Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

50% sản phẩm tự nhận ‘xanh’ ở châu Âu là sai sự thật

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hơn nửa số tuyên bố về lợi ích môi trường được sử dụng để quảng cáo các sản phẩm ở Liên minh châu Âu (EU) là sai lệch hoặc vô căn cứ, theo Ủy ban châu Âu (EC).

Ủy ban châu Âu (EC) đang soạn thảo các quy định để chống ‘tẩy rửa xanh’. Ảnh: Telegraph

Trong bản dự thảo mới nhất về các quy định mới để ngăn chặn ‘tẩy rửa xanh’, EC cho biết đã phát hiện 53% trong số hàng trăm tuyên bố ‘xanh’ được thẩm định vào năm 2020 dựa vào “thông tin mơ hồ, sai lệch hoặc vô căn cứ về các đặc tính môi trường của sản phẩm”.

Tẩy rửa xanh (greenwashing) ám chỉ đến việc đưa ra tuyên bố không có cơ sở để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của một công ty là thân thiện với môi trường hoặc có tác động môi trường tích cực hơn so với thực tế.

Các quy định mới mà EC đang soạn thảo cung cấp một khuôn khổ tiêu chuẩn hóa để đánh giá tác động môi trường của các sản phẩm và chứng minh các tuyên bố như “100% tái chế” hoặc được làm từ các thành phần “hoàn toàn tự nhiên”.

Sáng kiến này là một phần trong kế hoạch triển khai luật pháp nhanh chóng của EU bao gồm các quy định về rác thải bao bì và khả năng sửa chữa sau khi găp sự cố của máy tính xách tay và điện thoại di động, nhằm khuyến khích tiêu dùng bền vững hơn trong khối.

Bản dự thảo của EU cho biết: “Bằng cách chống lại việc tẩy rửa xanh, đề xuất này sẽ đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp khi tiếp thị xanh đối với các sản phẩm của họ. Các tuyên bố liên quan đến khí hậu đặc biệt có xu hướng không rõ ràng, mơ hồ và gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, lên đến mức ‘tẩy rửa xanh’”.

Các quy định mới của EC sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ được bán trên thị trường chung EU, trong khi, các dịch vụ tài chính như ngân hàng và sản phẩm đầu tư, sẽ được quy định riêng.

Chúng sẽ bao gồm yêu cầu các công ty chứng minh bất kỳ tuyên bố đã bù đắp cho lượng khí thải carbon gây ô nhiễm liên quan đến các sản phẩm họ đang bán. Theo các quy định trong dự thảo, các công ty sẽ cần phải báo cáo liệu họ đã sử dụng các biện pháp bù đắp carbon hay chưa và loại bù đắp carbon nào mà họ đang sử dụng.

Vấn đề tẩy rửa xanh nóng lên trong chương trình nghị sự của các cơ quan quản lý ở châu Âu trong 12 tháng qua. Các tuyên bố về môi trường và khí hậu do các công ty và tổ chức tài chính đưa ra đang bị giám sát chặt chẽ hơn.

Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh (CMA) của Anh đã mở cuộc điều tra các thương hiệu thời trang, bao gồm cả Asos và Boohoo, về các tuyên bố xanh của họ sau khi đánh giá rằng các tuyên bố tính thân thiện môi trường và bền vững ở các sản phẩm của một số nhà bán lẻ thời trang “có khả năng gây hiểu lầm”.

Theo các quy định dự thảo của EC, các công ty đưa ra tuyên bố xanh phải đánh giá sản phẩm của họ bằng cách sử dụng phương pháp gọi là ‘dấu ấn môi trường của sản phẩm’ (PEF) hoặc sử dụng các phương pháp đánh giá thay thế được EU phê duyệt để đáp ứng các yêu cầu nhất định.

“Tiêu chuẩn đánh giá của EC khá cao” Margaux Le Gallou, Giám đốc chương trình ở Liên minh Tiêu chuẩn môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Brussels (Bỉ), nó, đồng thời lưu ý rằng bất kỳ hạng mục sản phẩm nào không nằm trong PEF đều phải có phương pháp đánh giá thay thế được EU được phê duyệt. “Nếu không, bạn không được phép đưa ra những tuyên bố xanh”, Gallou nói tiếp.

Phương pháp đánh giá PEF bao gồm 16 loại tác động, bao gồm biến đổi khí hậu, sử dụng đất và sử dụng nước, nhưng không bao gồm các lĩnh vực khác như khả năng tái sử dụng và nội dung tái chế của sản phẩm. Theo dự thảo của EC, các công ty không thể đưa ra tuyên bố về môi trường đối với các sản phẩm nếu chúng không được đánh giá bởi một phương pháp đã được phê duyệt.

Các doanh nghiệp ngày càng lo ngại về số lượng quy định được Brussels đưa ra để hỗ trợ mục tiêu phát thải zero ròng của EU. Lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính bổ sung liên quan đến việc chứng minh các tuyên bố xanh sẽ cản trở khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp ở EU.

BusinessEurope, tổ chức vận động hành lang cho doanh nghiệp ở EU, lo ngại sự chồng chéo trong các quy định sắp tới với luật pháp hiện hành, chẳng hạn như các thực hành thương mại không công bằng.

“EU nên tránh gây ra phiền phức về các quy định không hiệu quả và gánh nặng hành chính, thay vào đó, nên tập trung vào việc làm hài hòa các yêu cầu”, BusinessEurope cho biết trong một tuyên bố.

Một quan chức EU nói rằng vấn đề  tẩy rửa xanh hiện nay “rất nghiêm trọng” vì nó bóp méo thương mại công bằng trong thị trường chung EU và khiến các công ty “thực sự bền vững” gặp bất lợi.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới