Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Uy tín nông sản Việt vẫn bị ảnh hưởng bởi việc lạm dụng phân, thuốc

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lạm dụng hoặc dùng vật tư nông nghiệp không đạt chuẩn là một trong những nguyên nhân khiến nông sản bị ảnh khá lớn về mặt chất lượng, bị thị trường nhập khẩu cảnh báo. Điều này đặt ra vấn đề cần phải tăng cường quản lý, sử dụng phân, thuốc có trách nhiệm để bảo vệ uy tín cho nông sản Việt.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm để bảo vệ uy tín nông sản Việt. Ảnh: Trung Chánh

Không thể phủ nhận hiệu quả của vật tư nông nghiệp mang lại cho ngành nông nghiệp. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), với 35 tỉ đô la Mỹ chi ra để sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên toàn thế giới đã giúp thu lại giá trị cao gấp 10 lần, tức đạt 350 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, việc quản lý sản xuất, mua bán và lạm dụng phân, thuốc tràn lan đang có tác động tiêu cực đến nông sản khi nhiều lô hàng bị thị trường nhập khẩu cảnh báo.

Nông sản bị cảnh báo do dư lượng

Thị trường Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã quyết định tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, từ 10 lên 20%. Điều này, được đưa ra do sầu riêng từ Việt Nam có chứa một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định giới hạn tối đa cho phép (MRL) của thị trường này, bao gồm Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl và Acetamiprid. Mức quy định MRL của EU đối với các chất này nằm trong khoảng từ 0,005-0,1 mg/kg.

Hồi tháng 8 năm nay, lãnh đạo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chia sẻ, trong nửa đầu năm 2024, EU có đến 57 cảnh báo gửi cơ quan chức năng Việt Nam do sản phẩm nông sản của nước ta tồn dư kháng sinh và chất cấm.

Trong khi đó, với thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, quốc gia này cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng trái cây Việt Nam, nhất là sầu riêng xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phép.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt trên 6,16 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất sang Trung Quốc đạt gần 4,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 66,52% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Còn riêng với ngành hàng sầu riêng, 10 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ, tăng 45,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,77 tỉ đô la Mỹ, tăng 46,4% và chiếm 91,63% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong khoảng thời gian này.

Đi đôi với “sức nóng” tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc, tình trạng sầu riêng bị cảnh báo cũng liên tục bị phát hiện. Trong đó, hồi tháng 6 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo phát hiện 77 lô sầu riêng từ Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này bị nhiễm kim loại nặng (cadmium). Đây là những lô hàng được xác định có liên quan 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng từ Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, từ giữa tháng 6-2024, phía Trung Quốc cũng đã quyết định cấm nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam. Bởi các nhà máy và vùng trồng này không tuân thủ quy định của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục hải quan Trung Quốc.

Liên quan vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, Việt Nam có khoảng 712 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép. Gần đây Việt Nam đã cấm 3 hoạt chất thuốc trừ sâu và 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh, không được sử dụng trong các sản phẩm trồng trọt, ông cho biết thêm.

Trong khi đó, để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông sản ra nước ngoài, bên cạnh việc tuân thủ các quy định theo pháp luật của Việt Nam, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định của từng thị trường nhập khẩu.

Tại diễn đàn “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM” diễn ra mới đây ở Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) cho biết, với đặc tính là nước sản xuất nông nghiệp có khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm nên rất thích hợp để sâu, bệnh hại phát triển. Do vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng là biện pháp quan trọng, ông nhấn mạnh.

Lạm dụng phân thuốc có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu nông sản. Ảnh: Trung Chánh

Nguy cơ đánh mất uy tín nông sản

Ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục lập thành tích về xuất khẩu khi lần đầu tiên có thể cán mốc 62-63 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Tuy nhiên, qua những cảnh báo đã nêu, nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín cho sản phẩm ngành nông nghiệp Việt Nam là khá rõ.

Ông Tô Thái Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Thịnh chuyên chế biến sản phẩm nông sản xuất khẩu cho biết, vấn đề đơn vị này quan tâm là chất lượng nguyên liệu đầu vào phải an toàn, nhất là khi người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn. Ngoài các tiêu chuẩn sản xuất theo thông lệ như HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points), ISO (Hazard Analysis and Critical Control Points), vấn đề an toàn cho sức khoẻ được người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao, thậm chí phải thân thiện với môi trường.

Để có nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp, tức về phía người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp, thậm chí bị cấm trong trồng trọt để tạo ra sản phẩm còn rất nhiều.

Thực trạng nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu, bởi trong 8-9 đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào, chỉ cần một đơn vị có sản phẩm không đạt yêu cầu, nguy cơ toàn bộ đơn hàng bị trả về, tổn thất rất lớn về tài chính. “Nguy hiểm hơn, điều này sẽ gây tổn thất về uy tín với khách hàng, dẫn đến khó khăn trong vấn để tiếp cận bán hàng, mở rộng thị trường”, ông nhấn mạnh.

Ông Trần Hoài Bảo, Phó chủ tịch phụ trách Liên minh hợp tác xã Long An đề xuất, cần phải quản lý chặt việc sản xuất, kinh doanh phân thuốc, bởi đang tồn tại “muôn hình vạn trạng” sản phẩm lẫn cách thức mua bán. Đây là một phần lý do dẫn đến chất lượng nông sản không đảm bảo. Ông Bảo kiến nghị phải kiểm soát được doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, không thể buông lỏng như hiện nay.

Ông Sơn của VIPA cho rằng, vấn đề là ý thức tuân thủ, bởi quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã có theo nguyên tắc bốn dùng, gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng, nồng độ mức tiêu dùng và lượng nước.

Rõ ràng, bên cạnh quản lý về mặt chất lượng sản phẩm, đã đến lúc cần phải sử dụng phân thuốc có trách nhiệm để bảo vệ uy tín cho nông sản Việt trước người tiêu dùng trong và ngoài nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới