(KTSG) - Từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH15 (Luật Quản lý thuế) có hiệu lực, việc cơ quan thuế đề nghị tạm dừng xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế ngày càng nhiều. Quy định pháp luật về biện pháp chế tài này liệu có mâu thuẫn, xung đột với các quy định khác, hệ quả từ biện pháp này ảnh hưởng đến chính sách chung về thu hút đầu tư kinh doanh như thế nào?
- Chỉ tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế sau khi đã rà soát
- Cục Thuế Hà Nội công khai danh sách người nợ thuế
Quy định về dừng xuất cảnh người nợ thuế trước đây
Trước đây, việc chưa được xuất cảnh (dừng xuất cảnh) người nợ thuế áp dụng theo quy định tại khoản 4 điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP, và chỉ dừng xuất cảnh đối với người xuất cảnh để đi định cư ở nước ngoài, còn xuất cảnh ngoài mục đích này thì không bị dừng. Hơn nữa, theo Nghị định 136, không dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế.
Quy định hiện nay và chế tài “cào bằng”
Khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực, bất luận là doanh nghiệp nợ bao nhiêu tiền thuế, miễn số tiền nợ từ 90 ngày trở lên thì người đại diện theo pháp luật đều có nguy cơ bị tạm dừng xuất cảnh. Điều này gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp, vì khi bị tạm dừng xuất cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy định hiện nay không phân biệt số thuế nợ nhiều hay ít. Điều này tạo điều kiện cho cơ quan thuế dễ dàng tùy nghi áp dụng và từ đó sẽ xuất hiện tình trạng lạm dụng biện pháp chế tài này thay vì phải có trình tự áp dụng từng chế tài, nếu các biện pháp khác không hiệu quả thì tạm dừng xuất cảnh là biện pháp cuối cùng.
Chế tài này cũng không phân biệt giữa doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp còn hoạt động hay đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp còn hoạt động thì biện pháp tạm dừng xuất cảnh tạo ra tác dụng ngược vì làm hạn chế khả năng hoạt động của doanh nghiệp thì làm sao doanh nghiệp có tiền để khắc phục số thuế còn nợ?
Quy trách nhiệm cho người đại diện theo pháp luật là không hợp lý và mâu thuẫn
Đối với doanh nghiệp nợ thuế thì trách nhiệm trả tiền thuế thuộc về doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân) là pháp nhân nên có tài sản và tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của cá nhân; pháp nhân khác tham gia góp vốn hình thành nên pháp nhân đó và vì thế pháp nhân tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình(1). Tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là không hợp lý, chẳng khác nào buộc cá nhân chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân bởi vì suy cho cùng cá nhân đại diện cho doanh nghiệp là để thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Tạm dừng xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chẳng khác nào yêu cầu một cá nhân làm đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm thay cho doanh nghiệp. Trong khi người đại diện theo pháp luật có thể chỉ là người đi làm thuê cho doanh nghiệp, vậy việc quy trách nhiệm của ông chủ (là doanh nghiệp) cho người làm thuê liệu có hợp lý hay không?
Người đại diện theo pháp luật cũng chỉ là người thay mặt cho doanh nghiệp, do doanh nghiệp cần phải có người đại diện để các chủ thể khác mới có thể thấy được, biết được, liên hệ được... nhằm thực hiện quá trình giao dịch, tức là quan hệ pháp luật. Trong Luật Doanh nghiệp các quy định nói về người đại diện theo pháp luật hoàn toàn không có nội dung nào cho thấy người đại diện theo pháp luật là người chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vì vậy trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế mà quy trách nhiệm cho người đại diện theo pháp luật là không đúng với bản chất về chế định người đại diện được quy định trong Bộ luật Dân sự và mâu thuẫn với quy định về người đại diện trong Luật Doanh nghiệp. Quy định người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm về số thuế mà doanh nghiệp nợ thì đồng nghĩa với việc người đại diện theo pháp luật là người chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong khi đó chịu trách nhiệm trước pháp luật là chính doanh nghiệp do doanh nghiệp có tài sản riêng và khi hoạt động thì thực hiện các quan hệ pháp luật (trong đó có quan hệ hành chính đối với cơ quan thuế) bằng chính tài sản của mình(2). Quy định tạm dừng xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế chẳng khác nào buộc người này phải chịu trách nhiệm (về thuế) thay cho doanh nghiệp.
Chế định “trách nhiệm hữu hạn”(3) của chủ sở hữu, được quy định trong Luật Doanh nghiệp, đối với trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần đó là thành viên, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Quy định này nhằm tạo ra một giới hạn pháp lý về trách nhiệm của người bỏ vốn ra khi thành lập doanh nghiệp. Nghĩa là người bỏ vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc phá sản. Nếu có bị ảnh hưởng hay mất vốn họ chỉ mất số vốn mà mình đã góp vào doanh nghiệp, tình huống này sẽ không ảnh hưởng đến phần tài sản còn lại của họ (ngoài phạm vi vốn góp). Chính vì tạo ra ngưỡng an toàn như thế mới kích thích mọi người mạnh dạn đầu tư, bỏ vốn ra kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, từ đó kích thích kinh tế phát triển.
Doanh nghiệp nợ thuế đây là nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với cơ quan thuế, tạm dừng xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chẳng khác nào yêu cầu một cá nhân làm đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm thay cho doanh nghiệp. Trong khi người đại diện theo pháp luật có thể chỉ là người đi làm thuê cho doanh nghiệp, vậy việc quy trách nhiệm của ông chủ (là doanh nghiệp) cho người làm thuê liệu có hợp lý hay không?
Theo số liệu thống kê(4), tính đến ngày 14-8-2024 cơ quan thuế đã thông báo tạm dừng xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỉ đồng. Kết quả thực hiện biện pháp tạm dừng xuất cảnh đã thu được 1.341 tỉ đồng của 2.116 người nộp thuế đang bị tạm dừng xuất cảnh. Tỷ lệ thu nợ thuế qua biện pháp này rất thấp - chỉ có 4,42%, cho thấy đây không phải biện pháp thu hồi thuế hiệu quả.
Số liệu nêu trên cho thấy hiệu quả của biện pháp tạm dừng xuất cảnh không những thấp mà ngược lại có thể tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh và đầu tư. Vì vậy, đối với người nợ thuế là cá nhân người Việt Nam, chỉ tạm dừng xuất cảnh trong trường hợp họ xuất cảnh để định cư. Với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài khi xuất cảnh cũng cần xem xét đến trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ trước khi rời Việt Nam. Còn với người nước ngoài làm đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp của họ còn đang hoạt động ở Việt Nam nên không thể áp dụng biện pháp tạm dừng xuất cảnh.
Một chính sách mới được ban hành cần đồng bộ với các chính sách đã ban hành trước đó, không tạo ra mâu thuẫn hoặc có sự xung đột với các nguyên tắc khác.
Mục tiêu khác của ngành thuế ngoài việc chống thất thu, thu đủ cho ngân sách nhà nước thì còn phải bám theo nguyên tắc “nuôi dưỡng nguồn thu”. Một khi nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư tại Việt Nam, có thể quy định dừng xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế sẽ khiến họ do dự.
(*) Luật sư điều hành Công ty Luật Credent
(**) Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Kế toán Đông Dương
(1) Điểm c điều 74 Bộ luật Dân sự 91/2015/QH14
(2) Điểm c điều 74 Bộ luật Dân sự 91/2015/QH14
(3) Khoản 1 điều 46, khoản 4 điều 75, điểm c khoản 1 điều 111 Luật Doanh nghiệp
(4) https://thanhnien.vn/no-thue-cao-vut-lai-rao-riet-tam-hoan-xuat-canh-185241003062608033.htm