(KTSG) - Việc tuân thủ các quy định về thuế có thể là cách xây dựng thương hiệu hữu hiệu mà nhiều doanh nghiệp Việt đã đạt được, nhưng ít ai để ý…
- Nhà bán hàng online cần làm gì để không bỏ sót nghĩa vụ thuế?
- Ngành thuế thành lập tổ công tác hỗ trợ các sàn thương mại điện tử
Nhiều doanh nghiệp lữ hành và du lịch Việt Nam đã cố gắng tham gia và đoạt các giải thưởng du lịch ở quy mô khu vực và quốc tế. Một trong những tiêu chí “khó nhằn” là ban tổ chức các giải thưởng uy tín thường đòi hỏi các hãng Việt Nam nộp bằng chứng hay báo cáo là không nợ trong ba tháng gần nhất chẳng hạn.
“Khi chúng tôi đoạt những giải này, thì khách hàng quốc tế tìm đến. Gián tiếp mà nói thì tuân thủ đúng các quy định thuế lại mang đến các cơ hội tiếp thị, khách hàng mới…”, ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc TST Tourist, phát biểu tại một diễn đàn về thương hiệu ở TPHCM hồi tháng 8-2024.
Các giải thưởng trong nước cũng có tiêu chí tương tự.
Trong đợt xét chọn Thương hiệu quốc gia năm 2024 do Bộ Công Thương thực hiện, một trong những yêu cầu để được xét duyệt là doanh nghiệp phải được xác nhận đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế. Có thể nhắc đến tính tuân thủ và các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) ở giải Thương hiệu vàng TPHCM do Sở Công Thương TPHCM và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thực hiện.
Việc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho thấy doanh nghiệp là đối tác kinh doanh đáng tin cậy, tạo ấn tượng tốt với khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý nhà nước. Minh bạch về tài chính cũng giúp tăng cường lòng tin của công chúng với thương hiệu, đặc biệt khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp, mà thực hiện đúng nghĩa vụ thuế là phần quan trọng của CSR. Ngân hàng Thế giới (WB) nói hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng sẽ thu hút được sự ủng hộ của khách hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt so với các đối thủ khác.
Hầu hết doanh nghiệp Việt có vẻ chỉ xem xét đến chuyện hoàn thành việc đóng thuế là một nghĩa vụ, một sự bắt buộc nên khá lạ lẫm với ý nghĩ rằng “đóng thuế” là công cụ hiệu quả xây dựng thương hiệu, dù rằng nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cụm “nộp ngân sách nhà nước” rất rõ ràng trong các thông cáo gửi báo chí.
Mười năm trước, Nielsen cũng từng có một khảo sát người tiêu dùng, cho thấy người tiêu dùng quan tâm đến các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, bao gồm cả việc đóng thuế đầy đủ. Ngay thời điểm đó, 55% số người trả lời khảo sát toàn cầu của Nielsen nói họ sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm và dịch vụ của các công ty cam kết tạo ảnh hưởng xã hội và môi trường.
Năm 2024, khảo sát của PwC nói 80% số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tính bền vững cao. Khảo sát của tạp chí Speciality Food Magazine chỉ ra 10% những người tham gia khảo sát ở độ tuổi 24-35 nói rằng sẽ trả thêm đến 50% cho những sản phẩm bền vững…
Tuân thủ chính sách thuế đã trở thành gánh nặng lớn hơn đối với doanh nghiệp. Lợi nhuận của công ty có thể giảm đáng kể. Tuy vậy, việc tuân thủ các điều khoản của luật thuế, việc giải quyết nhanh chóng các khoản nợ thuế sẽ giúp doanh nghiệp tránh những vụ thanh tra, kiểm toán rắc rối của ngành thuế. Rủi ro phải trả các khoản tiền phạt và lãi suất lớn đối với các khoản thuế chưa nộp nên được cân nhắc so với “lợi nhuận tiết kiệm được” bằng cách không nộp hay lách thuế.
Ở các nước Âu Mỹ, thuế doanh nghiệp đã trở thành mối quan tâm của công chúng, nhất là những người thực hiện nghiêm túc chuyện nộp thuế. Cuối năm 2012, theo PwC, Starbucks tuyên bố rằng sẽ tự nguyện đóng nhiều thuế hơn ở Anh so với nghĩa vụ phải đóng sau một loạt các báo cáo tiêu cực trên phương tiện truyền thông về các thỏa thuận thuế. Starbucks cũng đứng trước mối đe dọa bị khách hàng tẩy chay. “Thuế đã trở thành một vấn đề về danh tiếng”, các kiểm toán viên PwC kết luận.
Vậy khi nào thì chuyện hoàn thành nghĩa vụ thuế trở thành công cụ hiệu quả xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp?
Các chuyên gia thương hiệu quốc tế cho rằng doanh nghiệp cần đăng tải thông tin về hoàn thành nghĩa vụ thuế trên trang web, mạng xã hội và báo cáo thường niên. Bên cạnh đó là việc thực hiện các hoạt động CSR. Doanh nghiệp cũng cần tạo ra câu chuyện thương hiệu khi doanh nghiệp và nhân viên cùng hoàn thành nghĩa vụ thuế… Tuy vậy, với một thương hiệu thành công, doanh nghiệp còn cần phải chú ý đến nhiều yếu tố khác như chất lượng sản phẩm và dịch vụ, chính sách tiếp thị, bán hàng và dịch vụ hậu mãi…