59% ngân hàng Việt đang chuyển đổi số
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh người tiêu dùng “chi tiêu số” ngày càng nhiều hơn, các ngân hàng cũng chi triệu đô để “số hóa” bản thân.
Xem thêm >>>
“Anh tài” Fintech 2019: Xếp hạng tín nhiệm và vay ngang hàng lên ngôi
Nền tảng vay ngang hàng nhận vốn nửa triệu đô la
Tại Diễn đàn Fintech 2019, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, khẳng định chuyển đổi chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là tất yếu, bởi hiện nay công nghệ đang được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước. Nguồn: NHNN |
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn 6% ngân hàng hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.
“Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp và quy trình, chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được nghiên cứu, triển khai tại một số ngân hàng tiên phong”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Chuyển đổi ngân hàng số được xem là quy trình tích hợp công nghệ vào mọi cấp độ hoạt động ngân hàng, số hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh, vận hành, cung ứng sản phẩm – dịch vụ trên nền tảng số, khai thác tối ưu dữ liệu để tăng trải nghiệm và sự gắn kết của khách hàng. Vì vậy, có thể xem ngân hàng số là đích đến, trong khi chuyển đổi số là một quá trình với nhiều cấp độ, hướng tới ngân hàng số đích thực.
Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho chuyển đổi số, với cơ hội cho phát triển ngân hàng số với 96,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (người trưởng thành chiếm khoảng 70%), đồng thời có 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh và 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số.
Nền kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng mạnh. Nguồn: Báo cáo "e-Conomy Southeast Asia 2019" |
12 tỉ đô la nền kinh tế số, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á
Trong khi đó, “tiêu dùng số” của người dân ngày càng tăng mạnh. Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, cho thấy nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bứt phá đứng thứ hai (sau Indonesia) so với các quốc gia khác trong khu vực, nền kinh tế số dự báo đạt 12 tỉ đô la Mỹ vào năm nay và cán mốc 43 tỉ đô la vào năm 2025. Các lĩnh vực của nền kinh tế số đang tăng trưởng bao gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Fintech NHNN, quá trình chuyển đổi số hóa mạnh mẽ từ mô hình ngân hàng truyền thống (traditional banking) sang mô hình ngân hàng số (digital banking) một mặt đem lại cơ hội lớn, tuy nhiên cũng mang lại không ít thách thức cho các ngân hàng và cơ quan quản lý.
Là đơn vị quản lý các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước hiện đang triển khai nhiều giải pháp để sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nhà băng diễn ra suôn sẻ hơn, trong bối cảnh các fintech cũng “trăm hoa đua nở”.
Chẳng hạn, thông qua cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam 2019 (Fintech Challenge Vietnam – FCV 2019), đại diện Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ nắm bắt các giải pháp, dịch vụ mới của các đội tham gia và xu hướng chuyển đổi số trong trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính để tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách và sớm ban hành các quy định quản lý tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, ông Dũng cũng đề xuất các Bộ, ngành đẩy nhanh hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm; đồng thời xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số và hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin.