(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc bổ sung quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sửa đổi để tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án BOT.
- TPHCM dừng hợp đồng BOT đường nối cao tốc TPHCM – Trung Lương
- Các dự án BOT giao thông sẽ bị tạm dừng thu phí trong trường hợp nào?
Cụ thể, dự thảo Luật PPP sửa đổi Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung các quy định, đủ cơ sở để thực hiện chấm dứt hợp đồng đối với dự án BOT giao thông, TTXVN đưa tin.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần có thêm quy định về việc sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ các dự án BOT, đặc biệt là những dự án đã ký kết hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Điều này nhằm giúp các dự án này có thể vượt qua khó khăn và tiếp tục hoạt động.
Nhận thấy những ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT để nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo Luật PPP sửa đổi.
Một trong những giải pháp được đề xuất là bổ sung một điều khoản chuyển tiếp vào Luật, cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ hoặc chấm dứt các dự án BOT ký kết trước năm 2021. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để giải quyết các vướng mắc hiện nay của các dự án BOT.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định rằng, việc Quốc hội thông qua dự luật sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc, giúp chấm dứt tình trạng phải tiếp tục thực hiện nhiều đề án khác nhau và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các dự án BOT giao thông.
Cơ quan này và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng một bộ tiêu chí khoa học, minh bạch, nhằm đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia dự án, đồng thời ngăn chặn tình trạng trục lợi, lãng phí.
Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT giao thông đã ký kết trước năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo, bổ sung quy định cụ thể về việc sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ hoặc chấm dứt các dự án này vào điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP sửa đổi.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát và xây dựng danh mục các dự án BOT gặp khó khăn. Kết quả sơ bộ cho thấy, có 11/140 dự án BOT được xác định cần có giải pháp xử lý cụ thể.
Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu đáng kể, đặc biệt là những dự án nằm cạnh các tuyến đường cao tốc mới, như dự án BOT quốc lộ 26 cạnh cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hay các dự án trên quốc lộ 14.