(KTSG Online) - Theo các chuyên gia, những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi rõ rệt về sản xuất xanh, phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh... nhờ công tác truyền thông. Vì vậy, hoạt động truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng đến quá trình phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
- Muốn chuyển đổi xanh nhanh cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
- Việt Nam xem EU là đối tác quan trọng trong tiến trình chuyển đổi xanh
Tại hội thảo “Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững” diễn ra tại Vũng Tàu vừa qua, ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách phía nam của Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, các cơ quan thông tấn báo chí có vai trò tiên phong trong quá trình thức đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, baochinhphu.vn đưa tin.
Bởi qua các kênh thông tin chính thống sẽ chuyển tải đến cộng đồng những thông tin cập nhật về định hướng, chính sách liên quan đến triển khai các cam kết của COP26. Cùng với đó là truyền tải những chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam; giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Ông Dũng cho hay các cơ quan truyền thông không chỉ là cầu nối, mà còn đóng vai trò chủ đạo trong việc tuyên truyền, quảng bá những mô hình tốt trong sản xuất kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp. Việc tuyên truyền có hệ thống, sâu rộng sẽ giúp chuyển đổi tư duy trong lối sống, tiêu dùng, từ “xám” sang “xanh” tới người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Theo bà Chu Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có những thay đổi rõ rệt về sản xuất xanh, phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh... nhờ công tác truyền thông.
Tuy nhiên, bà Thanh cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp thấy việc chuyển đổi xanh hay thực thi EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) là một sự đầu tư cho chuỗi cung ứng của tương lai và cơ hội để tham gia các sân chơi lớn hơn, thì các cơ quan truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Theo đó, ngoài tuyên truyền chính sách, các cơ quan truyền thông cần khai thác sâu hơn ý nghĩa của các chính sách này, phân tích những cơ hội khi thực hiện; cũng như đưa ra nguy cơ nếu không tham gia. Bên cạnh đó, các đơn vị truyền thông cũng chia sẻ thêm câu chuyện của những doanh nghiệp thành công để tạo cảm hứng, niềm tin cho doanh nghiệp chưa bắt đầu có thể học hỏi kinh nghiệm, cách triển khai…