Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ tích Lưu Bình – Dương Lễ tới ca khúc Quán gấm đầu làng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ tích Lưu Bình - Dương Lễ tới ca khúc Quán gấm đầu làng

Hà Đình Nguyên

(TBKTSG Online) - Quán gấm đầu làng là tên một ca khúc của nhạc sĩ Giao Tiên lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam Lưu Bình - Dương Lễ.

Chuyện tình Lan và Điệp: Từ tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đến tân cổ giao duyên Nam bộ

Bát cơm hẩm, đĩa cà thiu

Từ tích Lưu Bình - Dương Lễ tới ca khúc Quán gấm đầu làng
Bìa nhạc Quán gấm đầu làng sau năm 1975.

Chuyện kể rằng: Lưu Bình và Dương Lễ là bạn học. Nhà Lễ nghèo, trái lại Bình là con nhà giàu có. Bình đưa bạn về nhà mình, bao ăn ở để cùng học tập. Lễ biết thân biết phận, tu chí học tập còn Bình thì ỷ vào tiền của, ăn chơi lêu lỏng. Đến kỳ thi, Dương Lễ đậu cao, được bổ làm quan lớn. Lưu Bình thi trượt, thất chí, lại càng bê tha, trác táng...

Ăn chơi mãi rồi gia tài cũng khánh kiệt, lúc đó Lưu Bình mới nhớ tới bạn cố tri hiện đang làm quan, bèn tìm tới dinh thự của Dương Lễ xin gặp, có ý nhờ vả.

Lễ tránh mặt không tiếp lại cho gia nhân dọn cho Bình một bát cơm hẩm và một đĩa cà thiu. Lưu Bình uất hận, tủi nhục ra về toan tự vẫn thì gặp một thiếu phụ xinh đẹp tên là Châu Long. Nàng hết sức khuyên nhủ Lưu Bình sửa đổi cách sống, tu chí học tập mới có cơ hội rửa  nhục. Nàng hứa sẽ chăm sóc cho chàng cho đến khi thành tài với điều kiện “Anh chưa thi đỗ, thì chưa động phòng”.

Bìa nhạc Quán gấm đầu làng trước năm 1975.

Từ đó nàng sống chung với Lưu Bình, dựng quán dệt tơ, bán vóc, còn Bình thì ngày đêm trau dồi kinh sử. Ba năm sau, Lưu Bình thi đỗ Trạng nguyên. Vinh quy bái tổ về đến quán xưa thì Châu Long đã bỏ đi biền biệt.

Nhớ tới mối hận xưa, Bình cho kiệu xe tới nhà Dương Lễ. Lễ mở rộng cửa, hân hoan chào đón, lại cho gọi người thiếp ra chào, chính là Châu Long. Hóa ra, chính Dương Lễ đã khích cho Lưu Bình oán giận rồi gọi vợ là Châu Long theo giúp đỡ Lưu Bình cho tới khi bạn mình công thành danh toại.

Lưu Bình chỉ còn biết quỳ lạy vợ chồng người bạn đã hết lòng vì mình. Nhiều người cho rằng tích Lưu Bình - Dương Lễ của Việt Nam còn hay và cảm động hơn cả tích Bá Nha - Tử Kỳ của Trung Quốc.

Quán gấm đầu làng

Nhạc sĩ Giao Tiên hiện nay.

Khoảng đầu thập niên 1970, ở miền Nam rộ lên những ca khúc chủ đề nhạc quê hương, chẳng hạn: Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Rạng đông trên quê hương Việt Nam, Thương quá Việt  Nam (Phạm Thế Mỹ); Rước tình về với quê hương, Tình ca trên lúa, Đám cưới trên đường quê hương (Hoàng Thi Thơ)... Những ca khúc của Hoàng Thi Thơ thường được đôi song ca Sơn Ca - Bùi Thiện thể hiện.

Dạo đó, “lò” đào tạo ca sĩ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thường cho “ra ràng” nhưng nữ ca sĩ có tên “chim” như Sơn Ca, Họa Mi... Sơn Ca còn hát bài Quán gấm đầu làng của một nhạc sĩ lạ hoắc ký là Hoa Thiên Lý, ca khúc này được khá nhiều người ưa thích bởi tiết tấu vui nhộn, rộn ràng: “Quán gấm đầu làng ấy người đời ai nhớ chăng. Quán gấm đầu làng ấy chuyện xưa rất xa xưa. Tình tang ối a đầu làng, nàng Châu Long đã dựng quán. Tình tang ối a báo ơn báo ơn thay chồng... Quán gấm đầu làng có nàng dệt tơ bán tơ. Quán gấm đầu làng có chàng ngồi bên áng thơ. Tình tang ối a một lòng dùi mài kinh sử đèn sách. Tình tang ối a vẻ vang bảng son đề tên... Quán gấm đầu làng sứ mạng nàng Châu đã xong. Quán gấm đầu làng thoả nguyện chàng Dương Lễ mong. Tình tang ối a nàng về chờ tân quan đến diện kiến. Tình tang ối a ngẩn ngơ ngẩn ngơ cho Lưu Bình...”.

Sau năm 1975, ca khúc Quán gấm đầu làng được phép phổ biến trở lại với tên tác giả là Giao Tiên. Chúng tôi đã liên lạc với nhạc sĩ Giao Tiên (ông hiện đang sống tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Ông cho biết: “Thuở thiếu thời tôi rất gần mẹ. Mẹ tôi thì lại thích chuyện cổ dân gian và thích xem tuồng tích... Sở thích của bà đã truyền thụ sang tôi. Khi học trung học đệ nhất cấp, tôi là một cậu học trò giỏi văn. Những áng truyện thơ như Nhị Độ Mai, Hoa Tiên Truyện, Chinh Phục ngâm Khúc hay Cung Oán ngâm khúc... và cả Kim Vân Kiều tôi đều say mê và nổi trội. Mẹ tôi thường nhiều lần kể về sự tích Lưu Bình - Dương Lễ. Bà say mê kể, tôi chăm chú nghe đến thuộc lòng. Tôi rất yêu thích nhân vật chính là Dương Lễ và Châu Long. Tự nghĩ sau này lớn lên mình cũng phải là một người bạn hết lòng với anh em.

Năm 1970 -1971, là thời điểm ông đang rất hưng phấn sáng tác ca khúc, lại rất đam mê loại nhạc đồng quê, loại

Nhạc sĩ Giao Tiên khi còn trẻ.

nhạc truyện kể, nên Lưu Bình - Dương Lễ là hình tượng nổi bật trong nguồn cảm hứng sáng tác của ông. Và hơn thế nữa, lúc bấy giờ có một cửa hàng bán nhạc (tờ rời ) là quán Mỹ Hạnh (ở số 51 Lê Lợi, Sài Gòn) rất thích mua bản quyền nhạc của ông.

“Vậy là Quán gấm đầu làng ra đời. Rồi cô Sáu Liên, Giám đốc Hãng đĩa Việt Nam tình cờ bắt gặp bản nhạc (giấy) của tôi tại Quán Mỹ Hạnh. Bà đã đưa ra đề nghị mua bản quyền để thu thanh dạng “tân cổ giao duyên”. Ông Mỹ Hạnh và tôi như mở cờ trong bụng. Vì tìm được chỗ phát hành băng đĩa, được lăng-xê vô điều kiện. Thế là bản nhạc được in ấn ngay. Lúc đó chúng tôi thỏa thuận lấy lên tác giả là Hoa Thiên Lý mà sau này tôi mới lấy tên Giao Tiên”, nhạc sĩ kể lại.

Ông nói: “Thời gian lâu quá rồi nên tôi quên, không biết ở đĩa nhựa Việt Nam, bản tân cổ Quán gấm đầu làng do cặp nghệ sĩ nào thể hiện và tác giả phần cổ nhạc là ai. Nhưng bên tân nhạc thì ca sĩ Sơn Ca là người thu âm đầu tiên. Nhưng thật ra, ca sĩ Sơn Ca hát chưa đạt. Phải đợi đến khoảng 1994 - 1995, trong băng cassete Mưa bụi, ca khúc Quán gấm đầu làng được cặp ca sĩ đang ăn khách lúc bấy giờ là Chế Thanh - Hà Phương (em của ca sĩ Cẩm Ly) thì bài hát mới nổi đình nổi đám”.

Sau này, bài hát còn được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước thể hiện. Đó là một trong rất ít những ca khúc nhắc đến điển tích Lưu Bình - Dương Lễ, ngoài thoáng qua trong câu: “Cho xin sống lại tình Lưu Bình – Dương Lễ. Hỏi nàng Châu Long mấy mùa tằm tơ nuôi chồng...”  của ca khúc Cho xin sống lại của Hoài Linh.

Ảnh : tư liệu và tác giả cung cấp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới