Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu đề nghị tăng vốn đầu tư cho y tế và giáo dục

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, một số đại biểu kiến nghị tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực y tế và giáo dục.

Tại kỳ họp thứ 8, một số đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong ảnh là bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám chữa bệnh tại một bệnh viện TPHCM. Ảnh: Minh Thảo

Sáng nay (5-11), tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, TTXVN đưa tin.

Tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, kế hoạch đầu tư công ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Tổng số vốn đầu tư tăng lên, phân bổ tập trung vào các công trình trọng điểm quốc gia.

Theo số liệu về đầu tư phát triển ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương theo từng lĩnh vực, năm 2024, trong số vốn 120.000 tỉ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1.200 tỉ đồng; Bộ Giáo dục và đào tạo được phân bổ 1.500 tỉ đồng. Năm 2025, tổng ngân sách là 148.000 tỉ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ 5.700 tỉ đồng; Bộ Giáo dục và đào tạo được phân bổ 2.900 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong phương án phân bổ dự phòng ngân sách 2021-2025, tăng nguồn thu của năm 2022, tổng số vốn khoảng 50.000 tỉ đồng thì cả 2 lĩnh vực giáo dục và y tế đều không có tên trong các chương trình đầu tư.

Vì vậy, đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Điều này cũng giúp người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.

Tại phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.

Về tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, Phó thủ tướng cho biết có các mức độ tự chủ khác nhau như tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Chẳng hạn, một số đơn vị tự chủ toàn diện như bệnh viện Bạch Mai còn bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho người dân, nên cần có sự hỗ trợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới