy mà đáy lần này hình chữ U dài chứ không phải chữ V, khi hồi phục cũng từ từ. Phải khoảng 10 năm nữa, thậm chí hơn, chúng ta mới thấy kinh tế trở lại mức như năm 2018-2019”. Vì thế, ông Chương mong muốn các doanh nghiệp ý thức được rằng cuộc suy thoái này sẽ rất sâu và rất lâu. “Nghĩa là doanh nghiệp phải làm bài toán ngược, xem mình có triển vọng nên trụ đợi bình minh hay không, nếu trụ thì có chiến lược để tránh hụt hơi gãy gánh nửa đường; đồng thời dự đoán thế giới tương lai có chỗ cho mình không hoặc mình có phù hợp với thế giới đó không. Nếu không có chỗ cho mình thì nên nhanh chóng cắt lỗ bây giờ rồi “ngủ đông”, chờ thời cơ mới”.
Trong bối cảnh khủng hoảng và khó khăn, ngoại trừ sự giúp đỡ từ Chính phủ là cái có thể khác biệt giữa các quốc gia, doanh nghiệp nào đối mặt với khó khăn cũng đều phải áp dụng một số biện pháp phổ biến, thông dụng như cắt giảm chi phí, cố gắng duy trì quan hệ với bạn hàng, với ngân hàng, chuyển hướng và mở rộng thị trường, cải cách quản trị doanh nghiệp, nhân sự, tiền lương, cơ cấu lại nợ và các khoản đầu tư...
Mỗi người lữ hành khi biết chặng đường sắp tới lắm chông gai đều cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả về sức khỏe, phương tiện, tiền nong, thời điểm xuất phát. Doanh nghiệp cũng vậy, củng cố bảng cân đối tài sản, giảm nợ nần, giảm đầu tư phóng tay, giảm tham vọng hay lạc quan quá mức, chuẩn bị sẵn nguồn tiền mặt và vốn lưu động, kiện toàn quản trị doanh nghiệp... luôn là những bước chuẩn bị khôn ngoan và cần thiết. “Bài vở” ở đâu cũng chỉ có từng đó, hơn nhau là cách học và áp dụng bài vào thực tiễn doanh nghiệp mình mới mong vượt qua được khó khăn.
Đường đi, không khó vì chông gai, thử thách. Mà khó vì lòng người ngại nhìn ngay, nói thẳng với nhau. Một lúc nào đó, nếu cuộc đời hết chông gai thử thách, thì sẽ không còn câu chuyện bước đi nữa. Khi ấy, chỉ có lùi lại, và suy tàn.