60% diện tích rừng trồng được quản lý tốt
![]() |
Nông dân huyện miền núi Ia Pa, Gia Lai chuẩn bị cây giống trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Ảnh: Hồng Văn |
(TBKTSG Online) – Tuần lễ Lâm nghiệp châu Á – Thái Bình Dương và hội nghị Ủy ban Lâm nghiệp châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 22, vừa được khai mạc hôm 21-4, tại Hà Nội.
Sự kiện này kéo dài đến ngày 26-4 với sự tham dự của các lãnh đạo ngành lâm nghiệp ở 33 nước thành viên, các tổ chức của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế về lâm nghiệp.
Trong lễ khai mạc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cam kết Việt Nam tiếp tục phát triển trồng và bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của nước ta hiện nay đạt 12,8 triệu héc ta, trong đó có gần 1,7 triệu héc ta rừng trồng nhưng chỉ có 60% diện tích rừng trồng được quản lý có hiệu quả.
Việt Nam mới chỉ có một khu rừng duy nhất rộng 9.781 héc ta ở Bình Định thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn, doanh nghiệp 100% vốn của Nhật, được công nhận đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và có chứng chỉ FSC của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới (The Forest Stewardship Council).
Theo ông Vũ Đức Thắng, Phó tổng giám đốc SGS Việt Nam (SGS Việt Nam là công ty giám định và cấp các chứng nhận quốc tế, được quyền cấp chứng nhận FSC tại Việt Nam), khu rừng nói trên được SGS Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận FSC có thời hạn tới năm 2011.
FSC là một chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới, dùng để chứng nhận các khu rừng được trồng, quản lý, khai thác theo quy trình kiểm soát chặt chẽ, không tác động xấu tới môi trường sinh thái.
Vào năm 2000, một khu rừng rộng 5.000 héc ta ở huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế cũng được xem xét cấp chứng nhận FSC dưới sự hỗ trợ của một công ty chế biến gỗ có vốn đầu tư nước ngoài nhưng ông Thắng cho biết là không thành công, phải dừng lại giữa chừng vì không tuân thủ đủ các quy trình nghiêm ngặt của các tiêu chuẩn của FSC.
Cũng theo SGS Việt Nam, hiện nay công ty đã cấp chứng nhận quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm CoC (Chain of Custody) cho 124 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Phần lớn các doanh nghiệp được cấp CoC là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn và gần như sử dụng 100% gỗ nhập khẩu hợp pháp, có chứng nhận FSC cho từng lô hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp chế biến gỗ áp dụng CoC là để chứng minh với khách hàng nước ngoài sản phẩm gỗ làm ra từ các lô nguyên liệu gỗ hợp pháp.
“CoC là để chứng minh rằng giả sử doanh nghiệp nhập 1.000 mét khối gỗ có chứng nhận FSC và toàn bộ số gỗ này làm ra 2.000 sản phẩm chứ không hề đưa thêm các nguyên liệu gỗ bất hợp pháp vào chế biến”, ông Thắng cho hay.
HỒNG VĂN