Thứ sáu, 13/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất và địa chính trị chi phối quyết định đầu tư trong năm 2025

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xu hướng lãi suất giảm và các căng thương mại liên quan đến địa chính trị sẽ chi phối chiến lược đầu tư của giới quản lý tài sản toàn cầu trong năm 2025. Theo nhận định của các chuyên gia, trong môi trường như vậy, các tài sản như trái phiếu được xếp hạng đầu tư và cổ phiếu mang tính chu kỳ sẽ được hưởng lợi.

Xu hướng lãi suất giảm và rủi ro căng thẳng thương mại leo thang có thể chi phối chiến lược đầu tư của giới quản lý tài sản trong năm 2025. Ảnh: CNA

Trái phiếu chất lượng cao là tài sản tạo thu nhập hấp dẫn

Lãi suất chính sách trên toàn cầu có thể đã đạt đỉnh khi các ngân hàng trung ương lớn tập trung vào nới lỏng tiền tệ, theo đánh giá của Bhaskar Laxminarayan, giám đốc đầu tư và người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư ở châu Á của  ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ).

“Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ ngần ngại giảm lãi suất nhanh chóng trừ khi tăng trưởng suy sụp hoặc xảy ra biến cố tài chính lớn”, ông nói và cho biết thêm, có những ẩn số khó lường có thể tác động đến các thị trường, bao gồm tranh chấp thương mại có thể gia tăng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, cũng như sức mạnh của nền kinh tế và đồng đô Mỹ có thể dẫn đến lạm phát và lãi suất tăng cao hơn.

Chuyên gia đầu tư này khuyến nghị tăng tiếp xúc với nhóm cổ phiếu công nghiệp mang tính chu kỳ thuộc nhóm ngành sản xuất thiết bị và máy móc và cổ phiếu ngành vận tải. Đây là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong một chu kỳ phục hồi tăng trưởng.

Trong báo cáo triển vọng đầu tư cho năm tới, nhóm nhà phân tích của ngân hàng UBS nhận định, khi lãi suất dự kiến giảm, sức ép lên các hộ gia đình nợ nần nhiều ở Mỹ cũng giảm bớt, giúp cải thiện điều kiện kinh doanh ở những khu vực nhạy cảm với lãi suất của nền kinh tế.

“Dù thuế quan mà chính quyền mới dự kiến triển khai trong thời gian tới có thể tạm thời đẩy tăng lạm phát, chúng tôi tin rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình giảm lãi suất. Fed có thể hạ lãi suất 100 điểm cơ bản (1 điểm phần trăm) trong năm 2025”, nhóm nhà phân tích dự báo.

Họ cũng kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn khác giảm thêm lãi suất trong năm tới, khiến lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng giảm.

Để duy trì thu nhập cho danh mục đầu tư, nhóm nhà phân tích của UBS khuyến nghị nắm giữ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư. Nắm giữ các trái phiếu này sẽ mang lại thu nhập từ lợi suất cũng như mức tăng giá tài sản.

Johanna Kyrkdund, giám đốc đầu tư của hãng quản lý tài sản Schroders (Anh), cho rằng khi nền kinh tế toàn đang đang chuyển tiếp sang giai đoạn phục hồi, nhà đầu tư nên bổ sung trái phiếu vào danh mục tài sản để đa dạng hóa.

“Một lần nữa, trái phiếu là tài sản tạo thu nhập hấp dẫn, đặc biệt là nhờ mức lợi suất cao mà chúng ta đang chứng kiến”, bà nói.

Căng thẳng địa chính trị làm nổi bật vàng và năng lượng

Các căng thẳng địa chính trị trong một thế giới đa cực cũng sẽ tác động đến các quyết định đầu tư. Theo Kyrklund, xung đột ở Trung Đông và Ukraine tạo ra trạng bất ổn và làm nổi bật tầm quan trọng của các thị trường hàng hóa như vàng và năng lượng như là nơi trú ẩn tài sản an toàn.

“Các tài sàn trên thị trường tư nhân như hạ tầng và bất động sản cũng có triển vọng nổi bật hơn nhờ tạo dòng tiền ổn định trong dài hạn”, bà nói.

Tuy nhiên, những ngành dựa vào xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đối mặt khó khăn nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện kế hoạch áp thuế quan như ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Hôm 26-11, vị tổng thống tương lai của nước Mỹ tuyên bố rằng, ông sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời tăng thuế thêm 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kyrklund cũng bày tỏ quan điểm thận trong đối với những ngành tăng trưởng cao như công nghệ, có thể chịu áp lực khi lợi suất trái phiếu tăng, khiến chi phí vay đắt đỏ hơn. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư có thể điều chuyển vốn vào các công cụ thu nhập cố định trả lợi suất cao.

Báo cáo của nhóm nhà phân tích ở ngân hàng Morgan Stanley dự báo, nền kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ đối mặt áp lực lớn hơn nếu Mỹ áp thuế vào các ngành như bán dẫn, công nghệ thông tin và ô tô. Riêng ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do phần lớn doanh thu của các hãng xe của nước này ở Bắc Mỹ tạo ra từ các nhà máy đặt ở khu vực này.

Nhóm nhà phân tích của Morgan Stanley bi quan đối với ngành bán dẫn và công nghệ thông tin sau khi cổ phiếu của hai ngành này đạt các mức định giá cao kỷ lục vào giữa năm. “Các biện pháp bảo hộ thương mại có thể tác động đến những ngành này mạnh hơn bất kỳ ngành nào trong danh mục tài sản theo dõi của chúng tôi”, báo cáo nhận định.

Các nhà phân tích của UBS cũng có quan điểm bi quan tương tự đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc nhưng lưu ý rằng, kế hoạch xử lý khối nợ địa phương 10.000 tỉ nhân dân tệ được Bắc Kinh thông báo hồi tháng trước sẽ giúp giảm nhẹ các rủi ro.

Theo Business Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới