Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá vàng có thể tăng lên 3.000 đô la/ounce trong năm 2025

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuyên gia phân tích thị trường ở ba ngân hàng đầu tư hàng đầu toàn cầu ở Phố Wall, gồm JPMorgan, Goldman Sachs và Citigroup cùng dự báo giá vàng sẽ chạm mốc 3.000 đô la Mỹ/ounce trong năm 2025.

Trong năm nay, giá vàng đã tăng 27%, lên 2.617,2 đô la Mỹ/ounce. Theo các chuyên gia trên, lãi suất thấp hơn, tình trạng bất ổn địa chính trị và nhu cầu của khu vực ngân hàng trung ương là những động lực chính thúc đẩy giá vàng trong năm tới.

Các chuyên gia ở Phố Wall dự báo, giá vàng sẽ hướng đến mốc 3.000 đô la Mỹ/ounce trong năm 2025. Ảnh: Fortune

Trong năm 2024, ít có khoản đầu tư nào thành công hơn vàng khi kim loại quý này khép lại năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2010. Các chuyên gia theo dõi thị trường vàng ở Phố Wall nhận định, giá vàng sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2025.

Giá vàng tăng 27% trong năm nay, lên 2.617,2 đô la Mỹ/ounce. Mức tăng này cao hơn mức tăng 25% của chỉ số S&P 500 ở thị trường chứng khoán Mỹ và không quá kém xa so với tăng 31% của chỉ số Nasdaq Composite, tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ.

Giá vàng tương lai đạt mức cao kỷ lục trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhưng giảm kể từ đó. Tuy nhiên, điều này đã được dự đoán trước khi nhà đầu tư chuyển tiền từ nơi trú ẩn an toàn sang các tài sản rủi ro hơn do lo lắng về kết quả bầu cử.

Các chuyên gia phân tích của JPMorgan, Goldman Sachs và Citigroup nhận định, giá mục tiêu của vàng trong năm tới là 3.000 đô la/ounce, dựa vào 3 động lực dưới đây.

Lãi suất thấp hơn

Mức độ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ trong năm tới vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhìn chung kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Lãi suất càng thấp, chi phí cơ hội sở hữu vàng, vốn không trả lãi hoặc cổ tức, càng thấp.

Các nhà phân tích kỳ vọng, một phần trong số 6,7 nghìn tỉ đô la mà các quỹ thị trường tiền tệ đang nắm giữ sẽ được chuyển sang các quy hoán đổi danh mục (ETF) vàng, chẳng hạn như SPDR Gold Shares. Điều này là vì nhà đầu tư có thể trở nên thất vọng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.

“Đây là giai đoạn lạc quan nhất trong chu kỳ tăng giá của vàng”, Greg Shearer, giám đốc chiến lược kim loại cơ bản và kim loại quý của JPMorgan, nói.

Bất ổn địa chính trị

Nhà đầu tư có xu hướng đổ xô vào thị trường vàng trong thời kỳ xung đột địa chính trị dâng cao. Tình trạng bất ổn địa chính trị dự kiến tiếp diễn trong năm 2025, từ các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine cho đến lời tuyên bố áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc và các quốc gia khác. Viễn cảnh lạm phát sẽ bùng phát trở lại cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.

Gần đây, giới đầu tư ở Trung Quốc đặc biệt hào hứng mua vàng, do nền kinh tế và thị trường chứng khoán của của nước này đang suy yếu, cũng như lời đe dọa đánh thuế đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ của ông Trump.

Nhu cầu mua của các ngân hàng trung ương

Các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là ở những nước có mối quan hệ căng thẳng với phương Tây, tăng cường mua vàng trong những năm gần đây. Trung Quốc nói riêng là nguồn cầu mạnh mẽ, với dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tăng gấp 3 lần kể từ năm 2008, theo ngân hàng Goldman Sachs.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sau khi nước này tiến hành cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2022 đã thúc đẩy một số ngân hàng trung ương chuyển hướng khỏi các tài sản dựa trên đồng đô la.

Thay vào đó, nhiều ngân hàng trung ương sẽ mua nhiều vàng hơn nhằm tránh các lệnh trừng phạt thương mại của phương Tây dựa vào hệ thống thanh toán toàn cầu nằm dưới sự chi phối của đô la.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, lệnh trừng phạt đối với Nga đánh dấu một bước ngoặt rõ ràng khiến nhiều ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi phải xem xét mua những tài sản dự trữ ít rủi ro.

29% trong số 70 ngân hàng trung ương trả lời cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) hồi tháng Sáu cho biết sẽ tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới. Đây là tỷ lệ cao nhất về số ngân hàng trung ương có ý định mua thêm vàng trong vòng một năm tới kể từ khi WGC thực hiện khảo sát này vào năm 2018.

Nhu cầu công nghiệp thấp

Một lợi thế khác của vàng là ngoài chức năng lưu trữ giá trị, kim loại quý này không được sử dụng nhiều trong lĩnh vực công nghiệp. Tất nhiên, đồ trang sức là một nguồn cầu quan trọng đối với vàng. Nhưng đây cũng là nguồn cung lớn vì khi giá vàng tăng, mọi người có nhiều động lực hơn để bán trang sức cũ.

Shearer của JPMorgan cho biết, nhu cầu vàng trong lĩnh vực  công nghiệp không nhiều như các mặt hàng khác. Điều đó có nghĩa là sự chậm lại trong hoạt động kinh tế, chẳng hạn như những gì dự kiến ​​xảy ra trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, không thực sự ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu vàng giống như những kim loại quí có công dụng trong công nghiệp, chẳng hạn như bạc và bạch kim.

Mặt khác, các đợt tăng giá vàng có xu hướng kéo dài. 5 trong 6 năm qua khi giá vàng tương lai tăng ít nhất 20% mỗi năm, giá lại tăng vào năm sau đó.

Theo WSJ

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới