Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ chuyển cơ quan quản lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ chuyển cơ quan quản lý

Lan Nhi

30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ chuyển cơ quan quản lý
Các doanh nghiệp dầu khí, điện, than, xăng dầu...sẽ do Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước chịu trách nhiệm, thay cho Bộ Công Thương. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) - Chính phủ đã công bố dự thảo nghị định về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn.

Mô hình này được dự báo là nhằm thay thế chức năng quản lý vốn, tài sản nhà nước mà Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện đang nắm giữ.

Theo dự thảo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thì Ủy ban này sẽ trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Một câu hỏi đặt ra là hiện nay Chính phủ đã thành lập SCIC trực thuộc Bộ Tài chính có chức năng tương tự: quản lý, giám sát và đầu tư vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, vậy tại sao cần thành lập thêm ủy ban này?

Xét về hình thức, theo dự thảo thì ủy ban này sẽ có chức năng quản lý quy mô hơn SCIC nhiều vì SCIC cũng sẽ là một tập đoàn được gom về ủy ban để quản lý, cùng với 29 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc các lĩnh vực như điện lực, dầu khí, than, khoáng sản, dệt may, viễn thông, cà phê, đường sắt, hàng hải, hàng không, hóa chất...

Ủy ban này sẽ thay chức năng quản lý vốn nhà nước của các bộ, ngành. Riêng các DNNN thuộc UBND cấp tỉnh vẫn do tỉnh quản lý, các doanh nghiệp quốc phòng và an ninh vẫn sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý; hay các ngân hàng, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước do NHNN quản lý.

Mô hình phân tách quản lý như vậy vẫn còn mang tính phân tán, nhiều đầu mối; nhất là khi các bộ chủ quản vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.

Mục tiêu thành lập ủy ban này là nhằm nâng cao việc quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản nhà nước để “thoát ly” vai trò vừa đại diện vốn vừa quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đồng thời ủy ban sẽ thực hiện nhiều hoạt động tái cơ cấu vốn theo các phương án được Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả đầu tư, kinh doanh tại 30 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện đã có mô hình SCIC - thành lập và hoạt động nhiều năm qua với tính chất và cách thức hoạt động giống như ủy ban, đang quản lý và đầu tư, thu lời từ khối tài sản khổng lồ của nhà nước - mà hiệu quả hoạt động chưa được đánh giá cao thì việc thành lập thêm một ủy ban có tính chất tương tự, quy mô quản lý rộng hơn liệu sẽ hiệu quả đến đâu chắc chắn là một vấn đề cần được tính toán kỹ.

Cả nước hiện có 781 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với tổng vốn chủ sở hữu lên đến 1, 23 triệu tỉ đồng. Trong số này, 81% là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn.

Còn theo tổng tài sản tạm tính của 30 doanh nghiệp sẽ chuyển về cho ủy ban dự kiến thành lập trong tương lai là khoảng hơn 2,2 triệu tỉ đồng, trong số này, vốn chủ sở hữu ước tính khoảng hơn 850.000 tỉ đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới