(KTSG Online) - Theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu các giải pháp kinh doanh online Sapo, 55,7% nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đã áp dụng mô hình bán hàng đa kênh và đạt doanh thu từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng/tháng.
- Nghiên cứu định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử bằng VNeID
- Thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số
Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo vừa công bố kết quả khảo sát về tình hình kinh doanh năm 2024 từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc.
Theo khảo sát, 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong năm 2024, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ với nhân sự dưới 5 người, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng/tháng. Các ngành hàng nổi bật gồm thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm.
Trong số đó, hơn 80% nhà bán hàng đã lên kế hoạch mở rộng kinh doanh lên các nền tảng trực tuyến, tăng cường bán hàng qua livestream và tận dụng sức mạnh của các mạng xã hội như TikTok và Facebook.
Ngược lại, có đến 66% nhà bán hàng không ghi nhận sự tăng trưởng hoặc thậm chí còn giảm doanh thu, nhiều doanh nghiệp còn giảm hơn 10%. Nhóm này chủ yếu là các hộ kinh doanh truyền thống, gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số và chưa tận dụng được các công cụ hỗ trợ kinh doanh.
Năm qua, mô hình bán hàng đa kênh tiếp tục là chiến lược hiệu quả nhất khi 55,7% nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đã áp dụng thành công với doanh thu từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng mỗi tháng.
Theo Sapo, thương mại điện tử vẫn là kênh bán hàng chủ lực khi 77% nhà bán hàng đã tận dụng ít nhất một nền tảng trực tuyến. Shopee, TikTok Shop và Facebook là những cái tên được ưa chuộng và đầu tư mạnh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Temu và Shein cùng việc gia tăng thuế phí đã tạo áp lực lớn lên các nhà bán hàng trong nước. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang chiến lược kinh doanh bền vững, giảm bớt cạnh tranh về giá và tập trung vào tối ưu chi phí vận hành.
Năm 2024 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc chuyển đổi số ngành bán lẻ khi 94,4% nhà bán hàng đã áp dụng thanh toán không tiền mặt với hình thức VietQR dẫn đầu.
Bên cạnh đó, AI cũng được tận dụng trong ngành bán lẻ để phân tích dữ liệu khách hàng, quảng cáo, quy trình bán hàng. Sự kết hợp giữa thanh toán điện tử và AI đã mang lại hiệu quả đáng kể, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo đơn vị này dự báo, năm 2025, 59% nhà bán hàng bày tỏ sự lạc quan về tình hình kinh doanh.Các nhà bán hàng sẽ ưu tiên mở rộng các kênh bán hàng, đặc biệt trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Chiến lược số hóa và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội và đối mặt với thách thức trong tương lai.