(KTYSG) - Thời gian gần đây, từ khóa “chữa lành” nổi lên như một hiện tượng trong xã hội, từ sản phẩm đến dịch vụ đều được gắn với hai từ “chữa lành”. Nắm bắt được thời cơ trong làn sóng này, anh Lin, từng là nhân viên công nghệ ở Trung Quốc, hiện đang bán trái cây trên sàn thương mại điện tử đã kiếm được 2 triệu nhân dân tệ (7 tỉ đồng) mỗi tháng nhờ việc bán chuối xanh để “chữa lành”. Nhưng kinh doanh sản phẩm theo trào lưu sẽ sớm hạ màn nếu doanh nghiệp không tạo ra được sản phẩm “hot” kế tiếp…
- Kinh doanh theo trào lưu, các mặt hàng đan móc len ‘hái ra tiền’
- Trào lưu chuyển đổi xe xăng thành xe điện ở Mỹ
Trào lưu cắm cả buồng chuối xanh tại bàn làm việc đang trở nên phổ biến trong giới nhân viên văn phòng trẻ ở Trung Quốc khi họ cảm thấy áp lực ngày một gia tăng. Theo lý giải, quá trình từ chuối xanh chuyển sang chuối chín như một cách biểu tượng hóa việc dừng lo lắng, giúp mọi người xua tan căng thẳng. Do vậy nhiều người trẻ đã mua những buồng chuối còn xanh, cắm trong bình nước và chờ chín với mong muốn xua tan áp lực và sự mệt mỏi. Chưa rõ có hay không việc “chữa lành” bằng chuối xanh nhưng ý tưởng kinh doanh này đã trở thành một chiến lược bán hàng theo trào lưu của anh Lin, mang lại cho anh hàng triệu nhân dân tệ.
Thời của những ý tưởng kinh doanh độc lạ?
Việc bán chuối xanh nguyên buồng qua livestream được hưởng ứng tích cực, anh Lin đã mở rộng dịch vụ của mình bằng cách bán cho người mua những chiếc bình để dễ cắm buồng chuối, cùng với những tấm thiệp nhỏ có ghi thông điệp động viên. Rồi anh Lin nâng cấp bao bì bằng cách thêm các khẩu hiệu (slogan), như “thoát khỏi nỗi lo lắng” và “ngăn chặn muộn phiền”. Việc bán các sản phẩm kèm theo không chỉ mang về giá trị kinh tế mà còn giúp tăng sự kết nối cảm xúc với khách hàng và tạo nên trải nghiệm mua hàng thú vị và có chất lượng cao đối với cửa hàng bán trái cây của anh Lin.
Ban đầu anh Lin chỉ nhận được vài ngàn đơn hàng mỗi ngày. Nhưng nhờ những thay đổi cải tiến, doanh số bán hàng đã tăng vọt lên 15.000 đơn đặt hàng, tương đương khoảng 50.000 ký chuối được bán ra mỗi ngày. Chuối xanh được thu mua tại vườn với giá từ 3-4 nhân dân tệ/ký (10.000-14.000 đồng) và được bán với giá 33 nhân dân tệ (116.000 đồng) cho một buồng 4 ký (khoảng 35-40 quả chuối). Xu hướng “chữa lành” bằng chuối xanh đã giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Trước đây, họ thường bán chuối xanh với giá chỉ bằng một nửa, đôi khi thua lỗ.
Việc doanh số bán hàng tăng nhanh là tín hiệu tốt cho thấy trào lưu mua chuối để cắm của anh Lin ngày càng được chú ý và có sức lan tỏa lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hình thức kinh doanh chuối độc lạ của anh sẽ trở thành miếng mồi ngon để những người bán khác bắt chước theo. Việc đạo nhái ý tưởng kinh doanh, tạo sản phẩm ăn theo khi trào lưu trở nên phổ biến không còn là một hiện tượng xa lạ. Đặc biệt, ý tưởng bán chuối của anh Lin lại càng dễ bị “sao chép” vì sự độc đáo của sản phẩm nằm ở ý tưởng bán hàng, buồng chuối xanh ở đây chỉ là một biểu tượng, là phương tiện truyền tải thông điệp. Giá trị thật sự mà mỗi khách hàng mong đợi khi bỏ tiền mua chuối của anh Lin là giá trị tinh thần từ việc nhìn thấy sự chuyển biến của buồng chuối từ xanh non sang chín muồi. Vì vậy, chất lượng của buồng chuối không hẳn là yếu tố quyết định khi mua hàng vì mục đích của người tiêu dùng không phải là được ăn chuối ngon mà là có được buồng chuối để gửi gắm tâm tư tình cảm, giải tỏa áp lực cuộc sống.
Chính vì vậy, khá dễ hiểu khi các đối thủ cạnh tranh trong ngành bán trái cây bắt đầu sử dụng ý tưởng kinh doanh này và dễ dàng bán được hàng vì hiệu quả đem lại cho người tiêu dùng là như nhau. Câu hỏi đặt ra rằng liệu doanh số bán chuối của anh Lin có bị giảm khi có những người bán hàng khác không? Anh cần làm gì để duy trì lợi thế bán hàng của mình?
Tương lai cho những ý tưởng kinh doanh
Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là một phương thức hữu hiệu đối với việc bảo vệ các tài sản vô hình trong kinh doanh, như tên gọi của sản phẩm, thiết kế bao bì, hình dáng sản phẩm... Tuy nhiên, xét theo trường hợp của anh Lin, ý tưởng bán chuối không thỏa mãn điều kiện để được bảo hộ vì Luật Sở hữu trí tuệ không bảo hộ ý tưởng kinh doanh. Mặc dù là tài sản “vô hình” nhưng để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng yêu cầu bảo hộ đều phải được thể hiện dưới dạng vật chất như được thể hiện bằng từ ngữ đặc biệt hoặc logo, hình dáng của sản phẩm… thì mới có cơ sở xem xét bảo hộ.
Dẫu vậy, với sự nghiên cứu toàn diện và đánh giá khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ một cách chuyên nghiệp, anh Lin vẫn có thể đăng ký bảo hộ sản phẩm kinh doanh của mình, hay nói cách khác là cần chọn đúng góc độ để đăng ký. Cũng nên lưu ý rằng tùy thuộc vào từng sản phẩm, dịch vụ, loại hình công ty mà việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ có chức năng và giá trị khác nhau. Một chiến lược đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tối ưu là chiến lược có thể giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị tài sản vô hình bằng việc đăng ký vừa song hành với mục tiêu kinh doanh mà vẫn đảm bảo giá trị của các tài sản vô hình này.
Đối với một doanh nghiệp startup, việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên thỏa mãn được mục tiêu hình thành tài sản vô hình có giá trị và giúp xây dựng thương hiệu chứ không phải đăng ký bảo hộ bao vây mọi tài sản sở hữu trí tuệ khiến chi phí bị vượt quá mà không có hiệu quả. Theo đó, doanh nghiệp nên suy xét đến các vấn đề như thời điểm bắt đầu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký cho sản phẩm/dịch vụ nào, đăng ký loại hình nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế? Nhìn chung, việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ sẽ không giúp Lin bảo vệ được ý tưởng kinh doanh nhưng lại là một công cụ hữu hiệu trong việc phát triển tài sản vô hình cho doanh nghiệp bên cạnh các loại tài sản truyền thống khác.
Nghĩ xa hơn về con đường phía trước
Đứng dưới góc độ thị trường thì việc kinh doanh theo trào lưu cần phải đào sâu hơn và cân nhắc thêm những yếu tố khác. Phải hiểu rằng việc bán chuối xanh chỉ thuận lợi khi trào lưu “chữa lành” bằng chuối xanh ngày càng phát triển và được lan truyền mạnh mẽ, thêm vào đó các sản phẩm bán theo trào lưu có “vòng đời” khá ngắn và tương đương theo độ “hot” của trào lưu. Trào lưu sinh ra có mở đầu và cũng có kết thúc, nếu phát triển tốt và được đón nhận sẽ dần mở rộng, tùy thuộc vào tiềm năng và giá trị của sản phẩm sẽ quyết định sức lan tỏa của trào lưu và thời gian trụ trên thị trường.
Chính vì vậy, nếu chỉ tập trung giữ lấy ý tưởng kinh doanh cho riêng mình thì độ tiếp cận của sản phẩm càng kém vì nguồn lực lan tỏa trào lưu bị giới hạn. Trong khi đó, việc tham gia trào lưu của những đối thủ khác có thể giúp cho trào lưu ngày càng lớn hơn nữa. Do đó, anh Lin không nên thấy e ngại vì ý tưởng kinh doanh bị đánh cắp, thay vào đó anh cần có chiến lược nhận diện thương hiệu giữa làn sóng kinh doanh này và chứng minh rằng anh là người dẫn đầu xu hướng bán chuối chữa lành để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh việc bán hàng cho những sản phẩm khác của mình.
Kinh doanh theo trào lưu thì doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để đưa sản phẩm tiếp theo trở thành đối tượng “hot” kế tiếp. Đồng thời, các doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm/dịch vụ và tăng trải nghiệm thực tế mua hàng cho người tiêu dùng để tạo sự trung thành của người tiêu dùng đối với nhãn hàng.
Việc kinh doanh theo một trào lưu không làm doanh nghiệp “thành công sau một đêm” nhưng những bước đệm và sự thành công từ nhiều ý tưởng như việc bán chuối gom góp lại có thể tạo nên sự tăng trưởng bất ngờ cho một doanh nghiệp. Tuy vậy, để phát triển bền vững, những người kinh doanh nhỏ như anh Lin cần có sự chuyển hóa từ việc lướt sóng “trào lưu” sang việc kinh doanh bền vững hơn, tạo nên những sản phẩm vừa có sức hút nhưng có thể kinh doanh lâu dài, có vậy mới đảm bảo được sức sống và sự phát triển của doanh nghiệp.
(*) IP Paralegal, Hogan Lovells International LLP