Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

6 nhà bán lẻ lớn ở TPHCM bắt tay chặn thực phẩm không an toàn

L. Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lần đầu tiên 6 hệ thống phân phối lớn gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market và Bách Hóa Xanh ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hệ trống trên địa bàn thành phố.

Đại diện các nhà phân phối ký thỏa thuận triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa tại sự kiện. Ảnh: TU

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TPHCM tổ chức vào ngày 8-3.

Việc ký kết này nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối. Đồng thời ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.

Theo định hướng của Sở Công Thương TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM và Sở An toàn thực phẩm TPHCM, 6 nhà phân phối này sẽ đưa ra các nguyên tắc quan trọng để chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn sản phẩm không an toàn đưa vào 6 hệ thống phân phối.

Chương trình bước đầu sẽ thí điểm áp dụng đối với 3 nhóm sản phẩm, gồm: trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng, dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt (thịt heo, thịt gà).

Theo bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, việc hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa là một trong những viên gạch đầu tiên để bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt thật sự bền vững. Đây là cơ sở để doanh nghiệp sẵn sàng chinh phục người tiêu dùng Việt và sẵn sàng xuất khẩu đến những thị trường khó tính.

"Chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm; sản xuất trung thực, phân phối trung thực. Đây cũng là tiền đề định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính", bà Yến nói.

Còn ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM cho rằng, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa sẽ đạt được mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững.

Theo ông Hải, 6 hệ thống phân phối hàng đầu với vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, phải phát huy tinh thần tiên phong, dẫn dắt xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt bền vững.

Ngoài ra, chương trình phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội bán hàng, được chia sẻ thông tin thị trường để định hướng sản xuất sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới