Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đọc Vạch trần bản chất nhân tính của Tachibana Akira

Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có lẽ Vạch trần bản chất nhân tính của Tachibana Akira là cuốn sách mà mỗi công dân trên Trái đất thời hiện đại cần có trong thời buổi toàn cầu hoá hiện nay. Khi chúng ta đang đối mặt hàng ngày với một thế giới tưởng chừng phát triển hơn nhưng cũng càng ngày càng khó hiểu.

Khó hiểu như hành động của người đàn ông 41 tuổi đã nổ súng ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 7-2022.

Thay vì khai thác sự kiện này theo hướng cung cấp thông tin giật gân hoặc xoáy vào tính chất bi thảm để khơi gợi niềm tiếc thương đối với một nhà lãnh đạo quốc gia, Tachibana Akira trong cuốn Vạch trần bản chất nhân tính lại muốn mổ xẻ vấn đề, cụ thể ở đây là nhân tính con người, để tìm ngọn nguồn của tội lỗi đã dẫn đến kết cục tàn bạo không chỉ đối với vị cựu lãnh đạo chính phủ mà còn với hung thủ, kẻ đã gần như trở thành nhân vật vô danh, khuyết thiếu chân dung và tiếng nói trong toàn bộ vụ việc.

Kẻ thủ ác là một người trung niên thất bại hoàn toàn trong cuộc đời, sống cô độc. Và hắn cần một câu chuyện để lý giải cho đời sống thảm thương của mình. Khi xâu chuỗi lại các sự kiện đời mình, hắn nhận ra “thủ phạm” chính là tổ chức Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới, mà hắn cho rằng cựu thủ tướng có liên quan.

Thoạt nghe thì có vẻ điên rồ, nhưng dạng người như hung thủ của vụ ám sát, người mà Tachibana gọi là “kẻ cô độc biến mình thành Joker”, không chỉ có một trên đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng bộc phát như y. Tác giả đã chỉ ra bản chất “vô tri” ở con người. Sự vô tri không đơn giản nói về trí tuệ, cả những người được xem là thông minh nhất cũng hoàn toàn có khả năng vô tri. “Ngu dốt và vô tri khác nhau. Ngu dốt là vấn đề về năng lực, còn vô tri là sự khuyết thiếu kiến thức cần thiết” (tr.93).

“Kẻ cô độc biến mình thành Joker” vô tri vì hắn không hiểu, không biết được nguyên nhân khổ đau của mình mà gá tạm nó vào một điều gì đó. Ngay từ đầu, hắn đã soạn sẵn tâm lý nạn nhân, rằng hắn đại diện cho cái thiện, và việc thực thi một thứ công lý hoang đường, thậm chí phải sát hại người khác chẳng qua là trừng ác. Cũng giống như câu “ai cũng là người tốt trong câu chuyện của mình”.

Vì nhân tính vốn phức tạp, thậm chí chứa đựng đầy rẫy những mâu thuẫn. Nên trước một sự kiện chúng ta gần như có nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau. Chẳng hạn, Tachibana đã chỉ ra một nghịch lý ở Nhật, “tỷ lệ cử tri bỏ phiếu bầu càng thấp càng tốt”. Ông chỉ ra để tham gia bầu cử theo quy định, người ta phải có kiến thức nhất định về xã hội, chính trị, về ứng viên mình sẽ bầu chọn… nhưng những thứ đó thì “Ngay cả những người thông minh cũng sẽ “thiếu hiểu biết một cách hợp lý” về chính trị” (tr.97), bởi con người có những mối bận tâm khác gần gũi mình hơn, thiết thực với mình hơn.

Vạch trần bản chất nhân tính lại muốn mổ xẻ vấn đề, cụ thể ở đây là nhân tính con người, để tìm ngọn nguồn của tội lỗi đã dẫn đến kết cục tàn bạo không chỉ đối với vị cựu lãnh đạo chính phủ mà còn với hung thủ, kẻ đã gần như trở thành nhân vật vô danh, khuyết thiếu chân dung và tiếng nói trong toàn bộ vụ việc.

Dựa vào kết quả của PIAAC (Chương trình Đánh giá Quốc tế về Năng lực của người trưởng thành), Tachibana đã tóm tắt: Khoảng một phần ba số người Nhật không đọc hiểu “tiếng Nhật”; hơn một phần ba người Nhật chỉ giỏi tính toán cỡ học sinh lớp 3, 4; chưa được 10% người Nhật có thể sử dụng máy tính để làm những điều cơ bản. Đánh giá gây sốc này có thể làm chúng ta kinh ngạc, trong khi ai cũng biết Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới. Tachibana còn hé lộ, bất chấp kết quả này, người Nhật vẫn xếp đầu bảng thành tích năng lực trong số các nước phát triển.

Với tiền đề đặt ra là xã hội chúng ta tràn ngập sự “vô tri” như thế, do đó những tranh cãi trên mạng xã hội trở thành “bi kịch”. Vì “không biết” nên đa số mọi người khi tiếp nhận thông tin thường dựa vào “sự tự tin” của người phát ngôn “Dù lập luận có ngớ ngẩn đến đâu nhưng nếu câu chữ người đó viết tràn đầy tự tin thì chúng ta cũng sẽ bất giác tin tưởng” (tr.73). Thêm nữa, những giao tiếp trên mạng thường ẩn danh, gián tiếp, do đó trong nhiều trường hợp ta không biết mình đang trao đổi với ai. Điều này không làm cho cuộc nói chuyện bình đẳng, khách quan hơn mà trái lại còn làm phiến diện và khiến con người dễ tổn thương hơn.

Đó không phải là tất cả những gì Tachibana Akira đề cập trong Vạch trần bản chất nhân tính. Với bốn phần, 40 chương, tập trung vào bốn chủ đề chính “Công lý là thú vui lớn nhất”, “Ngu dốt và vô tri”, “Lòng tự tôn phiền toái”, “Mê cung của Phân biệt đối xử và định kiến”, “Tất cả ký ức đều là giả”. Ở đó, Tachibana đã chỉ ra bản chất phức tạp của nhân tính dựa trên những kiến giải khoa học và sự thật lịch sử. Chính sự phức tạp đó cộng hưởng với sự phát triển của nhân loại đã khiến cho nghịch lý không bị triệt tiêu mà còn sản sinh nhiều thêm.

Điều đáng sợ là nhìn lại quá khứ, Vạch trần bản chất nhân tính đã nêu ra rất nhiều trường hợp trị liệu sang chấn tâm lý dẫn đến oan sai. Theo đó, vào những năm 1980 ở Mỹ, nhiều phụ nữ trưởng thành đột nhiên nhớ lại từng bị cha, mẹ lạm dụng tình dục lúc nhỏ. Hậu quả là rất nhiều bậc phụ huynh bị kết án.

Việc có thể tạo ra “ký ức” khiến chúng ta dễ dàng hình dung ra những “ký ức” giả, thậm chí cấy “ký ức” giả vào đầu người khác. Dù sau này, đa số những vụ tố cáo phụ huynh lạm dụng con cái là oan sai, nhưng nhiều gia đình đã tan nát, bao nhiêu năm tháng đã phí hoài trong tù ngục, tất cả vì một phương pháp nhân danh “chữa lành” đã biến thành một tai họa có sức ảnh hưởng rộng và dài lâu.

Vạch trần bản chất nhân tính thuyết phục độc giả bằng dẫn chứng khoa học, bằng số liệu, bằng thực tiễn lịch sử lẫn những sự kiện mang tính thời sự. Phần nào nó cho thấy một bức tranh toàn cảnh về thế giới ta đang sống, về cách mà ta đối mặt với một xã hội đa đoan, đầy rẫy những cạm bẫy, nơi mà nhiều khi cá nhân không thể nương tựa vào cộng đồng.

Nhưng cuốn sách không phải một khúc ca tuyệt vọng. Vạch trần bản chất nhân tính vẫn cho thấy những khả năng, những lối thoát ra khỏi vấn đề xã hội loài người, dù bất cứ quốc gia, châu lục nào cũng đang gặp phải. Dĩ nhiên, lối thoát cũng phát sinh những vấn đề mới.

Con người phải tiếp tục lựa chọn, tiếp tục dấn thân vào thế giới ngày càng giống một mê cung. Tuy nhiên, việc hiểu rõ, nắm bắt được bản chất nhân tính giúp cho hành trình đó có một điểm tựa, để không lang thang vô định trong thế giới đầy khiếm khuyết và bất an này.

Tachibana Akira sinh năm 1959, nhà văn, tác giả có sách bán chạy ở Nhật Bản. Trong sự nghiệp của mình ông đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng như giải Yamamoto Shugoro lần thứ 19, giải Shinsho năm 2017.

Ông là tác giả của những đầu sách như Rửa tiền, Cách nhặt những chiếc lông vàng để trở nên giàu có, Sự thật quá tàn khốc... Riêng Vạch trần bản chất nhân tính  (Ngọc Chân dịch, NXB Tổng hợp TPHCM 2024) đã xuất bản năm 2022 ở Nhật và bán được gần một triệu bản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới