(SGTT) - Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Hiện tại, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý và kỹ thuật để dự án được nghiệm thu và đi vào hoạt động. Dự kiến, metro số 1 chính thức vận hành thương mại từ ngày 22-12-2024.
- Metro Bến Thành – Suối Tiên vận hành thử đợt cuối với 200 chuyến/ngày
- HĐND TPHCM thông qua chính sách miễn phí vé metro trong tháng đầu tiên khai thác
Tuyến metro số 1 bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức), gồm ba ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son và 11 ga trên cao. Dự án có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, bao gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng.
Với tốc độ tối đa 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn ngầm), tàu di chuyển giữa các ga mất khoảng 1-2 phút. Hành trình từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên khoảng 30 phút, bao gồm cả thời gian dừng tại ga.
Trong các khung giờ cao điểm từ 6 đến 8 giờ, từ 11 đến 12 giờ và từ 15 giờ 30 đến 18 giờ, tàu sẽ hoạt động với tần suất 8 phút mỗi chuyến và sử dụng 9 đoàn tàu. Trong các khung giờ còn lại, tần suất là 12 phút mỗi chuyến với 6 đoàn tàu.
TPHCM đã công bố bảng giá vé cho tuyến metro số 1, bao gồm vé lượt và vé theo thời gian. Giá vé lượt dao động từ 7.000 đến 20.000 đồng/lượt, tùy theo quãng đường. Nếu thanh toán không dùng tiền mặt thì giá vé sẽ rẻ hơn 1.000 đồng/lượt.
Giá vé 1 ngày là 40.000 đồng/người/vé và giá vé 3 ngày là 90.000 đồng/người/vé không hạn chế số lượt đi. Giá vé tháng là 300.000 đồng/tháng, riêng học sinh và sinh viên được giảm 50% giá vé.
TPHCM sẽ hỗ trợ 100% giá vé cho hành khách sử dụng tàu điện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bắt đầu khai thác thương mại, đồng thời, hỗ trợ 100% giá vé cho khách đi các tuyến xe buýt kết nối metro số 1.
Bên cạnh đó, thành phố cũng có chính sách hỗ trợ 100% giá vé cho người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi khi đi sử dụng tàu điện và xe buýt.
Theo UBND TPHCM, việc áp dụng miễn phí cho toàn bộ hành khách trong khoảng thời gian đầu vận hành nhằm tạo điều kiện cho người dân trải nghiệm sử dụng phương tiện đường sắt đô thị, khuyến khích và hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân.
Hai loại vé chính được áp dụng là vé lượt và vé bán trước. Vé lượt cho phép đi một lượt trên tuyến metro trong ngày. Vé bán trước dành cho người thường xuyên, áp dụng cho một hoặc nhiều tuyến khác nhau với thời gian từ một ngày trở lên.
Khách hàng có thể thanh toán không tiền mặt bằng thẻ ngân hàng, thẻ Visa/Mastercard, ứng dụng di động hoặc quét mã QR. Hành khách cần chú ý tìm hiểu về cách mua vé, thanh toán... để mua vé hợp lệ, phù hợp với nhu cầu đi lại của mình.
Hành khách được cung cấp thẻ vé để vào và ra cổng soát vé tại các ga. Trường hợp khách có nhu cầu đi xa hơn điểm đến trên vé đã mua, hay gặp sự cố với vé thì mua vé bổ sung nếu đã đi quá ga (hoặc không có vé hợp lệ ra cửa).
Các nhà ga tuyến metro số 1 được trang bị Wifi, tạo trải nghiệm tiện ích tối ưu cho hành khách. Lối đi và thang máy có đường ưu tiên cho xe lăn, xe đẩy, hỗ trợ người khuyết tật, người lớn tuổi, và trẻ nhỏ.
Trên tàu, có ghế ưu tiên cho phụ nữ mang thai, người già, cùng thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. Buồng lái rộng rãi, có cửa thoát hiểm. Cửa ga tự động kèm loa thông báo khi tàu đến.
Hệ thống màn hình tại ga và trên tàu hiển thị lộ trình, điểm dừng và thông báo quan trọng, hỗ trợ người khiếm thính. Mỗi ga đều có nhà vệ sinh sạch sẽ, được dọn dẹp thường xuyên, với nhiều thùng rác đảm bảo vệ sinh và mỹ quan.
Thành phố đã triển khai 17 tuyến xe buýt, với 150 xe điện kết nối với metro số 1. Màu chủ đạo của những chiếc xe buýt này là màu xanh và vàng, họa tiết hoa hướng dương.
Những tuyến buýt gom này không chỉ kết nối các ga metro với khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, mà còn tới các trung tâm thương mại và các trường đại học, cao đẳng thuộc các khu vực như thành phố Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1...
Bên cạnh xe buýt, khách có thể đến các ga metro bằng xe đạp công cộng. Hiện TPHCM đã có 43 trạm xe đạp công cộng, trong đó có 3 trạm gần ga Bến Thành là tại đường Hàm Nghi, Lê Lợi và Lê Lai.
Ngoài ra, hành khách cũng có thể di chuyển bằng các tuyến buýt hiện hữu có kết nối metro (tuyến số 1, 3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152 và D4), taxi, và các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Be, Xanh SM...
Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM, metro Bến Thành - Suối Tiên có năm bãi giữ xe tổng diện tích hơn 5.000m² cạnh các nhà ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái. Riêng ga Văn Thánh, Bình Thái được bổ sung thêm 2 bãi đậu xe buýt với tổng diện tích khoảng 3.000m².
Ga Thảo Điền xây dựng bãi giữ xe với diện tích khoảng 1.000m² và kết nối trực tiếp với cầu đi bộ vào nhà ga. Bãi giữ xe tại ga Thảo Điền có sức chứa từ 400 đến 500 xe máy và có 2 nhà vệ sinh.
Cách ga Thảo Điền khoảng 2,7 km là ga Rạch Chiếc. Nhà ga này cũng được xây dựng bãi xe với diện tích khoảng 1.500 m². Ga Phước Long có bãi để xe cá nhân với diện tích 1.000 m². Lối vào bãi xe được thiết kế 2 chiều ra vào riêng biệt; ga Bình Thái có bãi xe buýt khoảng 3.000 m² và bãi xe cá nhân với diện tích 1.000 m².
Đại diện Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến, đến 20-12 các bãi xe sẽ hoàn thành. Ngoài các bãi xe, TPHCM cũng bổ sung thêm 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt tại 11 vị trí lân cận các nhà ga metro và dọc hai bên các tuyến đường thuộc mạng lưới xe buýt kết nối với metro.
Ngay từ khi mở cửa, nên bán vé 0đ nhưng bố trí đủ người hướng dẫn người dân cách:
– Mua vé
– Xếp hàng
– Lên xuống
…
Là một cách để huấn luyện người dân.
Trân trọng,