(KTSG) - “Cuộc đụng độ thương mại Mỹ - Trung Quốc đang dần chuyển thành cuộc đối đầu về mặt công nghệ. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất các mặt hàng công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn”, GS.TS. Võ Xuân Vinh, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
- Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Xuất khẩu Việt Nam chịu sức ép phòng vệ thương mại ngày một lớn
Lý giải về những hạn chế
KTSG: Báo cáo Việt Nam 2024 - Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra những vấn đề cần khắc phục trong xuất khẩu của Việt Nam như kim ngạch bất cân xứng và kết nối yếu giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, tăng trưởng dựa vào số lượng, giá trị gia tăng thấp... Ông bình luận như thế nào về thực trạng này? Liệu đây có phải là chặng đường mà nền kinh tế Việt Nam bắt buộc phải trải qua?
- GS.TS. Võ Xuân Vinh: Trên thực tế, hầu hết các quốc gia dân số đông, từ Trung Quốc, Ấn Độ hay có điều kiện gần tương đồng với Việt Nam hơn như Malaysia đều phải chấp nhận một giai đoạn phát triển thương mại quốc tế thông qua xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động cao, chủ yếu thuộc khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đối với Việt Nam, là một nền kinh tế đi sau, ngay khi mở cửa thu hút FDI, chúng ta đã đưa ra các chính sách hấp dẫn nhất, chẳng hạn, các chính sách hỗ trợ thuế và chi phí thuê đất... Nhu cầu giải quyết lao động dôi dư, chủ yếu là tay nghề thấp, thiếu kỹ năng và nền kinh tế vừa mới bước qua thời kỳ tập trung bao cấp với trình độ khiêm tốn khiến cho Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu, thiên về các mặt hàng thâm dụng lao động cao như da giày, dệt may... Yêu cầu khách quan phát triển kinh tế và hội nhập cũng là một lý do quan trọng khác khiến Việt Nam cần phải mở cửa để thu hút FDI.
Mức độ thu hút, hấp thụ vốn FDI của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong thời gian vừa qua là rất tốt, đặc biệt khi chúng ta đang bắt đầu trở thành một cứ điểm sản xuất linh kiện điện thoại, linh kiện điện tử và các mặt hàng công nghệ khác của thế giới. Chỉ có điều, mặc dù chúng ta đã có một số doanh nghiệp quốc nội vươn mình ra thị trường thế giới, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Song song với đó, chất lượng nhân lực có được cải thiện nhưng chưa tương xứng với yêu cầu dẫn đến tình trạng Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, nhận giá trị gia tăng thấp. Khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nội địa thấp và liên kết giữa họ với doanh nghiệp FDI cũng lỏng lẻo.
Tất nhiên, ở đây còn có các yếu tố khách quan. Trong nhiều năm qua, Việt Nam thu hút được sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc điểm của các doanh nghiệp này là họ thường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đồng hương cùng tham gia vào chuỗi cung ứng. Xuất khẩu của Việt Nam lại phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp FDI từ các quốc gia này, điển hình là trường hợp Samsung. Vậy nên, cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng bị thu hẹp hơn. Đây là thực tế mà chúng ta cần sớm khắc phục.
KTSG: Để tiến tới mục tiêu là nước có thu nhập cao năm 2025, Việt Nam buộc phải thay đổi. Bằng không, chúng ta phải đối diện với tốc độ tăng trưởng suy giảm, những lợi thế trước kia như chi phí lao động rẻ sẽ dần mất đi... Ông đã nhìn thấy những dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi này hay chưa?
- Định hướng thu hút FDI thế hệ mới trong các ngành công nghệ xanh, công nghệ cao, chip bán dẫn, sản xuất điện tử, sản xuất thông minh... đã được Việt Nam hiện thực hóa thông qua việc ban hành các chính sách liên quan tới hỗ trợ đầu tư, chuẩn bị hạ tầng đất đai, khu công nghiệp, giao thông, năng lượng... để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Bản thân các địa phương cũng đã chủ động thực hiện chiến lược này, điển hình là Bình Dương và Nghệ An.
Tại Bình Dương, nhà máy sản xuất đồ chơi của Tập đoàn Lego với vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ đã tiến hành tuyển công nhân và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Đây là một nhà máy sản xuất “xanh” và Bình Dương đã đưa ra được các cơ chế, chính sách đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Địa phương này đang triển khai các bước để xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung và Khu Công nghệ cao rộng 220 héc ta, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng đón các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
Nghệ An lại xây dựng các khu công nghiệp đa định hướng, thu hút nhà đầu tư ở các lĩnh vực về linh kiện điện tử, điện lạnh, cơ khí chính xác, phụ tùng ô tô, xe máy... Song song với đó, tỉnh này dự định thu hút đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... để chuyển dần sang phát triển theo hướng kinh tế xanh và bền vững.
Đối với các doanh nghiệp nội địa, Chính phủ đang khuyến khích họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang liên tục có các chính sách, hỗ trợ miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tiếp cận vốn và các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo khác.
Dù vậy, mấu chốt vẫn nằm ở nguồn nhân lực. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và xu hướng robot làm thay các công việc trước đây, buộc lực lượng lao động Việt Nam phải chuyển đổi để thích ứng với trình độ phát triển kinh tế mới. Chúng ta vẫn đang có lợi thế là chi phí đào tạo lao động còn tương đối cạnh tranh, vậy nên, cần đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh, ưu tiên thu hút đầu tư.
Nắm bắt cơ hội mới
KTSG: Trong một thế giới đang phải trải qua nhiều bất ổn khó lường về địa chính trị, là một nền kinh tế có độ mở lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, ngoài việc lường trước rủi ro, liệu có cơ hội nào cho Việt Nam hay không, thưa ông?
- Chúng ta có thể thấy, cuộc đụng độ thương mại Mỹ - Trung Quốc đang dần chuyển thành cuộc đối đầu về mặt công nghệ. Cả hai cường quốc nêu trên đều có nhu cầu thiết lập chuỗi cung ứng bền vững. Với tình hình chính trị ổn định, chính sách ngoại giao rõ ràng, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất của các mặt hàng công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu vi mạch bán dẫn của Việt Nam sang Mỹ lên tới 562 triệu đô la Mỹ, tăng 75% so với cùng kỳ. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu vi mạch bán dẫn lớn thứ ba vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa sản xuất được vi mạch bán dẫn (khâu mang lại giá trị gia tăng lớn nhất). Hiện chỉ có bốn công ty của Việt Nam tham gia thiết kế vi mạch, trong đó có Công ty FPT và Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel. Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn chủ yếu qua việc tập trung vào các công đoạn lắp ráp và kiểm thử (6% giá trị gia tăng ngành vi mạch bán dẫn) do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm.
Để tận dụng cơ hội, chúng ta cần có chiến lược thu hút nhà đầu tư, như tôi đã đề cập, trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Do đó, Việt Nam phải làm sao nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong khoảng năm năm tới.
KTSG: Theo ông, từ phía quản lý nhà nước, cần phải làm gì để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng mang lại giá trị gia tăng cao và thu hút sự tham gia tích cực, hiệu quả hơn của khu vực kinh tế trong nước?
- Vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn vô cùng quan trọng, cả trong tốc độ tăng trưởng kinh tế, cả trong vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Chúng ta vẫn phải có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, giữ chân các doanh nghiệp này, đồng thời, thực hiện các bước đi tiến tới thu hút FDI thế hệ mới.
Nghĩa là, Việt Nam phải đưa ra một chiến lược tổng thể trong ứng xử với khối doanh nghiệp FDI bao gồm: (1) với nhóm doanh nghiệp hiện hữu: tiếp tục ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI đóng góp lớn, thúc đẩy sự chuyển đổi về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thiện chí kết nối với doanh nghiệp nội địa...; (2) đối với nhóm doanh nghiệp mục tiêu: lựa chọn các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có lợi thế so sánh, ưu tiên phát triển trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo để thu hút đầu tư. Chuẩn bị nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp này và có khả năng nhận chuyển giao công nghệ.
Đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, do hạn chế về nguồn vốn bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần có các biện pháp điều hướng nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chuyển vào đầu tư bền vững cho các doanh nghiệp nội địa. Các công cụ tài khóa như thuế đầu cơ, thuế sở hữu bất động sản, thuế thu nhập do chuyển nhượng vốn... nên được cân nhắc để hạn chế đầu cơ.
Bên cạnh đó, chúng ta đang tiến tới thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng. Đây là một trong những giải pháp để huy động vốn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.