(KTSG Online) - Khoảng 5% trong tổng số các ngân hàng trên toàn cầu dễ bị căng thẳng về nguồn vốn nếu lãi suất của các ngân hàng trung ương duy trì ở mức cao trong thời gian dài, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% nếu kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp và lạm phát cao, một hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là “lạm phát đình đốn” (stagflation).
- Fed báo hiệu duy trì lãi suất cao trong thời gian dài
- Ngân hàng Nhật Bản sẽ lỗ nặng nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất
Cảnh báo trên được đưa ra trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu của IMF công bố hôm 10-10. Cảnh báo dựa trên một cuộc kiểm tra sức chịu đựng (stress test) mới với tiêu chuẩn đánh giá nghiêm ngặt hơn, mà IMF thực hiện với khoảng 900 tổ chức cho vay ở 29 nước sau cú sụp đổ hồi đầu năm nay của Ngân hàng Silicon Valley Bank cùng hai ngân hàng khu vực khác ở Mỹ và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ.
Bài kiểm tra sức chịu đựng là một đánh giá định lượng về tương lai của vốn ngân hàng nhằm chứng minh kịch bản suy thoái kinh tế vĩ mô giả định sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ vốn của các ngân hàng.
Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF, cho biết hiện nay có một nhóm ngân hàng yếu kém ở nhiều quốc gia.
IMF đã điều chỉnh bài kiểm tra sức chịu đựng trong năm nay để thăm dò tác động lên ngành ngân hàng trong kịch bản kinh tế cơ sở, với lãi suất cao duy trì trong thời gian dài hơn dự kiến, cũng như rủi ro người tiêu dùng rút tiền gửi ở ngân hàng. Trong kịch bản “nghiêm trọng nhưng hợp lý", IMF dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào tình trạng "lạm phát đình đốn".
Adrian nói: “Theo kịch bản cơ sở, có khoảng 5% ngân hàng (trên toàn cầu) sẽ rơi vào vị thế tương đối yếu về nguồn vốn. Và trong tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, con số đó có thể lên tới 30% hoặc cao hơn”.
IMF không xác định cụ thể ngân hàng nào có thể gặp rắc rối nếu kịch bản nghiệm trọng xảy ra, nhưng cho biết danh sách đó sẽ bao gồm các ngân hàng lớn.
“Chắc chắn có một số tổ chức tài chính lớn có thể chịu áp lực trong một số tình huống”, Adrian nhận định, và lưu ý rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi đầu năm ở Mỹ cho thấy ngay cả những vụ sụp đổ của các ngân hàng nhỏ cũng có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính rộng lớn hơn.
Các ngân hàng được xem là yếu kém nếu có mức vốn giảm hơn 5 điểm phần trăm trong quá trình kiểm tra sức chịu đựng của IMF, hoặc giảm dưới mức sàn 7 điểm phần trăm.
Theo kịch bản cơ sở của IMF, 55 ngân hàng chiếm 4% tài sản ngân hàng toàn cầu được xem là yếu kém. Theo kịch bản lạm phát đình đốn, con số đó sẽ tăng lên 215 ngân hàng, nắm giữ 42% tài sản ngân hàng toàn cầu.
IMF kêu gọi các chính phủ giám sát chặt chẽ các ngân hàng của họ và yêu cầu họ thực hiện hành động chấn chỉnh “kịp thời và dứt khoát" hơn. Báo cáo của IMF được đưa ra khi các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tập trung tại Marrakech, Maroc để tham dự hội nghị họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Adrian nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 10-10 rằng các cơn bán tháo gần đây trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ diễn ra có trật tự.
“Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhanh chóng, nhưng chúng tôi chưa thấy tình trạng như giảm đòn bẩy bắt buộc hoặc các rối loạn chức năng thị trường khác”, ông nói.
Ông nói thêm, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Đức và các nước Nam Âu như Ý, vốn nới rộng trong cuộc khủng hoảng nợ công cách đây một thập niên, vẫn được “kiềm chế tốt”.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất vào năm 2022 và 2023 đã dẫn đến tổn thất nặng nề đối với danh mục trái phiếu chính phủ Mỹ mà các ngân hàng khu vực của Mỹ nắm giữ. Điều đó khiến khách hàng hoảng sợ và ồ ạt rút tiền, dẫn đến một loạt vụ sụp đổ ngân hàng khu vực ở Mỹ vào tháng 3 và tháng 5.
Tháng trước, Fed giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25 -5,5% nhưng báo hiệu có thể cần phải tăng thêm 25 điểm cơ bản trước cuối năm nay để củng cố xu hướng đi xuống của lạm phát. Điều này có nghĩa là lãi suất của Mỹ vào cuối năm 2024 vẫn duy trì ở mức trên 5% nếu Fed giữ quan điểm thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn dự kiến.
Báo cáo của IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì lãi suất cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt rõ ràng và cảnh báo một số nhà đầu tư dường như quá tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm nhanh chóng.
“Lịch sử cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên tuyên bố chiến thắng quá sớm (trong cuộc chiến chống lạm phát) và nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm”, báo cáo cho biết.
Theo Reuters