(KTSG Online) - Trong năm 2024, các hoạt động livestream bán hàng, tiếp thị liên kết… được đẩy mạnh, tạo thành kênh bán hàng quan trọng. Tuy vậy, trước các chính sách thay đổi liên tục từ sàn thương mại điện tử, một số doanh nghiệp đang tìm cách tăng lợi thế cạnh tranh và tạo sân chơi riêng để duy trì doanh số theo hướng phát triển bền vững.
- Nhân sự kiện Temu, bàn cách để hàng Việt tham gia các sàn TMĐT xuyên biên giới
- Truy thu thuế và phạt gần 300 tỉ đồng từ hoạt động livestream bán hàng
Livestream đã thành kênh phân phối chính thức
Theo thống kê từ Metric, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử phổ biến đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, đại diện Haravan, nền tảng cung cấp các giải pháp bán hàng trực tuyến đa kênh, cho rằng sự tăng trưởng này dựa trên 3 yếu tố cơ bản. Đó là, là hành vi của người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm online; sự trợ giá tốt, ưu đãi và hỗ trợ bán hàng, giúp các nhà bán dễ dàng tiếp cận khách hàng trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội. Cùng với đó, các nhà kinh doanh và doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng thích nghi công nghệ nhanh chóng.
Thống kê từ nhiều nền tảng TMĐT và các đơn vị phân tích (bao gồm Accesstrade và các công ty nghiên cứu thị trường) cho thấy, số lượng và tần suất livestream đã tăng đáng kể so với năm ngoái. Điều này đặc biệt rõ nét ở các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, công nghệ và các sản phẩm thuộc mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt dẫn đến việc các nhà bán sẽ cần phải tổ chức phiên livestream thường xuyên hơn, đều đặn hơn, trung bình từ 2-4 lần/tuần đối với các thương hiệu lớn và có thể lên đến hàng chục lần mỗi tháng với các nhà bán lẻ vừa và nhỏ. Trong đó, khó có thể thiếu được các phiên livestream đặc biệt, key livesteram hay mega livestream (là các dạng livestream có đầu tư về chất lượng, thời gian và sự tham gia của các KOC/KOL) ở những ngày trọng điểm cần sự đầu tư lớn cả về ngân sách và nguồn lực.
Cũng theo Accesstrade Việt Nam, livestream đã được xem là một kênh phân phối chính thức. Nhiều thương hiệu lớn, đặc biệt là những thương hiệu trong ngành thời trang và mỹ phẩm đã đưa livestream vào chiến lược bán hàng chủ đạo. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, livestream không chỉ là kênh phụ trợ mà còn là kênh chính mang về từ 30-50% doanh thu hàng tháng.
Có những mảng như gia dụng, trước đó được cho là khó bán trên livestream nhưng hiện tại, không ít thương hiệu đã bán tốt qua kênh này. Ở nhiều nơi, khi kết hợp với các chương trình khuyến mãi hoặc tung sản phẩm mới, doanh số bán hàng từ livestream đã chiếm hơn 60% trong tổng doanh thu của các kênh bán trực tuyến.
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích Thị trường, YouNet ECI, cho biết theo các kết quả trong Báo cáo dữ liệu thị trường thương mại điện tử Việt Nam do công ty này và YouNet Media thực hiện, có 3 điểm nhấn cho thấy sự chuyển mình của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2024, đồng thời đặt nền móng cho các bước tiến xa hơn trong những năm tới.
Đó là, kết quả khảo sát cho thấy 62,8% người tiêu dùng số tại Việt Nam hiện mua sắm trực tuyến hàng tuần. Mua sắm giải trí cũng trở thành xu hướng bùng nổ với thống kê chỉ ra 51% người trẻ thuộc thế hệ trẻ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới. Có 55% thường xuyên tham khảo từ các KOL, KOC (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với từ 10.000 đến 100.000 người theo dõi) trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Đây là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp giữa giải trí và mua sắm trong hành vi tiêu dùng.
Theo tính toán dựa trên dữ liệu, YouNet ECI dự báo đến 2028, giá trị giỏ hàng đồ điện tử trên TMĐT có thể đạt mức 5,3 triệu đồng/đơn hàng, tăng 150% so với năm 2023. Tương tự, giá trị giỏ hàng ngành điện gia dụng đến 2028 cũng có tiềm năng tăng 117% so với năm 2023.
Doanh nghiệp hướng đến xây thêm kênh bán hàng riêng
Với hàng chục ngàn phiên livestream giảm giá, khuyến mãi hàng hóa diễn ra mỗi tháng trong năm qua, các thương hiệu đánh giá đây chính là hình thức tiếp cận đến đông đảo khách hàng tối ưu chi phí, hiệu quả. Tuy vậy, đây không phải là con đường tiếp cận bền vững với biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp.
“Các chi phí chiết khấu vẫn đang tăng lên trên mọi nền tảng trong khi đó hàng hóa đủ mọi phân khúc giá cả tràn lan. Người mua thường so sánh giá, canh khuyến mãi để được giá tốt, nhà bán hàng nhỏ như tôi cũng phải nhập cuộc nên việc bán lấy số lượng bù doanh thu vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy vậy, việc bù lỗ là điều không khả thi về lâu dài”, anh Nguyễn Tất Phát, một nhà bán hàng thời trang trẻ em trên các nền tảng thương mại điện tử nói.
Ông Đoàn Quốc Tài, Trưởng phòng Thương mại điện tử của hãng chăm sóc da DrCeutics cho biết doanh thu từ các nền tảng online chiếm 30% tổng doanh thu, lượng đơn ước tính 5.000-6.000 đơn/ngày. Đây là kết quả của quá trình kết hợp nhiều chiến lược lại với nhau như tạo các kênh thông tin chia sẻ kiến thức về làm đẹp da miễn phí, đầu tư mạnh vào kênh tiếp thị liên kết nhỏ lẻ, xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng với chính sách đổi trả hàng, tư vấn cách dùng, triển khai các ứng dụng chatbox, chatGPT để cân bằng nguồn lực con người và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông Tài, để lượng khách hàng quay lại tăng cao, giá sản phẩm hợp lý là điều quan trọng nhưng không nên lạm dụng việc cắt lỗ để giảm giá. Hiện tại doanh nghiệp có lợi thế tự sản xuất, tự chủ động nguyên liệu nên tối ưu được chi phí sản phẩm.
“Nhằm hài hòa lợi ích giữa các kênh bán sỉ và lẻ, chúng tôi duy trì chính sách không giảm quá 10% giá sản phẩm vào những ngày khuyến mãi, ngày lễ hội mua sắm. Các kênh bán trên sàn là kênh tiếp thị, chúng tôi cố gắng có nhiều chính sách riêng cho khách hàng khi họ về website của nhãn hàng mua hàng”, anh nói.
Chia sẻ với KTSG Online, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết trong bối cảnh các nền tảng ngập tràn khuyến mãi liên tục như hiện nay, để cạnh tranh bền vững, các nhà bán hàng Việt Nam cần lưu ý đa dạng kênh bán hàng, không tập trung hoàn toàn vào một nền tảng, hướng đến xây dựng các kênh bán hàng do mình sở hữu. Đồng thời, chủ kinh doanh nên xây dựng thương hiệu, tập trung tổng hợp tệp dữ liệu khách hàng và sở hữu thông tin người mua.
Ông Nguyễn Phương Lâm, đại diện YouNet ECI để duy trì sự quan tâm của khách hàng trong dài hạn, các doanh nghiệp và nền tảng TMĐT cần tối ưu hóa mô hình mua sắm giải thí thông qua cá nhân hóa nội dung, cập nhật và tích hợp các xu hướng (trong nước và quốc tế) vào hoạt động làm thương hiệu và thiết kế sản phẩm, đảm bảo chất lượng dịch vụ trước và sau mua hàng.
Để có thể phối hợp giữa 2 kênh bán hàng truyền thống và hiện đại, nhà bán hàng cần lưu tâm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng mua sắm đồng nhất và liền mạch. Nhà bán hàng nên sử dụng hệ thống quản lý đơn hàng và tồn kho tích hợp để theo dõi và điều phối hàng hóa giữa các kênh, phía Metric nói thêm.
Bà Hoàng Thị Kim Đắc, chủ doanh nghiệp Yến Sào Hoàng Kim, cho biết không thể bỏ qua kênh bán trực tuyến hiệu quả với doanh thu tăng trưởng 30%. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ hoàn thiện nhà xưởng livestream đồng thời sản xuất thêm những mặt hàng và gói sản phẩm phù hợp với kênh này.
“Chúng tôi sẽ cân đối ngân sách phù hợp để tham gia các phiên livestream bán hàng hay các chương trình khuyến mãi lớn chứ không đi theo con đường hạ giá sản phẩm để tự giết chết doanh nghiệp”, bà nói.