(KTSG Online) - Trên hành trình hướng đến một tương lai xanh, biến rác thải nhựa thành tài nguyên, nhiều tổ chức đã nỗ lực góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Công ty Đông Đô cũng là một phần trong câu chuyện này.
- Chuyện tái sinh giá trị của rác thải nhựa trong vòng đời mới
- Muôn cách gia tăng giá trị của phế phẩm ở vòng đời mới
Mấy năm trước, nhiều cửa hàng siêu thị phát động phong trào dùng lá chuối để gói thực phẩm nhưng sau một thời gian, những nơi này quay lại với bao bì nhựa. Và phong trào dùng lá chuối để gói thực phẩm cũng chìm vào quên lãng. Tại sao lại có hiện tượng này?
Câu trả lời nằm ở giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế. Nếu rau, củ được bảo quản ở nhiệt độ phòng thì thời gian bảo quản bị rút ngắn "sáng rau - chiều rác" nhưng nếu được bọc trong bao bì nhựa thì có thể giữ tươi được vài ngày, giúp cửa hàng, siêu thị giảm loại thải đi. Đó chính là giá trị kinh tế mà các nhà bán lẻ nhận ra khi dùng bao bì nhựa để gói, đựng thực phẩm.
Chỉ cần một động thái tìm kiếm trên internet, người tiêu dùng có thể tìm ra rất nhiều địa chỉ bán chai nhựa dùng một lần trên các sàn thương mại điện tử với mức giá chỉ trên dưới 1.000 đồng cho một chai nhựa 330ml. Đây chỉ là giá bán của những cơ sở bán hàng lấy từ nhà sản xuất để bán lại còn nếu mua từ nhà sản xuất với số lượng lớn thì giá còn rẻ hơn nữa.
Một lý do khác để chai nhựa dùng một lần không thể biến mất trong các sinh hoạt thường nhật là đến từ sự tiện lợi cho người dùng. Do đó, dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận, xã hội loài người sẽ gắn với các sản phẩm chế tạo từ nhựa mà không còn lựa chọn nào khác.
Vì thế, ngoài việc phát động các phong trào giảm sử dụng nhựa một lần thì tái chế sản phẩm nhựa là một cách để giảm rác thải nhựa ra môi trường. Kinh tế tuần hoàn nhựa có thể là một xu thế với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Công ty TNHH TMDV Đông Đô với sản phẩm là tấm nhựa Eco, được sản xuất từ chai nhựa tái chế, theo một vòng khép kín, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe con người. Quy trình này bao gồm thu gom chai nhựa, các sản phẩm từ nhựa sau khi sử dụng được thu gom từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu du lịch… thông qua các đại lý thu mua phế liệu.
Sau đó, nhựa được đi qua một số công đoạn chế biến để thành hạt nhựa trước khi đưa vào máy sản xuất công đoạn cuối cùng để tạo ra những tấm nhựa có cấu trúc dạng rỗng.
Công ty đưa sản phẩm ra thị trường với thương hiệu là tấm nhựa Eco. Từ "Eco" bao hàm nhiều ý nghĩa như hiệu quả kinh tế (economics), có giá trị về sinh thái khi giảm thiểu rác thải nhựa một lần (ecosystem), ngoài ra chữ này cũng bao hàm kết nối với môi trường (connected with the environment).
Ý tưởng ban đầu của Đông Đô khi đầu tư vào máy móc, công nghệ để sản xuất tấm nhựa Eco là nhắm vào phân khúc cốp pha nhựa xây dựng. Tuy nhiên, trong thực tế, tấm nhựa Eco được ứng dụng với nhiều công năng khác nhau như làm sàn gác, vách ngăn, làm sàn nhà yến, nhà nổi vì khả năng chống nước và chịu lực tốt, trong các hoạt động nông nghiệp… Khi nhu cầu thị trường mở rộng thì cơ hội để công ty Đông Đô đóng góp vào kinh tế tuần hoàn nhựa cũng lớn hơn.
Hiện tại, Đông Đô mới có thể tái chế gần 20 tấn nhựa đã qua sử dụng mỗi ngày, một con số còn ít ỏi trong tổng lượng nhựa cần tái chế hiện nay. Cùng với Đông Đô với tấm nhựa Eco, nhiều công ty và các cá nhân khác cũng có những ý tưởng xuất sắc có thể giúp cho việc tái chế nhựa trở nên tích cực hơn, đi vào thực chất hơn thay vì chỉ dừng lại ở dạng một phong trào, một dạng xu hướng sớm nở tối tàn trên mạng xã hội.
Theo Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, kể từ 1-1-2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, săm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR - Extended Producer Responsibility) được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NÐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong lĩnh vực nhựa là một cơ chế chính sách mà nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm nhựa, từ khâu thiết kế, sản xuất đến khi sản phẩm trở thành rác thải.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất nhựa không chỉ dừng lại ở việc sản xuất sản phẩm mà còn phải tham gia vào các hoạt động thu gom, tái chế, xử lý và tiêu hủy chất thải nhựa sau khi sản phẩm hết hạn sử dụng.
Với quy định này, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ tái chế hiện đại, tạo ra một thị trường cho nhựa tái chế và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhựa mới. Còn về phía doanh nghiệp, thực thi EPR sẽ giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường.
EPR giúp Chính phủ giảm các chi phí xử lý rác thải, cải thiện môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. EPR cũng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường hơn và góp phần bảo vệ môi trường.
Vì thế, với nguyên liệu đầu vào để sản xuất tấm nhựa Eco của Đông Đô hoàn toàn là nguyên liệu nhựa tái chế, nên ở một khía cạnh nào đó, sản phẩm của công ty - là cánh tay nối dài cho chính sách thực thi EPR, qua đó, giúp giảm thải rác nhựa ra môi trường.