Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cái ‘bẫy’ hàng giá rẻ: người tiêu dùng bị định giá trị thấp

Kim Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chúng ta đang chứng kiến một cuộc đổ bộ của hàng giá rẻ vào thị trường theo cả phương thức truyền thống lẫn hệ thống thương mại điện tử (TMĐT). Cuộc cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp, sự tấn công của hàng nước ngoài bằng giá rẻ, và thói quen chuộng giá rẻ hơn là chất lượng và nhu cầu thật sự trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang tác động lớn đến nhiều mặt trong đời sống, nhất là sức khỏe và môi trường.

Cái “bẫy” giá rẻ khiến người tiêu dùng bỏ qua việc xem xét những tài sản vô giá của bản thân như thời gian, sức khỏe và trí tuệ. Ảnh minh họa: TL

Thật ra câu chuyện hàng giá rẻ không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Có nhiều ý kiến giải thích vì sao hàng giá rẻ được ưa chuộng. Nghiên cứu từ McKinsey cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua sắm những sản phẩm giá rẻ hơn để tiết kiệm chi phí, ngay cả khi điều đó có thể dẫn đến việc mua những mặt hàng không cần thiết.

Bên cạnh các sàn TMĐT bán giá siêu rẻ, hàng loạt chuỗi siêu thị, cửa hàng đang được mở rộng nhanh chóng, cung cấp đa dạng hàng hóa với mức giá cũng rẻ. Sự dễ tiếp cận khiến hàng giá rẻ được tiêu thụ mạnh, bất kể tính hữu dụng của sản phẩm có thực sự cần hay không. Theo khảo sát của Kantar, có khoảng 56% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sản phẩm có giá thành thấp, bất kể chất lượng.

Cái “bẫy” giá rẻ khiến người tiêu dùng bỏ qua việc xem xét những tài sản vô giá của bản thân như thời gian, sức khỏe và trí tuệ. Chúng ta dành quá nhiều thời gian lướt trên mạng để so giá, trí não chúng ta bị thao túng bởi hình ảnh đeo bám của sản phẩm.

Vì sao hàng giá rẻ có sức hấp dẫn đến như vậy? Kinh tế học hành vi (behavioral economics) có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc người tiêu dùng chọn mua hàng giá rẻ, và một số lý thuyết trong lĩnh vực này có thể giải thích tại sao nhiều người có xu hướng ưu tiên sản phẩm giá rẻ mà các trang TMĐT đang làm rất hiệu quả.

Một trong số đó là nghiên cứu tâm lý “Tìm kiếm giá trị” (value seeking) của Richard Thaler, rằng người tiêu dùng thường cảm thấy hài lòng hơn khi họ có được món hàng với giá rẻ, mặc dù giá trị thực của sản phẩm có thể không cao. Họ cảm thấy như mình đã “thắng” trong giao dịch. Hay nghiên cứu của Robert Cialdini, rằng sự đồng thuận của xã hội có thể làm tăng nhu cầu về các sản phẩm giá rẻ vì người tiêu dùng thường bị ảnh hưởng bởi hành vi của người khác, khi thấy nhiều người mua hàng giá rẻ, họ cũng có xu hướng tham gia vào việc mua sắm này. Harvard Business Review từng chỉ ra rằng người tiêu dùng thường có xu hướng mua sắm theo cảm xúc và tìm kiếm sự thoải mái thông qua việc mua sắm hàng giá rẻ, mặc dù họ không cần thiết phải sử dụng sản phẩm đó.

Cái “bẫy” giá rẻ khiến người tiêu dùng bỏ qua việc xem xét những tài sản vô giá của bản thân như thời gian, sức khỏe và trí tuệ. Chúng ta dành quá nhiều thời gian lướt trên mạng để so giá, trí não chúng ta bị thao túng bởi hình ảnh đeo bám của sản phẩm, và việc chấp nhận những sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp có thể gây hại cho sức khỏe và tạo gánh nặng lên môi trường trong tương lai.

Con người đang đối diện với rất nhiều bệnh tật nguy hiểm mà một phần nguyên nhân đến từ ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến chất lượng sống vì lượng rác thải lớn do sản phẩm kém chất lượng nhanh hỏng. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, khoảng một phần ba thực phẩm sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí, một phần lớn trong số đó là sản phẩm giá rẻ, các sản phẩm nhựa dùng một lần, có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe. Các hóa chất có trong nhựa có thể rò rỉ vào thực phẩm và nước uống, gây ra nguy cơ ung thư và các vấn đề về sinh sản. Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, việc tiêu dùng hàng hóa giá rẻ, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần làm tăng lượng rác thải nhựa. Khoảng ba triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, phần lớn trong số đó đến từ các sản phẩm giá rẻ.

Làm sao để thoát khỏi cái “bẫy” giá rẻ đang bủa vây là một câu hỏi khó thực hành cho tất cả chúng ta. Chúng ta luôn hiểu những tác hại của hàng giá rẻ, luôn khao khát được dùng sản phẩm chất lượng tốt, thường chê bai hàng Trung Quốc kém chất lượng, nhưng chính chúng ta không ngừng mua những mặt hàng kém chất lượng vì nhu cầu trước mắt và vì giá rẻ. Thay vì đổ lỗi cho bên nào đó, sao chúng ta không tự suy vấn mình rằng “có thật sự chúng ta cần rất nhiều thứ đến mức chúng ta phải mua thật nhiều sản phẩm với giá thật rẻ không?”, “Có phải chúng ta đang cho phép các doanh nghiệp sản xuất hàng giá rẻ định vị chúng ta là người tiêu dùng giá trị thấp?”, “Chúng ta là khách hàng thông minh vì chúng ta mua hàng giá rẻ?”...

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới