(KTSG) - Má hay hỏi thăm, lễ này có về chơi không. Đám cúng cơm (đám giỗ) ông nội năm nay con có rủ bạn bè về chơi không để má chuẩn bị. Quê nhà ở tỉnh xa nên ít có dịp về, trong lòng những người con xa quê luôn tranh thủ và nôn nao ngày trở lại. Ngoài chuyện đường xa, người dân đồng bằng sông Cửu Long còn bị những con sông ngăn lối. Những con sông rộng mà từ ngàn năm nay mới bắt được nhịp cầu. Các cửa sông Cửu Long đổ ra Biển Đông luôn cuồn cuộn nước, những chuyến phà ngang qua mất gần một giờ đồng hồ xe cộ mới từ bờ này sang được bờ bên kia. Khi cầu làm xong, thời gian đi lại ngắn hơn và chuyến về quê cũng dễ dàng hơn cho những người đi xa, chưa kể đến lợi ích kinh tế mà những chiếc cầu này mang lại.
- Bình Dương đề xuất cơ chế vay 10.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông
- Hạ tầng đô thị và giao thông thân thiện
Người ta mong mỏi chiếc cầu được bắc xong như thế nào thì người ta cũng mong mỏi con đường cao tốc được làm xong thế ấy. Đi cao tốc mới sướng, chạy nhanh và an toàn, lại êm như ru nên về tới nhà còn khỏe trân, thật là hồ hởi tinh thần và thể chất. Cao tốc cho cảm giác theo kịp bạn bè quốc tế. Thời của công nghệ và tốc độ mà.
Cao tốc dài nhất đồng bằng sông Cửu Long là cao tốc từ TPHCM về Cà Mau. Những đoạn đã hoàn thành được đi từ những năm trước đã mang đến niềm vui lớn cho người hay đi lại. Đoạn kế tiếp từ Mỹ Thuận về Cần Thơ vừa xong năm nay, đã làm cho người dân Cần Thơ và các tỉnh xung quanh vui sướng biết bao vì đi cao tốc từ Cần Thơ về Sài Gòn chỉ có hai giờ đồng hồ là tới.
Cảm giác mình ở gần người thân, gần trung tâm thương mại, văn hóa, đầu mối giao lưu quốc tế làm người ta vui vẻ và yên tâm hẳn ra, mặc dù vẫn ở ngay tại nhà mình từ thời ông bà để lại. Cảm giác muốn gặp nhau lúc nào cũng được, muốn sử dụng các dịch vụ hiện đại tiện ích như bệnh viện hay trường học là có ngay, mang lại sự thú vị cho cuộc sống và sự an tâm quý báu. Những giá trị vô hình đó của giao thông và hạ tầng có thể giữ chân người dân tỉnh lẻ ở lại quê nhà làm việc mà không sợ thiệt thòi, không sợ bị tụt hậu hay bị bỏ lại phía sau. Xét về yếu tố quy hoạch có thể làm giảm tải cho các thành phố lớn do di dân tự do và góp phần tạo nên sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền.
Nên những trở ngại lớn trong việc làm cao tốc luôn được người dân hồi hộp theo dõi. Những công trình lớn bao giờ mà chẳng khó khăn. Bao đời nay không làm được mà nay làm được là công lao lớn của các chú các bác. Dân mình bao đời gian khó nên thấm thía những giá trị được chính quyền và những người có công tạo nên. Lòng tri ân đó luôn lắng sâu và không vơi cạn. Nên người dân luôn dõi theo các công trình trọng điểm.
Các anh YouTuber thỉnh thoảng lại làm clip về tiến độ thi công, và người dân luôn lo lắng không biết việc thiếu cát được giải quyết tới đâu rồi, không biết cát biển có thay thế được không? Dân mình có tính sáng tạo và vị tha, nên ngoài việc hiến đất và nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho các công trình phúc lợi, họ còn hiến kế giải quyết những việc mà họ có kinh nghiệm. Họ đóng góp cho sự phát triển sự hồn nhiên vô tư, như một cơn gió mát trong công cuộc kiến thiết bằng khoa học và tầm vóc.
Đến một lúc nào đó, câu hát “nghe nói Cà Mau xa lắm” không còn đúng nữa, mà chỉ còn là cảm giác xa xưa của một thời đò giang cách trở, hạ tầng chưa phát triển thì sự đổi thay đã thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình, đem lại cuộc sống mới tốt đẹp cho người dân. Chúng ta vẫn yêu kính các nhạc sĩ đã ghi lại cho cháu con những trải nghiệm đẹp của quá khứ. Những câu hát ấy vẫn đẹp như câu hát “cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn”. Miền ký ức đã qua sẽ không có gì nuối tiếc. Chúng ta không còn chèo xuồng trên sông như thuở nào, và chúng ta không buồn vì các con mình không được trải nghiệm điều đó. Trái lại, nếu chúng ta mãi mãi đi trên con đường nhỏ và chiếc thuyền con, chúng ta sẽ không chỉ bị bỏ lại phía sau mà còn bị xóa sổ bởi lịch sử.
Mới mấy mươi năm mà những bến tàu đầu mối tập trung ở đồng bằng đã biến mất, và những chuyến tàu dọc các con sông năm nào nay yên vắng tiếng máy nổ và còi tàu. Xe buýt và các loại xe khác đã thay thế gần như hoàn toàn giao thông đường thủy bởi tốc độ nhanh hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Người trung niên thỉnh thoảng bắt gặp tấm hình Bến tàu A, Bến tàu B của Cà Mau hồi ba mươi năm trước, xốn xang trong lòng nỗi nhớ tuổi thơ. Bến sông này mình từng lên xuống tàu để về quê những cuối tuần khi theo cha ra “chợ” học. Những chuyến tàu chiều chạy đến đêm mới tới nhà, dù nhà cách chợ chỉ ba mươi cây số. Nỗi nhớ mạnh đến nỗi nó rơi rụng giọt nước nơi khóe mắt, bần thần hồi lâu mà không biết bày tỏ cùng ai. Giữa chốn thị thành, người xưa đâu tá?
Tuổi của má ngày càng nhiều. Nên mỗi khi đoạn đường cao tốc nào hoàn thành, những đứa con luôn mừng vui chờ đợi. Đường giúp các con trở về nhà nhanh hơn, được ở lại lâu hơn và số lần về thăm má, thăm quê nhà cũng được nhiều hơn trong tuổi đời trăm năm đang ngắn dần của má.