Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ kiến nghị không tăng thuế giá trị gia tăng với ngành điện ảnh…

Thái Mạnh Cường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày 12-11-2024, nhiều công ty sản xuất phim, phát hành phim gửi kiến nghị tới Chính phủ và Quốc hội về việc dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến bỏ lĩnh vực văn hóa (gồm cả thể thao, nghệ thuật, phim ảnh) khỏi nhóm được hưởng mức thuế giá trị gia tăng 5% (thấp hơn mức phổ thông là 10%).

Nhu cầu về ngành dịch vụ vui chơi, giải trí cũng khó có thể được đáp ứng bởi các hoạt động khác ngành (lựa chọn thay thế xa) do nhu cầu tinh thần khác biệt với vật chất. Ảnh minh họa: TL

Ai được hưởng lợi từ mức thuế ưu đãi?

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thường có một mức thuế suất tiêu chuẩn (áp dụng với tất cả mặt hàng) và mức thuế 0% (áp dụng với mặt hàng xuất khẩu). Ngoài ra, các quốc gia cũng áp dụng các mức thuế GTGT đặc biệt, cao hơn hoặc thấp hơn mức tiêu chuẩn với các mục đích khác nhau.

Thuế GTGT thường được xem là thuế có tính chất lũy thoái, tức người có thu nhập thấp lại chịu tỷ lệ thuế tính trên thu nhập cao hơn (chủ yếu do nhóm này có tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập cao hơn). Điều này khiến cho các quốc gia sử dụng thuế suất ưu đãi (thấp hơn tiêu chuẩn) để giải quyết vấn đề “lũy thoái”, từ đó góp phần thực hiện phân phối thu nhập hiệu quả hơn. Cũng chính vì vậy, thuế suất ưu đãi thường được áp dụng cho hàng hóa cơ bản chiếm chủ yếu trong tổng chi tiêu của hộ gia đình thu nhập thấp, thường gặp nhất là thực phẩm thiết yếu.

Tuy nhiên, trong một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tác động phân phối của thuế GTGT(1), số liệu tại các quốc gia OECD lại chỉ ra rằng thuế GTGT tỷ lệ thuận hoặc có tính lũy tiến nhẹ với thu nhập trọn đời (mặc dù vẫn duy trì tính lũy thoái nếu so sánh với thu nhập hiện tại).

Việc tiếp cận theo hướng so sánh với thu nhập trọn đời được dựa trên lập luận chủ yếu rằng người thu nhập cao có tỷ lệ thuế GTGT/thu nhập thấp hơn vì họ dành được phần thu nhập lớn hơn cho việc tiết kiệm - hoạt động làm trì hoãn phát sinh thuế GTGT từ năm hiện tại qua các năm sau, chứ không triệt tiêu phát sinh.

Do đó, nếu chỉ xem xét tỷ lệ thuế GTGT/thu nhập hiện tại là không đầy đủ. OECD cho rằng nếu thay thế thu nhập hiện tại bằng chi tiêu sẽ phản ánh chính xác hơn thu nhập trọn đời. Chi tiêu có mức biến động theo thời gian trong cuộc đời nhỏ hơn so với thu nhập, loại trừ được ảnh hưởng của tiết kiệm như nêu trên.

Việc đơn giản hóa thuế suất thuế GTGT về một mức tiêu chuẩn đã được các tổ chức quốc tế lớn khuyến nghị. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy chưa thể xem đây là một xu hướng hoặc thông lệ quốc tế (như cơ quan soạn thảo nêu tại Tờ trình dự thảo luật).

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng các khoản giảm thuế bằng mức ưu đãi có tác động lũy tiến với thu nhập, tức nhóm thu nhập thấp được hưởng lợi với tỷ lệ cao hơn. Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối, nhóm thu nhập (hoặc chi tiêu) cao có số tiền hưởng lợi lớn hơn. Tại hầu hết các quốc gia, nhóm 10% cao nhất về thu nhập và chi tiêu lần lượt được giảm thuế về tuyệt đối cao hơn 2 và 3 lần so với nhóm 10% thấp nhất.

Ngoài mặt hàng thiết yếu, các quốc gia OECD cũng áp dụng mức thuế thấp để hỗ trợ nhóm hàng hóa, dịch vụ về văn hóa, xã hội, gồm (1) sách; (2) báo, tạp chí; (3) chiếu phim, diễn kịch, hòa nhạc; (4) bảo tàng, vườn thú. Hầu hết các nước đều chứng kiến tính lũy thoái đối với nhóm này (chỉ trừ báo, tạp chí) - tức là nhóm có thu nhập cao được hưởng lợi nhiều hơn về tỷ lệ tính trên thu nhập (và đương nhiên là nhiều hơn về giá trị tuyệt đối). Số liệu của riêng các sản phẩm về nghệ thuật (nhóm (3)) cho thấy nhóm 10% thu nhập/chi tiêu cao nhất được lợi về tỷ lệ thuế cao hơn 3-4 lần so với nhóm 10% thấp nhất.

Như vậy, có thể thấy các mức thuế thấp hơn tiêu chuẩn không có tác động phân phối thu nhập như kỳ vọng, thậm chí còn khiến “nước chảy về chỗ trũng”, tạo thêm lợi ích cho nhóm giàu có trong xã hội. Hồ sơ dự thảo Luật thuế GTGT dường như vẫn còn thiếu các đánh giá chi tiết như vậy về tác động của đề xuất chính sách.

Tăng giá có tác động lớn đến cầu về phim ảnh?

Thuế GTGT là thuế đánh vào tiêu dùng, do người tiêu dùng cuối chịu. Thuế tăng thêm về lý thuyết sẽ được chuyển vào giá bán, ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của người tiêu dùng. Thay đổi của cầu một hàng hóa, dịch vụ khi giá thay đổi được đo lường bởi chỉ số độ nhạy cảm về giá. Độ nhạy cảm về giá phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm sự sẵn có của lựa chọn thay thế, tính thiết yếu, thu nhập của khách hàng, sở thích của khách hàng.

Các sản phẩm của ngành vui chơi, giải trí thường để đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần, phụ thuộc lớn vào sở thích cá nhân của từng người. Việc thay đổi thuế từ 5% lên 10% áp dụng chung cho nhiều dịch vụ về vui chơi, giải trí như thể thao, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất và phát hành phim. Do đó, việc tăng giá do thuế sẽ không khiến khách hàng chuyển từ dịch vụ này qua dịch vụ kia cùng ngành vui chơi, giải trí (lựa chọn thay thế gần). Vấn đề về sở thích cá nhân cũng sẽ níu chân khách hàng ở một loại dịch vụ nhất định, chẳng hạn người đam mê điện ảnh thì rất khó từ bỏ xem phim để chuyển hẳn qua đọc báo. Ngoài ra, nhu cầu về ngành dịch vụ vui chơi, giải trí cũng khó có thể được đáp ứng bởi các hoạt động khác ngành (lựa chọn thay thế xa) do nhu cầu tinh thần khác biệt với vật chất.

Từ báo cáo của OECD đã nêu, có thể rút ra được từ tính lũy thoái của sản phẩm nghệ thuật rằng người thu nhập cao chi tiêu một phần tỷ trọng cao hơn trong thu nhập cho nhu cầu nghệ thuật. Với đối tượng thu nhập cao, tăng giá, nhất là khi mức tăng thấp, sẽ ít tác động tới quyết định chi tiêu. Bên cạnh đó, thưởng thức điện ảnh thường bị xem là tiêu dùng không thiết yếu, sự tăng giá tác động nhiều hơn đến nhóm thu nhập thấp - đối tượng vốn đang tận dụng các ưu đãi thời gian thấp điểm của các rạp phim nhằm có giá vé thấp (xoay quanh mức 50.000 đồng). Mức tăng 5% sẽ chỉ tương đương với 2.500 đồng, không phải là mức đáng kể buộc các đối tượng này phải bỏ xem phim.

Như vậy, các nhận định cho rằng việc tăng thuế sẽ cản trở công chúng thưởng thức điện ảnh, ảnh hưởng đến ngành điện ảnh cần phải có thêm các cơ sở hợp lý hơn. Tuy nhiên, nhận định của Chính phủ tại Tờ trình dự thảo Luật thuế GTGT - mức tăng 5% là “không quá lớn” đối với người tiêu dùng - cũng khá chủ quan, chưa có cơ sở phân tích rõ ràng.

Xu hướng thuế suất GTGT ưu đãi trên thế giới?

Báo cáo về xu hướng thuế tiêu dùng 2022 của OECD(2) cho rằng giảm thuế suất không phải là một biện pháp hiệu quả để đạt các mục tiêu chính sách. Thay vào đó, các biện pháp khác như cung cấp hỗ trợ có mục tiêu thông qua thuế thu nhập hoặc hệ thống trợ cấp xã hội và phúc lợi sẽ có hiệu quả hơn. Cũng theo báo cáo này, các chế độ ưu đãi thuế GTGT, chẳng hạn như thuế suất giảm so với tiêu chuẩn, cũng thường làm gia tăng đáng kể sự phức tạp của hệ thống thuế GTGT, làm tăng gánh nặng tuân thủ đối với doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ tuân thủ.

Nghiên cứu của Nghị viện châu Âu(3) cũng chỉ ra rằng chi phí tuân thủ liên quan đến các mức thuế GTGT khác nhau là rất đáng kể, trung bình lên tới 2,5% doanh thu của doanh nghiệp EU. Mặc dù vậy, tác động phân phối là khá nhỏ do loại thuế này không nhắm tới một nhóm thu nhập cụ thể.

Tuy nhiên, trên thực tế, hơn 60% quốc gia hiện nay đang áp dụng các mức thuế thấp hơn tiêu chuẩn (không tính mức 0%). Kết quả này chênh lệch so với tính toán của Chính phủ tại Tờ trình dự thảo Luật Thuế GTGT với thông tin đa số các nước (47,6%) áp dụng một mức thuế phổ thông (mặc dù kể cả với số liệu như vậy, cơ quan soạn thảo cũng cần kết luận là đa số (>50%) có áp dụng mức thuế ưu đãi thay vì ngược lại).

Đối với các dịch vụ về văn hóa, nhiều nước thuộc OECD đang áp dụng mức thuế thấp hơn tiêu chuẩn (như Úc, Phần Lan, Ireland, Hà Lan, Na Uy...). EU hiện cũng cho phép các thành viên áp dụng hai mức thuế thấp hơn tiêu chuẩn nhưng phải từ 5% trở lên đối với nhóm hàng được quy định(4). Hầu hết các nước thuộc EU cũng đang áp dụng ưu đãi cho vé tham gia các hoạt động nghệ thuật/thể thao, với mức thuế ưu đãi và phạm vi ưu đãi thay đổi theo từng quốc gia(5). Tuy vậy, trong thời gian gần đây, một số quốc gia đã thông qua việc tăng thuế suất đối với lĩnh vực này, bao gồm: New Zealand (9% lên 21% trong một số hoạt động), Romania (5% lên 9% với văn hóa, 9% lên 19% với thể thao), Phần Lan (10% lên 14%).

Như vậy, việc đơn giản hóa thuế suất thuế GTGT về một mức tiêu chuẩn đã được các tổ chức quốc tế lớn khuyến nghị. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy chưa thể xem đây là một xu hướng hoặc thông lệ quốc tế (như cơ quan soạn thảo nêu tại Tờ trình dự thảo luật).

Từ các phân tích trên, có thể thấy lập luận của cả cơ quan đề xuất và sự phản biện của đối tượng chịu tác động đều chủ yếu mang tính chủ quan, thiếu các số liệu chứng minh cụ thể. Việc đánh giá tác động của các đề xuất luật không kỹ càng như vậy có thể khiến cho chất lượng của luật không cao, phát sinh nhiều vướng mắc. Đây là một vấn đề cần phải sớm khắc phục để giải quyết được điểm nghẽn về thể chế trong phát triển đất nước.

(1) OECD (2014), The Distributional Effects of Consumption Taxes in OECD Countries, https://www.oecd.org/en/publications/the-distributional-effects-of-consumption-taxes-in-oecd-countries_9789264224520-en.html
(2) OCED (2022), Consumption Tax Trends 2022: VAT/GST and Excise, Core Design Features and Trends, https://www.oecd-ilibrary.org/taxation/consumption-tax-trends-2022_6525a942-en
(3) European Parliament (2021), VAT gap, reduced VAT rates and their impact on compliance costs for businesses and on consumers, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2021/694215/EPRS_STU(2021)694215_EN.pdf
(4) EC, Directive 2006/112/EC ngày 28-12-2006 và các văn bản sửa đổi (Điều 98), https://eur-lex.europa.eu/eli/dir/2006/112. Ngoài ra, một mức thuế siêu giảm dưới 5% cũng có thể được áp dụng nhưng bị giới hạn.
(5) EC (2021), VAT rates applied in the Member States of the European Union, https://taxation-customs.ec.europa.eu/system/files/2021-06/vat_rates_en.pdf

2 BÌNH LUẬN

  1. Kinh doanh là kinh doanh. Văn hóa là văn hóa. Không nên lấy văn hóa làm cái cớ để miễn/ giảm thuế đối với hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Chưa kể, kinh doanh văn hóa/ thể thao/ giải trí… hiện nay đang có nhiều cơ hội đạt mức lợi nhuận “siêu ngạch” hơn là các lĩnh vực sản xuất vật chất thuần túy quan trọng khác của xã hội. Đánh đồng, hoặc núp bóng văn hóa với kinh doanh vì lợi ích cục bộ là điều không nên. Nhưng làm gì thì làm, không cho phép đánh đổi, hoặc hủy hoại nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc ngay cả khi nhà kinh doanh không đạt được lợi nhuận như ý, thậm chí lỗ vốn.

  2. Câu chuyện này giống như nhà kinh doanh phân bón và người nông dân. Nhà kinh doanh lúc nào cũng viện dẫn “nông nghiệp/ nông dân” để đòi hỏi miễn giảm thuế ? Trong khi lợi ích thực chất mang lại cho nông dân dường như không khả thi, rõ ràng. Tốt nhất, nên để nhà nước làm trung gian, vừa có trách nhiệm thu đúng/ đủ/ hợp lý các loại thuế, vừa tái phân phối nguồn lực tài chính cho xã hội theo đúng mục tiêu, hiệu quả, công bằng xã hội hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới