Thứ Hai, 30/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

36 doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị Thủ tướng về bất cập trong kinh doanh xăng dầu

TH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những bất cập trong việc kinh doanh xăng dầu. Theo kiến nghị này, việc điều hành của Liên bộ Công Thương – Tài chính thời gian qua có nhiều vấn đề, gây ra bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.

Theo văn bản, các doanh nghiệp này cho biết việc điều hành của Liên bộ Công Thương – Tài chính thời gian qua có vấn đề gây ra bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng ở quận 3, TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì “thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan Nhà nước công bố.” Nhưng Liên bộ quản lý đã để xảyra tình trạng chiết khấu âm.

Tức là các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách “lách”quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0 đồng). Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.

Nội dung bản kiến nghị của 36 các doanh nghiệp phản ánh, nếu tiếp tục điều hành đi trái lại với quy luật giá trị, cung cầu thì sẽ phải trả giá bằng sự bất ổn.

Điều đáng nói là Liên bộ vẫn đang để tình trạng nghịch lý này tồn tại trong thời gian dài mà chưa có động thái nào khắc phục. Có rất nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải “chịu” bán nhưng không ai bù lỗ.

Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà doanh nghiệp không được ngưng bán do Bộ Công Thương dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc doanh nghiệp bán lẻ duy trì hoạt động và bán lỗ để ổn định thị trường.

Tại văn bản này, nhóm các doanh nghiệp đã đề nghị, khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng “thả nổi” chiết khấu. Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là điều không thể chấp nhận được và là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.

Theo ý kiến từ các doanh nghiệp, về phía Liên bộ điều hành xăng dầu, cần lắng nghe phản ánh từ các doanh nghiệp xăng dầu đồng thời có sự liên kết và có chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. Cán bộ điều hành cần hiểu đúng ý nghĩa của chiết khấu hiện nay là rất quan trọng trong suốt khâu phân phối lưu thông xăng dầu, nó quyết định đến sự ổn định thị trường.

Cơ quan quản lý cũng cần đưa ra các giải pháp khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; không để doanh nghiệp bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá bán thấp hơn giá mua vào.

Bản kiến nghị cũng nêu rõ, phải thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí và xa rời thực tế dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ. Công thức hiện nay chỉ đúng khi giá xăng dầu luôn luôn tăng. Bởi lẽ, doanh nghiệp còn hàng tồn kho rất lớn, hoạt động của doanh nghiệp có rất nhiều chi phí, nhất là hạch toán giá vốn phải hạch toán theo giá bình quân gia quyền của hàng tồn kho theo quy định của Luật Kế toán, kể cả chi phí cơ hội để có được khách hàng cũng phải hạch toán vào.

Công thức tính giá cơ sở hiện hành hoàn toàn không phù hợp dẫn đến giá bán lẻ xăng dầu hiện nay là giá áp đặt bắt buộc theo giá thế giới chứ không theo hoạt động kinh tế của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu về dự trữ chưa bán ra, khi giá thế giới giảm thì sẽ lỗ, nếu quá trình này diễn ra vài lần thì doanh nghiệp lỗ lớn dẫn đến biện pháp cắt lỗ là bóp chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ gây bất ổn thị trường.

Các doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ chứ không theo tỷ lệ không nhỏ hơn từ 6-7%/giá bán mỗi lít xăng dầu. Việc áp dụng theo tỷ lệ chứ không áp dụng theo số tiền cụ thể để nếu sau này giá xăng dầu tăng, giảm thì vẫn áp dụng ổn định. Ngược lại, nếu không quy định được chiết khấu đại lý, cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.

Bên cạnh đó, việc trích quỹ bình ổn cũng cần xem xét loại bỏ, vì hoạt động không khách quan. Nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp theo dõi được rõ ràng hơn. Bởi, doanh nghiệp đại lý đang có chiết khấu 0 đồng mà Liên bộ lại cho trích quỹ 600 đồng/lít, thay vì phần này đưa vào giảm lỗ cho các doanh nghiệp bán lẻ đang cực kỳ khó khăn.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới