Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng không hối hả tăng chuyến bay chở hàng thương mại điện tử từ Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các hãng vận tải hàng không đang chạy đua mở thêm chuyến bay chở hàng từ Trung Quốc để tận dụng mức giá cước cao ngất ngưỡng ngay trước mùa mua sắm cuối năm. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, nhu cầu của khách hàng nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, đối hàng thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc đang tăng mạnh trước thềm lễ Giáng sinh.

Hồi tháng Chín, tập đoàn chuyển phát nhanh DHL của Đức công bố kế hoạch đầu tư 8 máy bay chở hàng Boeing 777 mới để phục vụ nhu cầu cao từ Trung Quốc trong mùa sắm cao điểm cuối năm. Ảnh: dhl.com

Những sản phẩm giá rẻ, bán trực tuyến từ các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đang được ưa chuộng ở các thị trường phương Tây. Nhu cầu sử dụng máy bay để vận chuyển hàng từ châu Á, bao gồm Trung Quốc, ngày càng tăng trong bối cảnh tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ đang đe dọa áp đảo thị trường giao hàng nhanh vốn đã căng thẳng trước mùa mua sắm Giáng sinh. Điều này khiến giá cước vận tải hàng không tăng vọt.

Theo hãng phân tích thị trường Xeneta, giá cước trung bình của vận tải hàng không giao ngay từ châu Á đến Mỹ trong tháng Mười tăng 49% so với cách đây 1 năm, lên 5,46 đô la Mỹ/1 kg. Giá cước vận chuyển hàng bằng máy bay từ châu Á đến châu Âu cũng tăng 25% trong cùng kỳ.

Nhu cầu vận tải hàng không tăng vọt khi các tập đoàn thương mại điện tử ở Trung Quốc chạy đua đáp ứng nhu cầu hàng giá rẻ của người tiêu dùng phương Tây.

Nhiều mặt hàng thương mại điện tử của Trung Quốc được gửi trực tiếp đến người tiêu dùng nước ngoài bằng đường hàng không khi nhà bán lẻ trực tuyến của nước này tận dụng điều khoản miễn thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng có trị giá dưới một mức nhất định.

Các nhà lập pháp ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách hạn chế dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc bằng cách bít “lỗ hổng” thuế này.

Hồi tháng Chín, Nhà Trắng đề xuất loại trừ một loạt hàng hóa ra khỏi diện miễn thuế nhập khẩu đang áp dụng với những đơn hàng có trị giá từ 800 đô la Mỹ trưở xuống. Trong khi đó, Brussels đã thảo luận về việc bãi bỏ ngưỡng trị giá đơn hàng nhập khẩu được miễn thuế là từ 150 euro trở xuống.

Giữa lúc đó, luồng hàng thương mại điện tử từ Trung Quốc vẫn tiếp tục chảy mạnh ra các thị trường nước ngoài, thúc đẩy các hãng vận tải hàng không tăng chuyến bay chở hàng từ Trung Quốc.

Hồi tháng Bảy, Martinair, đơn vị vận tải hàng hóa của tập đoàn hàng không Air France-KLM (Pháp- Hà Lan) thông báo điều chuyển máy bay chở hàng phục vụ thị trường Mỹ Latin để hỗ trợ khai trương tuyến bay mới giữa Hồng Kông và Amsterdam (Hà Lan) vào tháng Chín vừa qua.

Thông báo giải thích, động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên máy bay của Martinair bay đến thành phố đặc khu của Trung Quốc sau 9 năm.

“Năm 2024 thực sự là năm của hàng hóa thương mại điện tử, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục”, Tom Owen, giám đốc bộ phận vận tải hàng hóa của hãng hàng không Cathay Pacific (Hồng Kông) nói và cho biết, Cathay Pacific đang đầu tư thêm năng lực với nhiều máy bay chở hàng hơn dự kiến ​​sẽ được giao vào năm 2027.

Hồi tháng Chín, tập đoàn chuyển phát nhanh DHL của Đức công bố kế hoạch đầu tư 8 máy bay chở hàng Boeing 777 mới để phục vụ nhu cầu cao từ Trung Quốc trong mùa sắm cao điểm cuối năm. Tháng trước, hãng giao hàng UPS (Mỹ), đang khai thác hơn 360 chuyến bay mỗi ngày, cho biết sẽ tăng thêm 200 chuyến bay từ châu Á đến châu Âu và Mỹ trong quí 4 vì dự đoán nhu cầu về khối lượng hàng vận chuyển sẽ tăng đột biến.

Thế nhưng, khi các hãng ưu tiên các chuyến bay có lợi nhuận cao nhất từ ​​châu Á, khách hàng của các tuyến bay khác đang cảm nhận tác động lan tỏa.

Gần đây, hãng giao nhận hàng hóa DSV (Đan Mạch) cảnh báo, các hãng hàng không có thể sẽ phân bổ lại năng lực vận chuyển từ Mỹ và châu Âu sang châu Á để tận dụng lợi nhuận cao hơn. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm năng lực vận chuyển hàng không giữa châu Âu và Mỹ, có thể khiến giá cước tăng đáng kể.

Các công ty giao nhận hàng hóa nhỏ có thể đặc biệt gặp khó khăn trong việc đảm bảo giao hàng bằng đường hàng không trong thời gian trước thềm mùa mua sắm cuối năm.

Trong nỗ lực giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lực, DSV bắt đầu thuê 1 máy bay Boeing 777 để bay hàng tuần giữa Singapore và Los Angeles (Mỹ).

Theo một lãnh đạo ở một công ty dịch vụ giao nhận hàng hóa khác, nơi kết nối nhà bán lẻ và hãng hàng không, nhiều chuyến bay khởi hành từ châu Á được chuyển hướng từ Mỹ sang châu Âu. Khoảng cách ngắn hơn giữa châu Á và châu Âu giúp các hãng có thể bay vào và ra khỏi châu Á thường xuyên hơn và hưởng mức giá cước cao hơn.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ, đe dọa siết chặt hơn nữa đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với mùa mua sắm Giáng sinh năm nay, các hãng vận tải hàng không thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu và giá cước sẽ giảm.

Michael Steen, CEO của hãng hàng không vận tải hàng hóa Atlas Air Worldwide (Mỹ) dự báo, doanh thương mại điện tử toàn cầu vẫn tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 8-9% mỗi năm.

“Nhu cầu hàng hóa thương mại điện tử vẫn tiếp tục tăng. Chúng ta sẽ chứng kiến nguồn cung năng lực vận tải hàng không không theo kịp nhu cầu trong những năm tới”, ông nói.

Theo Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới