(KTSG Online) - Bước vào tháng 12, xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 15-20 km, nhưng thấp hơn từ 7-10 km so với trung bình nhiều năm.
- Hơn 83.000 hecta đất nông nghiệp ĐBSCL có thể bị ảnh hưởng bởi ngập mặn
- Nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ‘đe dọa’ ở cả 3 miền
Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tháng 12-2024, xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 15-20 km, nhưng thấp hơn từ 7-10 km so với trung bình nhiều năm, TTXVN đưa tin.
Trong tháng 11, xâm nhập mặn chỉ xuất hiện ở phía ngoài các cửa sông với ranh mặn 4g/l từ 10-15 km.
Theo Cục Thủy lợi, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
Để phòng chống triều cường dâng cao từ nay đến cuối mùa lũ năm 2024 và nguy cơ hạn hán xâm nhập mặn vào đầu mùa khô năm sau, Cục Thủy lợi kiến nghị các tỉnh vùng giữa và ven biển ĐBSCL cần đề phòng triều cường dâng cao vào các tháng cuối năm, chủ động gia cố hệ thống đê bao bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất.
Các hệ thống thủy lợi khép kín như hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, Nam mang Thít, Gò Công, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Bến Tre, Cần Đước - Cần Giuộc... theo dõi diễn biến mưa và nguồn nước trên sông Mê Công để vận hành các công trình nhằm tăng cường trữ nước trên hệ thống. Địa phương rà soát các vị trí đắp đập tạm, tu bổ các công trình thủy lợi nhằm tăng cường lấy và trữ nước ở các khu vực có nguy cơ bị mặn xâm nhập trong mùa kiệt.