KTSG Online) – Từ Brazil đến Hàn Quốc, các ngân hàng trung ương tại khu vực thị trường mới nổi đang xoay xở đủ mọi cách để ổn định tỷ giá khi sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ đẩy giá đồng tiền ở những thị trường này xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Sự sụt giảm nhanh chóng của đồng nội tệ có nguy cơ trầm trọng tác động của lạm phát nhập khẩu đối với các thị trường đó và cũng có thể làm tăng chi phí trả nợ đối với các khoản nợ nước ngoài.
- Tiền tệ các thị trường mới nổi thấp nhất 14 năm qua
- Đô la lên, vàng xuống khi Fed phát tín hiệu giảm lãi suất chậm lại
Hôm 20-12, Thống đốc Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) Eli Remolona cho biết, BSP đang theo dõi chặt chẽ sự sụt giảm của đồng peso và tăng cường can thiệp vào thị trường tiền tệ. Trong tuần qua, Ngân hàng trung ương Brazil (BCB) chi 17 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ đồng real. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) tuyên bố sẽ bảo vệ đồng rupiah một cách mạnh mẽ để tạo niềm tin cho thị trường. Tại châu Âu, ngân hàng trung ương Hungary (HNB) tăng lãi suất của hợp đồng hoán đổi ngoại tệ để xoa dịu thị trường.
Hôm 19-12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo sẽ tiến hành ít đợt cắt giảm lãi suất hơn vào năm tới và báo hiệu mối lo ngại về việc lạm phát đang quay trở lại. Thông điệp này đã đẩy giá đồng đô la Mỹ so với một rổ sáu ngoại tệ mạnh tăng lên cao nhất kể từ năm 2022.
Các nhà chức trách ở các nền kinh tế đang phát triển đang ở thế phòng thủ khi sức mạnh của đồng bạc xanh tàn phá thị trường toàn cầu.
Trong tuần qua, đồng won của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm, trong khi đồng rupee của Ấn Độ và đồng real của Brazil rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Sự sụt giảm nhanh chóng của đồng nội tệ có nguy cơ làm gia tăng áp lực lạm phát nhập khẩu đối với các thị trường mới nổi và làm tăng chi phí trả nợ đối với các khoản nợ nước ngoài.
“Thật khó để chống lại xu hướng mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ. Sự can thiệp trong một môi trường như vậy chỉ có thể làm chậm tốc độ mất giá của đồng nội tệ. Dù vậy, các ngân hàng trung ương vẫn có thể phải sử dụng kết hợp các công cụ can thiệp bằng lời nói và hành động thực tế”, Christopher Wong, nhà chiến lược tiền tệ của ngân hàng OCBC ở Singapore bình luận.
Chỉ số tiền tệ ở các thị trường mới nổi của MSCI giảm 3% kể từ cuối tháng Chín và đang hướng tới mức giảm hàng quí mạnh nhất trong 2 năm. Dẫn đầu tốc độ giảm giá là đồng real của Brazil, đồng forint của Hungary và đồng peso của Chile.
Với đồng đô la Mỹ dự kiến tiếp tục mạnh, các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường đang phát triển đang gấp rút hành động.
Hôm 20-12, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, sẽ nới lỏng dòng chảy ngoại hối vào các ngân hàng trong nước. Theo đó, mức trần đối với trạng thái nắm giữ ngoại hối kỳ hạn sẽ tăng từ 50% lên 75% tổng vốn của các ngân hàng trong nước và tăng từ 250% lên 375% tổng vốn của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Seoul.
Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi đồng won giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm so với đô la. Mục đích là thúc đẩy dòng vốn bên ngoài chảy vào Hàn Quốc và giải quyết sự mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ địa phương.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục hỗ trợ đồng nhân dân tệ thông qua tỷ giá tham chiếu hàng ngày bằng cách thiết lập mức tỷ giá giữa nhân dân tệ và đô la mạnh hơn đáng kể so với dự báo của thị trường.
Nhưng không phải tất cả sự mất giá của các đồng tiền ở các thị trường đang phát triển đều là do đồng đô la mạnh lên. Đồng real chịu áp lực do lo ngại về thâm hụt ngân sách của Brazil sau khi Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva giảm nhẹ kế hoạch thắt lưng buộc bụng bằng cách bổ sung một loạt biện pháp giảm thuế cho người nghèo.
Đồng forint của Hungary suy yếu trong tháng qua khi dòng vốn nước ngoài bị rút, làm trầm trọng thêm các bất ổn kinh tế trong nước.
Sự giảm giá của các đồng tiền ở khu vực thị trường mới nổi đã thúc đẩy làn sóng bán khống. Một quỹ phòng hộ đặt cược rằng những đồng tiền này sẽ mất giá nhiều hơn khi chính sách thuế quan do Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất được thực hiện.
Bradley Wickens, CEO của công ty đầu tư Broad Reach Investment Management cho biết, ông đang bán khống đồng peso của Mexico, cùng với các nhiều tiền tệ ở Bắc Á, Trung Đông và Đông Âu.
Ngay cả các nước phát triển cũng đang cảm nhận sức nóng của đô la Mỹ. Hôm 20-12, Nhật Bản cảnh báo chống đầu cơ tiền tệ sau khi đồng yen rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng so với đô la.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố, chính quyền sẽ có hành động thích hợp nếu có xảy ra biến động quá mức trên thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, việc chế ngự sức mạnh của đô la cũng gây tốn kém khi các ngân hàng trung ướng buộc phải giảm dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ.
Theo Bloomberg