Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược ‘tăng giá trị’ có thể giúp doanh nghiệp châu Á ứng phó thách thức thời Trump 2.0

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một chiến lược lấy cảm hứng từ Nhật Bản nhằm tìm cách tăng lợi nhuận cho cổ đông, nâng cao quản trị và định giá doanh nghiệp đang lan rộng khắp châu Á. Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược tăng giá trị như vậy có thể giúp doanh nghiệp châu Á phòng thủ trước chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.

Noi theo thành công của Nhật Bản, hồi tháng Hai, Hàn Quốc phát động chương trình tăng giá trị doanh nghiệp. Ảnh: Yonhap

Làn sóng sáng kiến tăng giá trị doanh nghiệp ở châu Á

Từ Seoul đến New Delhi, các chính phủ và cơ quan quản lý đang nhanh chóng triển khai các phiên bản riêng của chương trình cải cách cơ cấu kinh tế và quản trị doanh nghiệp kéo dài nhiều năm của Nhật Bản đã giúp đưa chỉ số chứng khoán chuẩn của nước này lên mức cao kỷ lục trong năm nay. Các sáng kiến này thường được gọi tên chung bằng thuật ngữ do Hàn Quốc đặt ra là “tăng giá trị doanh nghiệp”.

Thời điểm xuất hiện của các sáng kiến có vẻ như là điều may mắn đối với nhà đầu tư ở các thị trường châu Á. Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới đây của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và chính sách thương mại đối đầu của ông đe dọa làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và thu nhập doanh nghiệp ở các nước châu Á. Có một số dấu hiệu cho thấy, chiến lược nâng cao giá trị doanh nghiệp có thể chống lại mối đe dọa này.

“Khi trình bày với khách hàng, tôi nói với họ rằng, có năm chủ đề lớn ở châu Á và một trong số đó là cải cách doanh nghiệp để tăng lợi nhuận của cổ đông. Đây là một yếu tố có thể giúp ích cho các thị trường châu Á”, Sat Duhra, một nhà quản lý quỹ của Janus Henderson Investors (Singapore), người đang quản lý 1 tỷ đô la Mỹ nói.

Làn sóng “tăng giá trị” doanh nghiệp đang dâng cao ở châu Á, có thể bắt nguồn từ chương trình cải thiện quản trị doanh nghiệp của Nhật Bản được khởi động từ hơn một thập niên trước. Nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến chương trình này vào 2022 khi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo gây áp lực để các doanh nghiệp tăng lợi nhuận cho cổ đông thông qua một loạt các biện pháp.

Hai năm sau đó, các công ty Nhật Bản hoàn trả nhiều tiền mặt hơn cho cổ đông thông qua việc tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu. Những công ty này cũng tăng số lượng phụ nữ trong hội đồng quản trị và giải quyết tình trạng sở hữu chéo cổ phần.

Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 cuối cùng thoát khỏi ba thập niên trì trệ khi tăng lên mức cao kỷ lục hồi tháng Ba.

Noi theo thành công của Nhật Bản, hồi tháng Hai năm nay, Hàn Quốc cũng công bố chương trình tăng giá trị doanh nghiệp (Corporate Value-up Program) nhằm thúc đẩy các nỗ lực tự nguyện của các công ty niêm yết trong việc tăng hoàn trả vốn cho cổ đông và cải thiện quản trị doanh nghiệp. Chương trình này cũng nhằm đẩy lùi cái gọi là “chiết khấu của Hàn Quốc” khi doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có mức định giá thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp cùng ngành trên toàn cầu.

Tại Trung Quốc, trong tháng 11 này, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn để nâng cao định giá doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà chức trách ở Ấn Độ yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tăng cổ tức. Singapore, Malaysia và Thái Lan đều được cho là đang cân nhắc các sáng kiến ​​tương tự.

Theo Vikas Pershad, nhà quản lý quỹ của M&G Investments Singapore, các cải cách nói trên là sáng kiến ​​kịp thời của các cơ quan quản lý ở châu Á.

“Đây là một ví dụ điển hình cho thấy việc tăng cường quản lý có thể hữu ích như thế nào và tôi rất lạc quan”, Pershad nói đồng thời cho biết thêm, ông đã đưa vấn đề này vào chủ đề thảo luận với khách hàng.

Chương trình cải cách quản trị và tăng lợi nhuận cho cổ động của doanh nghiệp Nhật Bản giúp chỉ số chứng khoán Nikkei 225 (đường màu trắng) tăng vượt trội so với chỉ số MSCI châu Á- Thái Bình Dương kể từ năm 2022. Ảnh: Bloomberg

Cải cách doanh nghiệp trở thành yêu cầu cấp thiết

Chỉ số MSCI châu Á chỉ tăng 30% kể từ cuối tháng 11-2014. Đó là mức tăng không đáng kể so với mức tăng 190% của chỉ số S&P 500, theo dõi cổ phiếu của 500 doanh nghiệp vốn hóa lớn ở Mỹ trong cùng kỳ.

Sự tụt hậu này cho thấy, doanh nghiệp châu Á đang đứng trước yêu cầu rõ ràng về sự thay đổi mạnh mẽ trong cách xử lý lợi nhuận của cổ đông. Yêu cầu này càng cấp thiết khi họ đối mặt với môi trường kinh doanh khó khăn nếu ông Donald Trump áp thuế từ 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ châu Á như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Một ví dụ về cải cách doanh nghiệp thành công ở châu Á phù hợp với cách tiếp cận tăng giá trị doanh nghiệp có thể được tìm thấy trong nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Kể từ khi triển khai vào năm 2019, những cải cách này đã giúp các SOE ở Ấn Độ tăng lợi nhuận và chi trả cổ tức cao hơn. Thị phần của các SOE trong tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Ấn Độ lên gần mức cao nhất trong 6 năm.

Ở những nơi khác trong khu vực, kết quả ban đầu của chương trình tăng giá trị doanh nghiệp kém ấn tượng hơn.

Chỉ số Kospi của chứng khoán của Hàn Quốc giảm hơn 7% trong năm nay, ngay cả khi chính phủ đưa ra một số biện pháp mới nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng lợi nhuận cho cổ đông. Chỉ số Value-up, theo dõi những công ty có các thực hành tốt nhất để tăng giá trị doanh nghiệp, dựa trên các tiêu chí như hiệu quả sử dụng vốn cũng đã giảm khoảng 5% kể từ khi ra mắt cách đây 2 tháng.

Tuy nhiên, một số nhà quản lý quỹ nhìn thấy cơ hội đầu tư ở những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tăng giá trị.

“Điều quan trọng là nhà đầu tư phải chú ý và tìm kiếm những cơ hội đó ở những công ty cải thiện thu nhập và tăng lợi nhuận cho cổ đông. Chúng tôi đang rất tích cực tìm kiếm và tiếp tục định vị những cơ hội này trong danh mục đầu tư” Vicki Chi, nhà quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu châu Á của Công ty quản lý tài sản Robeco (Hà Lan) nói.

Tại Singapore, nơi một tổ chuyên trách của chính phủ đã thành lập để xem xét cách thức nâng cao định giá thị trường của doanh nghiệp, Công ty quản lý đầu tư gia đình SGMC Capital rất lạc quan về những lợi ích tiềm năng trong dài hạn của các chương trình tăng giá trị. Chỉ số Straits Times của thị trường chứng khoán Singapore tăng hơn 15% trong năm nay, lên gần mức cao kỷ lục.

“Những sáng kiến ​​này có thể giúp mở khóa giá trị tiềm ẩn. Việc khuyến khích doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách giữa giá thị trường của cổ phiếu so với giá trị sổ sách báo hiệu một cam kết mạnh mẽ hơn đối với tính hiệu quả thị trường và niềm tin của nhà đầu tư”, Mohit Mirpuri, nhà quản lý quỹ của SGMC Capital nhận định.

Theo Bloomberg

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới