Có nên bỏ quy định về mức vốn tối thiểu thành lập hãng hàng không?
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Hội đồng tư vấn du lịch thuộc Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân mới đây gửi văn bản cho Thủ tướng đề nghị nhiều vấn đề liên quan đến tự do hóa vận tải hàng không. Trong đó có đề nghị bỏ quy định về mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì hoạt động của một hãng hàng không.
Tỉ lệ quy định về vốn tối thiểu cho các hãng hàng không thành lập mới thực chất sẽ được nâng lên. Ảnh:TL |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016 về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng. Trong số này, có sửa đổi quy định về vốn tối thiểu.
Hiện tại hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay có vận chuyển quốc tế phải có vốn tối thiểu 700 tỉ đồng, còn hãng đăng ký khai thác trong nước chỉ cần vốn 300 tỉ đồng.
Nay dự thảo mới thống nhất dù khai thác trong nước hay quốc tế đều phải có vốn đăng ký 700 tỉ đồng, như vậy thực chất là nâng vốn tối thiểu thay vì phân biệt như trước.
Hiện tại hãng khai thác từ 11 đến 30 máy bay phải có vốn tối thiểu 1.000 tỉ đồng, chỉ khai thác trong nước cần vốn tối thiểu 600 tỉ đồng. Dự thảo mới yêu cầu hãng khai thác 11 đến 30 máy bay cần 1.000 tỉ đồng tối thiểu, cũng không phân biệt khai thác trong hay ngoài nước như trước.
Nhưng Hội đồng tư vấn du lịch, ở hướng ngược lại lại đề xuất bỏ luôn quy định về vốn tối thiểu cũng như bỏ các thủ tục hành chính về việc thành lập hãng hàng không để hạ bớt rào cản với việc thành lập các hãng hàng không, thúc đấy tăng trưởng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực hàng không.
Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, các hãng xin cấp phép thành lập mới như Bamboo Airways hay Vietstar Airlines đều rất chật vật trong việc đáp ứng điều kiện tối thiểu về vốn để thành lập và duy trì hoạt động hàng không.
Bamboo Airways cần đến gần 1 năm mới lo đủ số vốn 700 tỉ đồng theo đúng quy định (số tiền này phải được phong tỏa tại ngân hàng và giải tỏa sau khi cấp phép đảm bảo doanh nghiệp có tiền thật để hoạt động). Còn Vietstar Airlines thời gian dài vẫn thiếu một phần trong số tiền phải có theo đúng quy định.
Một thực tế là kinh doanh hàng không là lĩnh vực đòi hỏi nhiều vốn để duy trì hoạt động bay trong thời gian rất dài do chi phí mua máy bay, xăng dầu, các chi phí duy trì rất lớn. Đã có hãng hàng không như Indochina Airlines do thiếu vốn duy trì hoạt động khi làm ăn thua lỗ nên phải đóng cửa, dẫn đến hệ lụy kéo dài.
Mời xem thêm: