LTS: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang trên đường quay trở lại Nhà Trắng, với đội ngũ nhân sự có quan điểm cứng rắn, sẵn sàng thúc đẩy các chương trình nghị sự kinh tế của ông, đặc biệt là chiến lược thuế và thuế quan. Cùng lúc đó, các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang theo dõi sát những diễn biến tại Mỹ, chuẩn bị ứng phó với một cuộc chiến thương mại có thể xảy đến ngay sau khi ông Trump chính thức nhậm chức vào đầu năm 2025.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang từng bước hình thành đội ngũ nội các với những nhân vật then chốt phản ánh rõ các chiến lược kinh tế được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
- Những động thái đầu tiên về chính sách thương mại cứng rắn thời Trump 2.0
- Cuộc đối đầu giữa ông Trump và Fed
Các tỉ phú tham gia dẫn dắt nền kinh tế Mỹ
Hôm thứ Sáu tuần trước (22-11), Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết đã lựa chọn tỉ phú Scott Bessent - một nhà quản lý quỹ đầu cơ - làm Bộ trưởng Tài chính, vị trí sẽ lãnh đạo chương trình nghị sự kinh tế, dự kiến sẽ được xây dựng xung quanh việc tăng thuế quan và cắt giảm thuế.
Ông Bessent, nhà sáng lập Công ty đầu tư Key Square Capital Management, là một cái tên quen thuộc trong giới đầu tư tài chính. Với bề dày kinh nghiệm làm việc cùng những nhà đầu tư huyền thoại như George Soros, ông Bessent được đánh giá là một chiến lược gia với tầm nhìn sắc bén về thị trường toàn cầu. Ông đã nổi lên như một cố vấn kinh tế hàng đầu cho ông Trump, đồng thời cũng là một trong những người gây quỹ nổi bật nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng của ông.
Về mặt quan điểm, ông Bessent đã kêu gọi cắt giảm trợ cấp của chính phủ, bãi bỏ bớt các quy định kinh tế và tăng sản lượng năng lượng nội địa. Bên cạnh đó, không giống như nhiều nhà đầu tư ở Phố Wall, ông Bessent lại có quan điểm ủng hộ thuế quan - công cụ kinh tế ưa thích của ông Trump.
Nếu đề cử này được Thượng viện Mỹ thông qua, ông Bessent sẽ phải nhanh chóng xử lý một loạt vấn đề đầy thách thức như vấn đề nợ công, chỉ đạo các kế hoạch thuế của chính quyền, thực hiện các cuộc đàm phán kinh tế với các đối tác thương mại, đặc biệt là châu Âu và Trung Quốc, đồng thời giám sát các chương trình trừng phạt của quốc gia.
Một tỉ phú khác - ông Howard Lutnick, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald, đã được ông Donald Trump lựa chọn vào vị trí Bộ trưởng Thương mại và sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc hoạch định chính sách công nghiệp và thuế quan của Mỹ.
Ở cương vị mới, ông Lutnick sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích kinh doanh của Mỹ trên toàn thế giới (dự kiến kéo theo nhiều biện pháp thuế quan) và giám sát các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ - những nhiệm vụ ngày càng quan trọng đối với một tổng thống theo chủ nghĩa nước Mỹ trước tiên.
Một lĩnh vực khác mà ông Lutnick rất quan tâm là tiền điện tử. Ông đã tham gia tích cực vào các hội nghị về bitcoin và khẳng định, đồng tiền số này nên được giao dịch tự do như vàng. Ở vị trí mới, ông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách tiền điện tử của Mỹ, bao gồm các quy định về giao dịch, quản lý rủi ro.
Các chính sách kinh tế sẽ ít bị cản trở hơn
Các lựa chọn nhân sự của ông Donald Trump đã phần nào cho thấy cách tiếp cận kinh tế của chính quyền mới. Cùng với những tín hiệu từ các tuyên bố gần đây, một bức tranh về các chính sách tiềm năng đang dần hiện ra với trọng tâm là bảo hộ thương mại, cải cách thuế, và giảm thiểu các quy định.
Tờ The Guardian chỉ ra một vấn đề đáng chú ý là bằng việc đề cử các nhân sự trung thành với đường lối chính sách của mình, vị tổng thống đắc cử có thể đảm bảo rằng chương trình nghị sự kinh tế của ông sẽ không bị cản trở - điều đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên khi những doanh nhân hàng đầu và cựu tướng lĩnh quân đội tham gia chính phủ đã không hoàn toàn ủng hộ ông.
Giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi, khi ông Trump đã cảnh giác hơn và bổ nhiệm những ứng viên có sự tin tưởng mạnh mẽ vào thuế quan và chiến lược thuế - trọng tâm trong kế hoạch kinh tế của ông trong nhiệm kỳ sắp tới.
Ông Lutnick - ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, đã luôn thể hiện quan điểm thương mại cứng rắn, ủng hộ áp đặt thuế quan trên diện rộng. Tại cuộc vận động tranh cử ở Madison Square Garden của ông Trump vào tháng trước, ông Lutnick từng tuyên bố nước Mỹ thịnh vượng nhất vào đầu những năm 1900 khi “không có thuế thu nhập và tất cả những gì chúng ta có là thuế quan”.
Dù thận trọng hơn, ông Scott Bessent cũng ủng hộ thuế quan, coi đây là công cụ cần thiết để gây sức ép trên bàn đàm phán. Trong chiến dịch tranh cử chức Bộ trưởng Tài chính, ông Bessent đã lớn tiếng bác bỏ cảnh báo của các nhà kinh tế về tác động tiêu cực từ thuế quan là “hoàn toàn sai lầm”. Bên cạnh đó, ông cũng cố gắng xoa dịu lo ngại về một số chính sách được ông Trump đề xuất, vốn bị đánh giá rằng có thể gây ra một đợt lạm phát mới và làm chậm nền kinh tế.
Những tác động trái chiều đến chính sách kinh tế của Mỹ
Các đề cử nhân sự kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump hiện đang nhận được những phản ứng trái chiều tại Mỹ. Một số ý kiến tỏ ra lo ngại sự hiện diện của những nhân vật quá thiên về thị trường tài chính có thể làm suy yếu vai trò bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu và người lao động.
“Ông Donald Trump luôn thể hiện mình là một người theo chủ nghĩa dân túy về kinh tế, nhưng sẽ không bao giờ có chuyện bộ tài chính dưới thời ông ấy không được điều hành bởi một nhà tài trợ chính trị giàu có”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden chỉ trích, “khi nói đến nền kinh tế, chính quyền của ông Trump luôn hướng tới những người siêu giàu”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác tin tưởng việc bổ nhiệm các nhân sự cao cấp là giám đốc điều hành của các doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi thế cho chính quyền của ông Donald Trump trong việc điều hành nền kinh tế, bởi các quan chức mới đều là những người có quan hệ rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp, và rất am hiểu về lĩnh vực của mình.
Chẳng hạn như đối với việc ông Scott Bessent được đề cử cho vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhiều nhà quan sát đã đưa ra đánh giá tích cực dựa trên những kinh nghiệm dày dặn và tư duy thực tế sau nhiều năm làm việc tại Phố Wall. “Scott Bessent là một lựa chọn an toàn và đáng tin cậy”, ông Jason Furman, Giáo sư tại Đại học Harvard và cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, cho biết.
Chia sẻ quan điểm trên, Krishna Guha, Phó chủ tịch của Evercore ISI, tin rằng việc đề cử ông Bessent vào vị trí Bộ trưởng Tài chính “sẽ được thị trường tài chính đón nhận nồng nhiệt”, xét đến sự hiểu biết sâu sắc của ông về thị trường và các điều kiện vĩ mô.
Trong khi đó, việc chọn ông Lutnick làm người đứng đầu Bộ Thương mại được xem là động thái thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với Trung Quốc. Dov Levin, Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết ông Lutnick có khả năng là “người thực thi trung thành” các mức thuế mà Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch, vì ông là “người ủng hộ lâu năm của ông Trump tại Phố Wall”.
Tuy vậy, ông Lutnick hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi về xung đột lợi ích. Các lợi ích kinh doanh của ông, bao gồm cả Công ty môi giới Phố Wall Cantor Fitzgerald, liên quan đến nhiều lĩnh vực từ bất động sản thương mại đến tiền điện tử, có thể bị ảnh hưởng bởi một loạt quy định của chính phủ.
Đặc biệt, các công ty dịch vụ tài chính do Lutnick lãnh đạo đã hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc: từ BGC Group, công ty có liên doanh tại Bắc Kinh với China Credit Trust thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc, cho đến Cantor Fitzgerald, công ty đã giúp đưa các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Đây đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi khi ông Lutnick sẽ đảm nhận vị trí quan trọng trong chiến lược đối đầu với Bắc Kinh.
Trước những lo ngại này, ông Lutnick cho biết nếu được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại, ông sẽ từ bỏ cổ phần tại các công ty có quan hệ với Trung Quốc. Ông cho biết: “Tôi dự định thoái vốn khỏi các công ty này để tuân thủ các quy tắc đạo đức của Chính phủ Mỹ và không mong đợi bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc bán cổ phiếu trên thị trường mở”.
Nhưng ngay cả khi đó, chuyên gia Dov Levin vẫn chỉ ra một yếu tố rắc rối khác: vị CEO Phố Wall có quan hệ rất gần gũi với Elon Musk - người trước đó đã được ông Trump bổ nhiệm làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ mới thành lập và đang có những lợi ích kinh tế đáng kể ở Trung Quốc. Do vậy, theo chuyên gia Levin, trong khi Lutnick có thể sẽ ủng hộ mức thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc, ông khó có thể nằm trong số những người muốn “thúc đẩy các chính sách kinh tế cứng rắn hơn nữa đối với Trung Quốc”.
Nguồn: New York Times, The Guardian, CNN Business, AFP, Reuters, SCMP, Investopedia
Bản chất của nền kinh tế Mỹ, luôn hội tụ những động lực phát triển tự nhiên cao độ thuộc diện hàng đầu thế giới, mà mọi nền kinh tế khác đều mong ước: Tiên phong/ Năng động/ Đổi mới/ Sáng tạo. Do vậy, bộ máy điều hành chính phủ, cho dù là ai, đến từ đâu, đẳng cấp cỡ nào… cũng không là vấn đề quan trọng lắm.