Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường ngoại hối 2025 – rủi ro từ Fed, thương mại và vốn đầu tư nước ngoài

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngoài ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong năm 2025 còn chịu ảnh hưởng bởi nguy cơ nguồn cung ngoại tệ trong nước dự kiến không còn dồi dào như giai đoạn trước, khi hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đối mặt với những thách thức.

Những rủi ro về tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng từ thị trường quốc tế

Chỉ trong hai ngày cuối tuần qua (19 và 20-12-2024), tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng nhanh 46 đồng, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng tăng 50 đồng, còn giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức tăng 30 đồng. Trong năm 2024, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng vẫn được kiểm soát tốt khi tăng không quá 2%, tuy nhiên giá đô la Mỹ tại các ngân hàng tăng đến 4,8%, còn giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức tăng 3,8%.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD Index bật tăng mạnh vào cuối tuần trước, hiện đã leo lên mức cao nhất trong hai năm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 19-12-2024 dù quyết định giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần giảm lãi suất thứ ba liên tiếp trong năm 2024, nhưng đồng thời cũng phát tín hiệu sẽ làm chậm lại lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025.

Cụ thể, các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) dự báo sẽ chỉ có thêm hai lần giảm lãi suất trong năm 2025, ít hơn đáng kể so với kỳ vọng bốn lần giảm theo biểu đồ Dot plot từng công bố hồi tháng 9-2024. Về năm 2026 và 2027, dự báo mới nhất cho thấy sẽ chỉ có tương ứng hai lần và một lần giảm lãi suất, với mức giảm mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm.

Với việc nâng dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát, cùng việc giảm dự báo tỷ lệ thất nghiệp, cho thấy sự lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, Fed có lý do thận trọng hơn. Hiện đã có những e ngại lạm phát có thể dâng lên trở lại, khi chịu ảnh hưởng bởi các chính sách áp thuế quan lên hàng nhập khẩu, giảm thuế thu nhập trong nước và trục xuất lượng lớn lao động nhập cư bất hợp pháp, mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự kiến triển khai trong năm 2025.

Theo công cụ CME Fedwatch, xác suất Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở vùng 4,25-4,5% trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 1-2025 lên đến 91%. Tuyên bố về kế hoạch “đi chậm lại” của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp trong tháng 12-2024 đã gây áp lực lên các thị trường tài chính toàn cầu, khiến đồng tiền của các nền kinh tế giảm giá mạnh so với đô la Mỹ, các thị trường tài sản từ chứng khoán, vàng cho đến tiền mã hóa đều lao dốc.

Trong trường hợp bị áp thuế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ bị ảnh hưởng là tất yếu. Ngược lại, nếu muốn tránh bị áp thuế, Việt Nam có thể phải tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ để tìm kiếm điểm cân bằng thương mại tốt hơn. Dù trong trường hợp nào, giá trị xuất siêu của Việt Nam với Mỹ cũng sẽ khó có thể duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ như những năm vừa qua.

Trước áp lực tỷ giá tăng và cầu ngoại tệ cao đột biến giai đoạn cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nối lại kênh bán ngoại tệ để can thiệp và hỗ trợ thị trường ngoại hối từ ngày 18-12-2024. Trước đó nhà điều hành đã có giai đoạn bán ngoại tệ can thiệp từ tháng 4 đến tháng 7-2024, và chỉ ngừng hỗ trợ sau khi tỷ giá ổn định lại.

Diễn biến những ngày qua là bức tranh minh họa cụ thể nhất cho kịch bản tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sẽ tiếp tục khó lường trong năm 2025, trước những rủi ro từ chính sách lãi suất của Fed và diễn biến của nền kinh tế Mỹ. Không loại trừ khả năng Fed tiếp tục cắt giảm số lần giảm lãi suất trong năm 2025, hoặc kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trước các chính sách kích thích của ông Trump trong năm đầu nhiệm kỳ mà có thể hỗ trợ đô la Mỹ tiếp tục leo cao.

Thách thức từ thương mại và vốn đầu tư nước ngoài

Ngoài ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong năm 2025 còn chịu ảnh hưởng bởi nguy cơ nguồn cung ngoại tệ trong nước dự kiến không còn dồi dào như giai đoạn trước, khi hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đối mặt với những thách thức.

Trong ba năm qua, Việt Nam ghi nhận xuất siêu hàng hóa lớn, nhờ hưởng lợi trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và thương chiến Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ rơi vào tầm ngắm áp thuế của Tổng thống Donald Trump, khi là một trong những quốc gia đạt thặng dư thương mại lớn nhất với phía Mỹ.

Trong trường hợp bị áp thuế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ bị ảnh hưởng là tất yếu. Ngược lại, nếu muốn tránh bị áp thuế, Việt Nam có thể phải tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ để tìm kiếm điểm cân bằng thương mại tốt hơn. Dù trong trường hợp nào, giá trị xuất siêu của Việt Nam với Mỹ cũng sẽ khó có thể duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ như những năm vừa qua. Đáng lưu ý, trước e ngại ông Trump có thể sẽ áp thuế ngay trong năm 2025, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường nhập khẩu và dự trữ hàng hóa trong thời gian gần đây, do đó nhu cầu nhập khẩu trong năm sau sẽ giảm dần.

Chẳng những vậy, Việt Nam có thể phải đối mặt với sức ép hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang, từ kênh nhập khẩu truyền thống cho đến kênh thương mại điện tử, một khi hàng hóa nước này bị phía Mỹ áp đặt các hàng rào thuế quan mới. Khi đó, mức độ thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể tiếp tục gia tăng, càng tác động tiêu cực lên cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam.

Ở hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã khá thành công khi duy trì được sự tăng trưởng ổn định qua nhiều năm ở nguồn vốn FDI giải ngân. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách đầu tư gần đây, khi chỉ chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường, dù sẽ mang lại những lợi ích về lâu dài, nhưng trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng lên lượng vốn FDI vào Việt Nam, vì không phải dự án nào cũng có thể thỏa mãn được những tiêu chí mới.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn năng lượng bền vững phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho dự án đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Ngoài ra, cạnh tranh về chính sách thuế và ưu đãi đầu tư ngày càng trở nên quyết liệt, không chỉ từ các nước trong khu vực mà ngay từ những nền kinh tế phát triển như Mỹ, với phương châm kéo việc làm về lại Mỹ.

Đặc biệt, những rủi ro về tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Trước triển vọng đô la Mỹ vẫn mạnh và lãi suất giảm chậm, các nhà đầu tư quốc tế dĩ nhiên sẽ yêu cầu một suất sinh lời cao hơn cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, tối thiểu phải bù đắp được rủi ro tỷ giá và chi phí vốn. Việc một số nhà đầu tư lớn quyết định thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây, nhằm tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, là điều cần lưu tâm.

Điểm tích cực là nguồn cung ngoại tệ đến từ kiều hối, hoạt động du lịch có thể sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể phục hồi trở lại, khi triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025 có thể thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng, sau khi đã bán ròng kỷ lục trong năm 2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới