(KTSG Online) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long vừa gửi văn bản số 7968 đến các cơ quan nhà nước, đề xuất phương án bố trí nhân sự phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Trong đó, bộ yêu cầu đảm bảo sau 5 năm, phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
- Thương mại điện tử tăng trưởng 20% trong năm 2024
- TPHCM còn hơn 1.000 nhà đất công bỏ trống nhiều năm
Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp cán bộ nhằm mục tiêu xây dựng một đội ngũ công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất và năng lực cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của các cơ quan, tổ chức.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải tuân thủ nghiêm túc các quy định, đồng thời phải gắn liền với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo phải dựa trên năng lực, kinh nghiệm và sự phù hợp với vị trí công tác, đồng thời phải gắn với quy hoạch cán bộ và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của tổ chức.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đảm bảo sau 5 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công viên chức dôi dư và thực hiện quản lý, sử dụng biên chế theo yêu cầu chung tại cơ quan, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp.
Trong hướng dẫn Bộ Nội vụ cũng nêu ra các định hướng sắp xếp cụ thể. Cụ thể, đối với chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Với chức danh do cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý theo phân cấp. Các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sáp nhập, hợp nhất phải chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sắp xếp, bố trí cán bộ.
Người đứng đầu mới phải là người có năng lực, uy tín và có thể đáp ứng được những thách thức của tổ chức sau khi sáp nhập, đồng thời quá trình lựa chọn phải đảm bảo tính dân chủ, lấy ý kiến đóng góp của tập thể.
Nhân sự được lựa chọn có thể ở trong hoặc ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất thành đơn vị mới đó.
Những người đứng đầu không còn đảm nhiệm vị trí cũ sẽ được bố trí vào các vị trí phù hợp hơn và được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định.
Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi đơn vị để quyết định số lượng cấp phó phù hợp. Người được chọn có thể là vị trí cấp phó tại đơn vị mới hoặc vị trí tương đương tại đơn vị khác.
Trước mắt, số lượng cấp phó sau sắp xếp có thể cao hơn quy định nhưng phải có phương án sắp xếp giảm số lượng trong vòng 5 năm, kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.
Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được bố trí vào những vị trí phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của mình, hoặc được điều động đến những đơn vị khác có nhu cầu. Ban đầu, số lượng biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có thể giữ nguyên nhưng trong vòng 5 năm phải giảm theo quy định.