(KTSG) - Hai thách thức hay thế lưỡng nan trọng yếu mang tính tổng thể cần giải quyết hiện nay chính là: mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, và giữa tăng trưởng ngắn hạn và phát triển dài hạn. Những thế lưỡng nan này không chỉ đặt ra câu hỏi về chính sách, mà còn thách thức tầm nhìn và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo trong việc đưa đất nước vượt qua ngưỡng phát triển hiện tại để tiến tới bền vững.
Việt Nam, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường từ cuối thập niên 1980, đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, như tác giả đã từng phân tích trong một số bài viết, hành trình phát triển này không hề bằng phẳng, mà chứa đựng những thế lưỡng nan lớn. Một mặt, tăng trưởng kinh tế đã tạo ra của cải và việc làm, đồng thời củng cố uy tín của chính quyền. Mặt khác, nó cũng để lại những hệ lụy như vấn nạn tham nhũng, phá hủy môi trường và bất bình đẳng gia tăng.
Trong liên tục các bài viết, tác giả cũng đã chỉ ra những mâu thuẫn trong các lĩnh vực quan trọng như chống tham nhũng, tư nhân hóa và quản trị doanh nghiệp. Ví dụ, trong nỗ lực chống tham nhũng, các nhà lãnh đạo thường đối mặt với “lưỡng nan thông tin” - khi hệ thống thiếu minh bạch sẽ khiến việc truy vết các hành vi tham nhũng trở nên khó khăn và “lưỡng nan thực thi” - khi lực lượng chấp pháp vừa là người thực thi vừa có thể là đối tượng bị điều tra. Tương tự, quá trình tư nhân hóa, dù giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng tạo điều kiện cho lợi ích nhóm thao túng và làm bất công bằng và xói mòn lòng tin người dân.
Hai thế lưỡng nan trọng yếu trong phát triển bền vững ở Việt Nam
Trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về phát triển bền vững. Hai thách thức nổi bật và bao trùm chính là: thứ nhất, mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, và thứ hai, giữa (tư duy) tăng trưởng ngắn hạn và phát triển dài hạn. Đây không chỉ là những vấn đề về chính sách, mà còn là bài toán về sự cân bằng giữa các ưu tiên, đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt.
Lợi ích cá nhân và lợi ích chung: vòng xoáy mâu thuẫn
Sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào cũng phải cân bằng giữa các nhu cầu cá nhân và lợi ích chung của xã hội. Tại Việt Nam, vòng xoáy mâu thuẫn này càng trở nên phức tạp khi lợi ích cá nhân - dưới dạng lợi nhuận của doanh nghiệp, quyền lực của giới chủ, hay sự tham nhũng của một bộ phận quan chức - có nguy cơ lấn át các lợi ích chung. Hệ quả là, thay vì tạo ra sự thịnh vượng và công bằng, các tài nguyên quốc gia bị lạm dụng, môi trường bị tàn phá, và phúc lợi xã hội bị thu hẹp.
Ví dụ điển hình có thể thấy trong lĩnh vực bất động sản, khi một số doanh nghiệp và quan chức tìm cách tối đa hóa lợi ích cá nhân bằng cách chuyển đổi đất nông nghiệp hoặc rừng thành khu đô thị và dự án nghỉ dưỡng, phân lô bán nền khi còn tranh chấp sở hữu. Điều này không chỉ gây mất cân bằng hệ sinh thái mà còn khiến hàng ngàn người dân mất đất canh tác, nhiều người mất nhà, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội. Một ví dụ khác là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như than đá hoặc cát, phục vụ cho tăng trưởng công nghiệp ngắn hạn nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sống và an ninh nguồn nước của cộng đồng. Ngoài ra, còn nhiều ví dụ liên quan về quản lý đầu tư công, cấp phép dự án, quy hoạch thiếu tầm nhìn dẫn đến thất thoát và tham ô.
Những thách thức này không chỉ là bài toán cho các nhà hoạch định chính sách, mà còn là lời kêu gọi hành động cho toàn xã hội. Chỉ khi lợi ích cá nhân được kiểm soát, chất lượng quản trị được nâng cao, thông qua văn hóa, giáo dục, sự đầu tư phát triển được gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu dài hạn, Việt Nam mới có thể hướng tới một tương lai thịnh vượng và công bằng, nơi mọi người dân đều có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển.
Điều gì đã dẫn đến tình trạng này? Động cơ trọng quyền lợi ngắn hạn chính là một phần nguyên nhân. Các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, trong khi một số quan chức lợi dụng quyền lực để trục lợi cá nhân. Hơn thế nữa, sự yếu kém trong quản lý, trình độ quản trị nhà nước hạn chế và thiếu minh bạch đã tạo điều kiện cho tham nhũng và lợi ích nhóm phát triển.
Vậy làm thế nào để cân bằng được giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung? Giải pháp không chỉ nằm ở việc xây dựng các cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình, mà còn phải cải cách toàn diện hệ thống tư pháp để đảm bảo rằng quyền lực được kiểm soát và pháp luật được thực thi một cách công bằng. Quan trọng hơn, việc nâng cao trình độ quản trị nhà nước, đạo đức và trách nhiệm xã hội của đội ngũ lãnh đạo - đặt lợi ích quốc gia và người dân lên hàng đầu - sẽ là chìa khóa để giảm thiểu những mâu thuẫn này.
Các nhà lãnh đạo cần chú trọng vào việc xây dựng di sản tích cực cho đất nước, thay vì tập trung vào việc vun vén tài sản cá nhân hay gia đình. Ý thức sâu sắc về trách nhiệm để lại một di sản phát triển bền vững sẽ là động lực giúp hạn chế tham nhũng và tư lợi, đồng thời tạo nên lòng tin trong xã hội. Ý thức này không tự nhiên có, mà phải qua hệ thống giáo dục nhân bản, chính trực và ít giáo điều, chú trọng thái độ đối với tri thức trong phụng sự tha nhân, xã hội chứ không chỉ tích lũy tri thức một cách máy móc, ích kỷ và trọng thành tích.
Trong chiến lược quốc gia tổng thể, Nhà nước cần ý thức vai trò của mình trong các lĩnh vực đảm bảo sức khỏe người dân cũng như phát triển cả trí tuệ và nhân phẩm nhằm hướng tới phát triển bền vững và dài hạn là giáo dục, y tế và môi trường. Gia tăng đầu tư ngân sách cho các lĩnh vực này cũng như khuyến khích tinh thần phi lợi nhuận, trách nhiệm xã hội đối với việc đầu tư vào giáo dục, y tế và môi trường không chỉ giúp gia tăng phúc lợi xã hội mà còn tạo ra nền tảng phát triển bền vững.
Tăng trưởng ngắn hạn và phát triển dài hạn: lựa chọn khó khăn
Trong khi đó, thách thức giữa tăng trưởng ngắn hạn và phát triển dài hạn cũng không kém phần gay gắt. Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể, nhưng phần lớn sự tăng trưởng này lại dựa vào các yếu tố ngắn hạn như đầu tư nước ngoài, phát triển bất động sản, hoặc khai thác tài nguyên. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động và hạn chế khả năng tự chủ để phát triển bền vững.
Ví dụ, sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp thân hữu đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là động lực của nhiều nền kinh tế phát triển. Đồng thời, việc thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) khiến Việt Nam phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, thay vì phát triển khả năng sáng tạo và đổi mới trong nước. Một trường hợp khác là việc thiếu kiểm soát trong phát triển thị trường bất động sản, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chuyển hướng từ các lĩnh vực nền tảng sang đầu cơ bất động sản, gây mất cân đối trong nền kinh tế và không đóng góp vào sự phát triển lâu dài.
Để vượt qua thách thức này, cần ưu tiên đầu tư vào con người. Giáo dục, y tế lại là những lĩnh vực then chốt. Giáo dục không chỉ là nền tảng để phát triển trí tuệ mà còn giúp hình thành lực lượng lao động sáng tạo, có khả năng thích nghi với những thay đổi của nền kinh tế. Đầu tư cho y tế đảm bảo sức khỏe thể chất của người dân, trong khi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần, tạo nên một xã hội lành mạnh và gắn kết. Song song đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ, và kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng nỗ lực khuyến khích chuyển giao công nghệ là những bước đi quan trọng để nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế.
Hướng đi tổng thể: cân bằng và tích hợp
Hai thế lưỡng nan này không tồn tại độc lập, mà thực chất là hai mặt của một vấn đề lớn hơn: làm thế nào để phát triển kinh tế mà không đánh mất sự bền vững về xã hội và môi trường. Để giải quyết, cần một chiến lược phối hợp chặt chẽ giữa các giải pháp. Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình không chỉ giúp kiềm chế tham nhũng, mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. Định hướng lại các ưu tiên tăng trưởng, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, sẽ giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai. Đặc biệt, đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, y tế và văn hóa như đã phân tích không chỉ tạo ra những công dân có năng lực, trách nhiệm mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.
Những thách thức này không chỉ là bài toán cho các nhà hoạch định chính sách, mà còn là lời kêu gọi hành động cho toàn xã hội. Chỉ khi lợi ích cá nhân được kiểm soát, chất lượng quản trị được nâng cao, thông qua văn hóa, giáo dục, sự đầu tư phát triển được gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu dài hạn, Việt Nam mới có thể hướng tới một tương lai thịnh vượng và công bằng, nơi mọi người dân đều có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển.
(*) Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe, Đại học Kinh tế TPHCM