(KTSG) - Theo Nghị quyết 31/2021/QH15 ngày 12-11-2021, Quốc hội đặt mục tiêu nâng quy mô thị trường cổ phiếu lên tối thiểu 85% GDP và thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP vào năm 2025. Việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược, đồng thời tăng cường niềm tin và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Chứng khoán tháng 12 - chờ dòng tiền lớn tham gia
- Thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài?
Những thay đổi chính trong Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính), tập trung vào ba nội dung chính:
Thứ nhất, nâng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chào bán chứng khoán riêng lẻ và ra công chúng. Bên cạnh đó, bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn đối với công ty đại chúng nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Thứ hai, tăng cường các quy định liên quan đến giám sát và xử lý các vi phạm. Luật mới hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo, thao túng thị trường. Nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên TTCK.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định nhằm thúc đẩy nâng hạng TTCK. Trong đó, tập trung vào tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) nhằm thúc đẩy nâng hạng. Đồng thời, một số quy định được nới lỏng, đặc biệt với hoạt động của quỹ đại chúng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và đối tượng tham gia thị trường.
Những sửa đổi này không chỉ hướng đến việc đưa TTCK Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế mà còn phấn đấu đạt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ trái phiếu như Nghị quyết 31/2021/QH15 đã đề ra.
Những thay đổi được nhà đầu tư mong chờ
Việc sửa đổi các quy định liên quan đến hành vi thao túng TTCK và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chứng khoán được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư. Đây là một bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi thao túng “trắng trợn” từng gây mất niềm tin và tổn hại nghiêm trọng đến tính minh bạch của thị trường trong quá khứ.
Ngoài ra, việc siết chặt phát hành cổ phiếu và trái phiếu không chỉ phân loại đúng tính chất rủi ro của từng sản phẩm, mà còn giúp bảo vệ chặt chẽ hơn cho đối tượng nhà đầu tư cá nhân. Trước đây, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ với rủi ro cao đã gây ra nhiều hệ lụy mà đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Không chỉ vậy, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ chiết khấu cho một số nhà đầu tư mà chỉ bị giới hạn trong khoảng một năm, điều này đã gây ra sự bất bình đẳng và thiệt hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Những thay đổi lần này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ lợi ích của nhóm nhà đầu tư này.
Luật mới không chỉ cải thiện môi trường đầu tư trong nước mà còn gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh dòng vốn ngoại đã bán ròng mạnh trong thời gian qua, việc Chính phủ trình Quốc hội triển khai cơ chế ban hành luật rút gọn cho thấy sự quyết tâm và nhanh chóng hành động, từ đó tạo niềm tin và kỳ vọng vào sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài.
Một điểm quan trọng không thể thiếu trong lần sửa đổi luật lần này liên quan đến vấn đề nâng hạng TTCK. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bốn thông tư trong đó có quy định không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu. Việc này chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm giúp TTCK Việt Nam đủ điều kiện để nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell, nhưng luật mới bổ sung thêm cơ chế triển khai đối tác bù trừ trung tâm (CCP) được xem là bước tiến quan trọng, là giải pháp lâu dài và bền vững theo thông lệ quốc tế.
Luật mới không chỉ cải thiện môi trường đầu tư trong nước mà còn gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh dòng vốn ngoại đã bán ròng mạnh trong thời gian qua, việc Chính phủ trình Quốc hội triển khai cơ chế ban hành luật rút gọn cho thấy sự quyết tâm và nhanh chóng hành động, từ đó tạo niềm tin và kỳ vọng vào sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường còn kỳ vọng gì?
Bên cạnh những tác động từ Luật Chứng khoán (sửa đổi), thì nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác:
Thứ nhất, các chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump (dự kiến tiết lộ vào đầu năm 2025) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại Việt Nam - Mỹ và biến động tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025 cũng là yếu tố được nhà đầu tư rất quan tâm. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng GDP ở mức khoảng 8% (cao hơn mục tiêu Quốc hội giao)(1) Giới đầu tư kỳ vọng vào việc đẩy mạnh đầu tư công và phục hồi của thị trường bất động sản, tuy nhiên sẽ là thiếu bền vững nếu như lĩnh vực bán lẻ và thương mại kém khởi sắc.
Thứ ba, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (khoảng 250.000 tỉ đồng), đặc biệt từ nhóm bất động sản, sẽ đáo hạn vào năm 2025. Cách xử lý thế nào và mức độ ảnh hưởng của vấn đề này sẽ tác động tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2025.
Nhìn chung, sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã nhận được đánh giá tích cực từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định vẫn tồn tại ở cả kinh tế thế giới và Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đáng kể.
(1) Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 8% - Tuổi Trẻ Online