(KTSG) - Đà tăng giá mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ đang thu hút nhiều sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu. Những yếu tố nào đang thúc đẩy đà tăng này, và liệu động lực đó có kéo dài?
- Thụy Sĩ tài trợ 3,3 triệu đô la Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế tuần hoàn
- Chứng khoán, đô la Mỹ cùng tăng khi ứng viên Donald Trump tiến gần đến chiến thắng
Đô la Mỹ liên tục bứt phá hậu bầu cử
Theo New York Times, kể từ khi các cuộc thăm dò và dự báo thị trường dần nghiêng về khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, giá trị của đô la Mỹ đã bắt đầu tăng. Và sau khi có kết quả rõ ràng, đồng bạc xanh đã thực sự bùng nổ.
Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử, đô la Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đà tăng tiếp tục được duy trì, đạt mức đỉnh mới trong năm vào tuần trước, khi các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư xem xét các chính sách do Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất, từ đó điều chỉnh dự báo đối với đồng tiền phổ biến nhất thế giới.
Những diễn biến như vậy là một sự thay đổi rất mạnh mẽ, đảo ngược xu hướng suy yếu liên tục trong suốt ba tháng trước đó khiến đô la Mỹ chạm mức thấp nhất trong năm hồi cuối tháng 9. Những biến động mạnh về giá trị của đô la Mỹ có thể tác động lớn tới kinh tế toàn cầu do đồng nội tệ của Mỹ góp mặt trong 90% số giao dịch ngoại hối và thường được dùng để định giá các mặt hàng quan trọng như dầu, vàng….
Đô la Mỹ mạnh lên giúp người Mỹ có thể mua hàng hóa nhập khẩu hoặc đi du lịch nước ngoài với giá rẻ hơn. Mặt khác, các công ty Mỹ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài sẽ bị suy giảm sức cạnh tranh. Bên ngoài nước Mỹ, đô la mạnh lên sẽ thúc đẩy lạm phát ở các quốc gia có đồng tiền yếu hơn, và khiến việc thanh toán các khoản nợ tính bằng đô la trở nên khó khăn hơn, gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.
Sự mạnh lên của đồng bạc xanh trong thời gian gần đây có vẻ như không phù hợp với mong muốn của ông Donald Trump, người luôn muốn một đồng nội tệ yếu hơn để đảm bảo lợi ích xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo rằng kế hoạch áp thuế đối với hàng nhập khẩu và cắt giảm thuế, cùng với các hành động khác của ông sẽ dẫn đến kết quả là đô la Mỹ tăng giá.
“Biến động giá mà chúng ta chứng kiến dựa trên kết quả bầu cử và logic đằng sau nó được xây dựng dựa trên kỳ vọng hơn là thực tế: kỳ vọng về các biện pháp kích thích tài khóa, thuế quan và bãi bỏ quy định”, ông Daragh Maher, Giám đốc chiến lược ngoại hối thị trường châu Mỹ tại HSBC New York cho biết. “Rõ ràng đã có một sự định giá lại đáng kể đối với đô la”.
Đô la Mỹ có thể tăng tới mức nào
Trên thực tế, triển vọng của đồng bạc xanh phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc liệu các cam kết chính sách mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình có trở thành hiện thực hay không. “Ông Trump là động lực quan trọng của đô la Mỹ,” chuyên gia phân tích ngoại hối Steven Englander tại Standard Chartered nhận định.
Việc áp thuế quan toàn diện - một cam kết mang tính biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, trên thực tế sẽ ảnh hưởng tới tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng, thuế quan sẽ khiến hàng nhập khẩu có giá đắt đỏ hơn, và thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn các hàng hóa thay thế nội địa.
Tuy nhiên, đối với các công ty ô tô sản xuất hoặc mua phụ tùng từ nước ngoài, hoặc các công ty may mặc có nhà máy rải rác trên khắp thế giới, việc chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. Đó là lý do tại sao tác động tức thời của thuế quan thường làm cho mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm giảm nhu cầu đối với hàng nhập khẩu được định giá bằng ngoại tệ, từ đó có xu hướng đẩy giá trị đô la Mỹ lên cao.
Giá cả tăng (tức lạm phát tăng nhanh hơn) có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trở lại, khi mà chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ vừa mới bắt đầu trong những tháng gần đây. Mức lãi suất cao hơn sẽ thu hút vốn từ các nhà đầu tư tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn, làm tăng thêm nhu cầu về đô la.
Sau cuộc bầu cử vừa qua, bên cạnh chiến thắng của ông Donald Trump, đảng Cộng hòa cũng nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Các nhà phân tích tại JPMorgan đã dự đoán rằng, kết quả như vậy có thể khiến chỉ số đô la Mỹ tăng thêm 7% trong vài tháng, đặc biệt là khi đồng euro và nhân dân tệ suy yếu.
Các nhà phân tích tại Barclays dự báo, đô la Mỹ sẽ có giá trị ngang bằng đồng euro lần đầu tiên sau hai năm nếu ông Trump thực hiện việc áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump có thể cung cấp một số kinh nghiệm cho thị trường. Sau khi vị tỷ phú Mỹ đắc cử hồi năm 2016, đô la Mỹ cũng tăng vọt, đi kèm với sự đi lên của giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - một mô hình tương tự những gì diễn ra gần đây. Chỉ số đô la Mỹ đã tăng hơn 5% trong giai đoạn kể từ ngày bầu cử đến hết năm 2016.
Những yếu tố có thể kìm hãm đồng bạc xanh
Tuy vậy, giới đầu tư cũng cần lưu ý rằng, ngay sau đó, những bế tắc chính trị, ngay cả khi đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, đã khiến đô la Mỹ suy yếu khoảng 10% trong năm 2017. Các giao dịch hưởng lợi từ “hiệu ứng Trump” đã dần suy yếu, và kịch bản này vẫn có thể tái diễn.
Các nhà phân tích tại Société Générale không nghĩ rằng đô la Mỹ có thể tăng cao hơn nhiều trong những tháng tới, và dự đoán rằng đồng bạc xanh sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2024, giống như những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
“Miễn là mức tăng trưởng mạnh hơn, lãi suất cao hơn của Mỹ và niềm tin của thế giới vào vị thế của đô la Mỹ vẫn còn nguyên vẹn, đô la Mỹ sẽ vẫn được định giá rất cao, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng nó có thể được định giá cao hơn nữa”, các nhà phân tích đã viết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây.
Chia sẻ quan điểm trên, các chuyên gia của UBS cũng đánh giá, đô la Mỹ có thể giảm giá trong trung hạn. Theo UBS, thị trường có thể đang mắc sai lầm khi so sánh các chính sách trước đây của ông Donald Trump với hiện tại. Bởi không giống như năm 2017, môi trường kinh tế Mỹ hiện tại có đặc điểm là Fed cắt giảm lãi suất và gánh nặng nợ công cao hơn. Điều này có tác động đến chi phí tài trợ dài hạn và nhu cầu của thị trường đối với trái phiếu chính phủ Mỹ. Các chính sách nhiệm kỳ thứ hai được Tổng thống Trump đề xuất có thể làm gia tăng thâm hụt ngân sách, làm suy yếu các yếu tố nền tảng dài hạn của đô la Mỹ và đảo ngược một số mức tăng gần đây.
Một trở ngại tiềm tàng khác ngăn cản đô la Mỹ mạnh hơn nữa là việc các quốc gia khác có thể thực hiện các biện pháp để ứng phó, trong bối cảnh họ đã có được những kinh nghiệm về những chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ trước.
Trung Quốc được dự báo có thể cho phép đồng nhân dân tệ - vốn đã giảm 3% trong quí này, tiếp tục suy yếu, để hấp thụ cú sốc từ việc bị Mỹ tăng thuế quan nhập khẩu. Phần lớn các nhà kinh tế được Bloomberg News thăm dò đều dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể để tỷ giá trượt sâu hơn nữa, có thể kết hợp với các biện pháp bảo vệ khác như một vài đợt giảm lãi suất và mức thâm hụt ngân sách lớn hơn. Dù vậy, tỷ giá nhiều khả năng sẽ không trượt quá mức 8 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ.
UBS dự báo, các yếu tố cơ bản tốt hơn ở những nơi khác cũng báo hiệu cho sự suy giảm của đô la Mỹ với các đồng tiền tại châu Âu trong trung hạn. Theo ngân hàng này, các nhà đầu tư sẽ ngày càng đánh giá cao sự tương phản giữa hoạt động kinh tế chậm lại của Mỹ và những bất ngờ mang tính tích cực trong tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2025 (nhờ mức cơ sở thấp của năm 2024). Tâm lý này có thể thúc đẩy sự phục hồi của tỷ giá hối đoái euro/đô la Mỹ, từ quanh phạm vi 1,05 vào đầu năm 2025 lên mức 1,12 vào cuối năm.
Nguồn: New York Times, UBS, Bloomberg, Financial Times, Reuters