Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gia hạn mức trích chi phí quản lý BHXH tối đa 1,44% đến giữa năm 2025

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại phiên họp chiều 24-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua quyết định kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15. Theo đó, mức trần 1,44% cho chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ tiếp tục được áp dụng đến ngày 30-6-2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%. Ảnh: TTXVN

Theo tờ trình của Chính phủ, để phù hợp với quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là trong lĩnh vực BHXH và BHTN, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép gia hạn thời gian thực hiện chi phí quản lý BHXH, BHTN ở mức 1,44% cho đến khi có nghị quyết mới cho giai đoạn 2025-2027, TTXVN đưa tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết về thời gian kéo dài thực hiện nghị quyết số 9 có 2 ý kiến.

Trong đó, ý kiến thứ nhất là kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết số 9 đến hết ngày 30-6-2025. Ý kiến thứ hai là theo đề xuất của Chính phủ, kéo dài thời gian thực hiện quy định hiện hành cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết mới.

Thường trực Ủy ban Xã hội đã xem xét kỹ lưỡng các ý kiến và thống nhất nghiêng về phương án thứ nhất. Đồng thời, cơ quan này cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc quy định mức trích chi phí quản lý tối đa 1,44% dự toán thu, chi BHXH, BHTN.

Tuy nhiên, Chính phủ, BHXH Việt Nam được đề nghị cần nghiêm túc thực hiện các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình giao và thực hiện dự toán, cắt giảm chi phí thường xuyên để tiết kiệm hơn.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành nghị quyết gia hạn hiệu lực của nghị quyết số 9 đến hết ngày 30-6-2025, cho phép tiếp tục áp dụng mức chi phí quản lý BHXH, BHTN tối đa 1,44%.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cần đảm bảo sự liên tục trong hoạt động quản lý BHXH, phù hợp với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam theo nghị quyết 18.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá việc thực hiện nghị quyết số 9 và xây dựng dự thảo nghị quyết mới về chi phí tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế giai đoạn 2025-2027, trước khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chi phí quản lý BHXH, cũng giống như phí công đoàn 2%…Nếu càng duy trì càng lâu, càng nhiều, thì chỉ có tác dụng làm cho bộ máy “phi năng suất/ phi chất lượng” phình ra ngày càng lớn. Một bộ máy hiệu quả không chỉ có tinh gọn, mà còn phải hướng đến nâng cao hiệu suất của chi phí mà nhà nước phải bỏ ra. Mục đích là “nuôi dưỡng” chứ không phải “dung dưỡng” bộ máy tổ chức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới