(KTSG Online) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai tại Việt Nam vào năm 2018. Sau hơn 6 năm triển khai, hiện cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
- Livestream mở thêm cơ hội bán sản phẩm OCOP cho nông dân, doanh nghiệp
- Phát triển sản phẩm OCOP: Tiềm năng thôi là chưa đủ!
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, có 72,1% sản phẩm đạt 3 sao, 25,8% sản phẩm đạt 4 sao, 2,1% sản phẩm đạt 5 sao và tiềm năng 5 sao, TTXVN đưa tin.
Đến nay, có 7.846 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm có bao bì, nhãn mác… thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, cho biết việc thực hiện tốt chương trình OCOP không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn mà còn góp phần tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả bền vững hơn.
Hiện thành phố Hà Nội đã chứng nhận được 2.778 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.486 sản phẩm 4 sao, 1.274 sản phẩm 3 sao. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có khoảng 3.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có sản phẩm OCOP ngày càng chú trọng đến chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có một số vấn đề mà các cơ sở sản xuất cần chú ý. Cụ thể là các sản phẩm được thẩm định, đánh giá vẫn chưa thể hiện được rõ nét đặc sắc của các sản phẩm OCOP là gắn liền với đặc trưng của địa phương. Những tiêu chí về cộng đồng, tính đại diện cho cộng đồng, lợi ích đem lại cho cộng đồng… tương đối yếu so với mục đích của Chương trình OCOP. Các đơn vị có sản phẩm OCOP cũng cần chú ý hơn đến vùng nguyên liệu. Bởi những sản phẩm đều là đặc sản địa phương nên cần bảo đảm tiêu chí quốc gia và tiêu chí xuất khẩu.
Theo thông tin trên trang ocop.gov.vn, chương trình OCOP được Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện thông qua Quyết định 919/QĐ-Ttg năm 2018. Chương trình này góp phần cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới thông qua các sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền.
Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn nông thôn cả nước và dự kiến triển khai đến hết năm 2025.