Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi các CEO hát trên sân khấu!

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khách hàng muốn nghe, xem các thông điệp của các doanh nghiệp theo hình thức mới lạ. Marketing cho doanh nghiệp theo cách mới mẻ nào đó là sự chọn lựa của nhiều doanh nghiệp hiện nay, ví dụ thông qua hình ảnh của vị lãnh đạo doanh nghiệp tài năng với một bài hit, vũ điệu điêu luyện… Nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều CEO trên sân khấu biểu diễn cũng đặt ra một tình huống mới.

CEO Jensen Huang của hãng chip Nvidia trong trang phục có họa tiết “chăn con công” hát múa tại nhà máy của Nvidia tại Thượng Hải đầu năm 2023. Ảnh: Nvidia

Ngày càng nhiều các CEO doanh nghiệp Việt Nam lên sân khấu với chiếc micro, cùng với vũ đoàn chuyên nghiệp biểu diễn, nhằm góp vui cho sự kiện của doanh nghiệp. Có lẽ, đây chỉ phần nối dài trào lưu thể hiện “văn hóa doanh nghiệp” trên thế giới, như ở Trung Quốc hay Mỹ… Hiệu ứng tốt về truyền thông thì rất nhiều người đã thấy. Nhưng hiệu ứng đó khó có thể vượt qua nỗi lo về doanh số và lương thưởng cuối năm…

Nhu cầu nghe và xem các thông điệp dưới hình thức mới lạ

Từ tối 2-11, tại đêm diễn mừng 30 năm thành lập Ngân hàng Quân Đội (MB), CEO Phạm Như Ánh đã song ca với ca nhạc sĩ Tăng Duy Tân bài hát Bên trên tầng lầu. Giọng của vị CEO dù vẫn có độ chênh với giọng ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng clip đã vượt ra khỏi khuôn khổ gala riêng tư của MB. Không chỉ chứng tỏ bản thân là một nhà lãnh đạo ngân hàng xuất sắc, ông Phạm Như Ánh cũng thể hiện khả năng ca hát và vũ đạo “đủ để gây ấn tượng với đám đông”.

Các màn trình diễn của nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp trên sân khấu cũng đã tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

Ông Lê Đăng Dũng - Phó tổng giám đốc Viettel - từng hát cùng ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong “Đại nhạc hội Viettel 2017”. Hay Chủ tịch FPT Trương Gia Bình hát Ai chung tình được mãi tại liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của ca sĩ Tùng Dương năm 2023.

Rồi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải của Công ty Xây dựng Hòa Bình từng xuất hiện trên sân khấu và chơi các nhạc cụ như guitar, violin, sáo, harmonica, mandolin... và sáng tác nhạc để chuyển tải các thông điệp đến nhân viên, đối tác. Hay như Chủ tịch Đào Hữu Huyền của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng gây ấn tượng với những lần xuất hiện trên sân khấu…

Nhưng hiệu ứng kéo dài lâu nhất trên mạng xã hội, tạo hiệu ứng truyền thông lớn nhất là màn biểu diễn ca khúc Cô đơn trên sofa của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng này vào tháng 6-2023.

Trước bài hát này, chủ tịch ACB đã trình diễn bài hát Always remember us this way. Nhưng phần biểu diễn tự đàn piano, hát và nhảy dưới mưa trên sân khấu cùng với các vũ công chuyên nghiệp trong Cô đơn trên sofa đã làm sân khấu đêm đó và thế giới mạng sau đó bùng nổ. “Trần Hùng Huy” hay “chủ tịch sofa” đã trở thành từ khóa “hot” nhất, đứng đầu các công cụ tìm kiếm hay xếp hạng trên Hot Trend Google, YouNet Social Trend hay Marketing AI… Dòng tiền đổ vào cổ phiếu của ACB ngay sau đó cũng chảy ào ạt.

“Một nhãn hàng, một doanh nghiệp sẽ phải chi tiền tỉ cho chiến lược marketing như vậy. Nhưng chỉ với hai ca khúc, đặc biệt là màn nhảy dưới mưa, Trần Hùng Huy và ACB đã có chiến dịch truyền thông thành công rực rỡ”, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận xét vào thời điểm đó. Trong khi các chuyên gia truyền thông khác cho rằng sự thành công này của ACB buộc các nhãn hàng nhận ra đã đến lúc phải thay đổi, bởi khách hàng lại muốn nghe, muốn xem các thông điệp của doanh nghiệp theo nhiều hình thức mới lạ…

Nhưng sự xuất hiện ngày càng đông của các CEO trên sân khấu biểu diễn cũng đặt ra một tình huống mới. Liệu doanh nghiệp lúc nào cũng dám mạo hiểm đáp ứng mong muốn nghe và xem của công chúng? Bởi đó là chi phí tốn kém. Và bởi CEO phải là nhà quản lý chuyên nghiệp, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, các bên liên quan và nhân viên. Họ không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp.

“Văn hóa doanh nghiệp” lan từ Trung Quốc sang Mỹ

Trung Quốc là cái nôi của những trào lưu mới. Nhiều CEO đại lục đã xem sự xuất hiện trước công chúng với chiếc mic và các màn trình diễn là một phần tất yếu của “văn hóa doanh nghiệp”.

Chẳng hạn, nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba đã tập luyện để thành ca sĩ nhạc rock, mặc áo da và hát trước 60.000 nhân viên Alibaba năm 2019, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn. Jack Ma đã trình bày bài hát Cuộc sống nở hoa, như thông điệp chuyển giao chính thức chức chủ tịch Alibaba cho Daniel Zhang…

Việc bị lôi lên sân khấu để góp vui cho một bữa tiệc nội bộ của một công ty là một điều chẳng đặng đừng, không phải vị CEO nào cũng thích. Nhiều người lên sân khấu, biểu diễn trước đám đông mà không có sự chuẩn bị kỹ càng là một sự thất thố, xem thường người xem.

Có lẽ Jack Ma cũng đã học hỏi rất nhiều từ sự thất bại của CEO Pony Ma của Tập đoàn Tencent vào năm 2017. Lúc đó, Pony diện nguyên một bộ đồ mang đậm phong cách của các nghệ sĩ hip-hop và hát bài nhạc sến của những năm 2000…

Các tiết mục “cây nhà lá vườn” của các vị CEO các công ty lớn tại Trung Quốc dường như đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp ở đại lục.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) nói các CEO Mỹ khi đi công tác Trung Quốc cũng khó tránh ngoại lệ này. Không phải áp lực từ cổ đông hay chính phủ, mà là một thách thức khó nhằn mới. Đó là phải “giao lưu”, nhảy múa và hát hò trên sân khấu trước đám đông cuồng nhiệt.

CEO Nvidia Jensen Huang đã làm mọi người bất ngờ bằng màn múa dân gian Trung Quốc khi đến thăm nhà máy của Nvidia tại Thượng Hải đầu năm 2023. Ở tuổi 60, ông Huang đã cởi bỏ chiếc áo da là biểu trưng của mình, mặc cái áo “họa tiết chăn con công” của thời kinh tế nghèo khó ở đại lục. Ông đã lắc lư theo bài dân ca nói lên nỗi khao khát mái ấm gia đình và tình thương của cha mẹ.

Ông Huang nhảy hơi cứng, không khớp nhạc, nhưng nhân viên Nvidia thích thú. Bản thân ông nói việc giao lưu này giúp ông kết nối với nhân viên công ty hơn, nhất là với văn hóa xem trọng con người như ở Nvidia.

Trước CEO Jensen Huang, năm 2020, khi đến nhà máy Thượng Hải trong lễ giao chiếc Model 3 đầu tiên, CEO Elon Musk cũng phải làm vậy. Ông Musk đã cởi áo vest để “nhập gia tùy tục”, nhún nhảy và lắc hông trước đám đông cuồng nhiệt.

Các vị CEO Mỹ khi đến Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên đán, càng phải đối mặt với những pha làm khó tương tự. Ngay cả khi những màn ca hát hay múa may dở tệ, thì người đại lục cũng xem đó là bình thường, giúp tạo nên không khí ấm cúng, gần gũi trong doanh nghiệp…

Đây là một văn hóa hoàn toàn khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Nhất là khi ở Silicon Valley, chuyện biểu diễn với tính chuyên nghiệp luôn đặt lên hàng đầu.

“Các hoạt động kiểu này tạo nên sự thân thiện giữa nhà quản lý và nhân viên”, cựu Phó chủ tịch Hugo Barra phụ trách hoạt động toàn cầu của Xiaomi kể với WSJ. “Tại Trung Quốc, các CEO được phép làm trò khôi hài, vui nhộn trên sân khấu”, Barra nhớ lại những câu chuyện các nhà lãnh đạo cấp cao Xiaomi nhảy múa, ca hát trên sân khấu.

Làn sóng CEO giao lưu ca hát từ Trung Quốc đã lan sang các doanh nghiệp Mỹ, theo hình thức nào đó, WSJ viết.

Nhà đồng sáng lập Apple, ông Steve Wozniak, đã tham gia chương trình thi nhảy “Dancing With The Stars”. Nhà sáng lập Bill Gates của Microsoft cũng từng nhảy múa trong chương trình với Jerry Seinfield. Tương tự như vậy với tỉ phú Mark Cuban.

Nhà lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Trung Quốc. Chuyện nhập gia tùy tục với giao lưu và múa hát tại Trung Quốc giúp các vị CEO Mỹ gắn kết với nhân viên bản địa tốt hơn.

Chris Pereira, nhà sáng lập hãng tư vấn iMpact, cho rằng chuyện lãnh đạo cấp cao nhất ca hát tại Trung Quốc là cách bày tỏ lòng biết ơn với đóng góp của nhân viên trong cả năm làm việc.

“Việc các CEO nhảy múa có thể không thường thấy tại phương Tây. Nhưng có khi đây lại là cách kết nối hiệu quả mà phương Tây nên học hỏi từ Trung Quốc”, ông Pereira nhận định.

Cuộc vui được vài trống canh…

Sau khi ánh đèn sân khấu tắt, câu hỏi mọi người quan tâm nhất nhưng ít dám hỏi lại lóe lên. Chẳng hạn, doanh số và tiền thưởng tại các doanh nghiệp của các vị CEO sáng sân khấu đấy sẽ như thế nào trong dịp cuối năm hay Tết sắp đến?

Thưởng Tết 2024 ở châu Á được xem là “thắt lưng buộc bụng” để thích ứng với giá thực phẩm và lạm phát tăng cao, còn sức mua lại eo hẹp. Chuyện thưởng Tết 2025 lại càng căng hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, bất ổn nội tại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc…

Năm 2023, các gã khổng lồ châu Á gây tiếng vang trên toàn cầu khi đoạt doanh số khủng, thưởng Tết hậu hĩ. Chẳng hạn, Tập đoàn vận tải biển Evergreen Marine của Đài Loan thưởng 52 tháng lương. Hoặc Hyundai Oilbank của Hàn Quốc loan báo mức thưởng Tết đến 120 tháng lương…

Nvidia, Tesla, Tencent hay Alibaba đã không được nhắc tên trong những dịp như thế…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới