Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Năm 2025, những lĩnh vực nào ở ASEAN thu hút mạnh vốn FDI?

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sản xuất, hạ tầng, bất động sản và du lịch nằm trong số những lĩnh vực hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh nhất ở Đông Nam Á (ASEAN) trong năm qua. Theo nhận định giới chuyên gia, các lĩnh vực này tiếp tục là mục tiêu yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài trong năm tới.

Trong năm 2024, phần lớn vốn FDI tập trung ở lĩnh vực sản xuất của ASEAN, đặc biệt là mảng xe điện và điện tử giá trị gia tăng cao. Ảnh: KNN

Sản xuất điện tử và thiết bị điện, điểm nóng của FDI

Đông Nam Á (ASEAN) vẫn là điểm nóng thu hút vốn đầu tư toàn cầu, với dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục 230 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Trong năm 2024, phần lớn vốn FDI tập trung ở lĩnh vực sản xuất của ASEAN, đặc biệt là mảng xe điện và điện tử giá trị gia tăng cao.

Yun Liu, nhà kinh tế ở ngân hàng HSBC cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp ở nhiều nước ASEAN phục hồi mạnh mẽ sau chu kỳ thương mại toàn cầu suy yếu trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến năm 2023.

Từ năm 2022 đến tháng 9-2023, lĩnh vực sản xuất của Indonesia trở thành điểm nóng, thu hút khoảng 94 tỉ đô la Mỹ vốn FDI, theo dữ liệu của GlobalData. Trong giai đoạn này, Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ đóng góp phần lớn dòng vốn FDI chảy vào Indonesia.

Đội ngũ nghiên cứu FDI của GlobalData giải thích, căng thẳng Mỹ-Trung là nguyên nhân chính thúc đẩy vốn FDI tìm đến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Để giảm thiểu rủi ro, các công ty đa quốc gia đã theo đuổi chiến lược “Trung Quốc + 1” nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Chiến lược này giúp các nước ASEAN được hưởng lợi lớn.

“ASEAN tiếp tục là trung tâm sản xuất lớn đối với ngành sản xuất thiết bị điện và điện tử, thu hút vốn FDI đáng kể từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu”, Stephen Bates, người đứng đầu bộ tư vấn thâu tóm và sáp nhập của chi nhánh hãng kiểm toán KPMG ở Singapore nói.

Ông cho biết thêm, khu vực ASEAN đón nhận nhiều thỏa thuận FDI từ các nhà sản xuất linh kiện điện tử cho điện thoại thông minh (smartphone) và các thiết bị điện khác. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô cũng mở rộng dây chuyền lắp ráp và chuỗi cung ứng ở khu vực trong 3 năm qua.

Dù căng thẳng địa chính trị dâng cao, các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng lĩnh vực sản xuất của khu vực.

Yun Liu của HSBC lưu ý, lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa phục hồi, vì vậy, sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm tới. Bates cho biết, dòng vốn FDI chảy vào mảng sản xuất điện tử giá ttrị gia tăng cao như bán dẫn và màn hình có thể thúc đẩy đổi mới và sự thịnh vượng kinh tế cho khu vực.

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất giày ở Tangerang, Indonesia. Ảnh: AFP

Hạ tầng số hóa và bền vững là mục tiêu trọng tâm

Trong khi đó, nền kinh tế số bùng nổ và các cam kết khí hậu của ASEAN đã thúc đẩy các khoản đầu tư lớn rót vào không gian hạ tầng số hóa và bền vững của khu vực, chẳng hạ như các dự án trung tâm dữ liệu, mạng lưới 5G, tòa nhà xanh và giao thông thân thiện với môi trường.

Chuyên gia Bates của KPMG lưu ý, các nước ASEAN đang tích cực xúc tiến các thỏa thuận đối tác công tư, vốn đã chứng minh tính hiệu quả trong việc thu hút vốn tư nhân và tăng tốc phát triển hạ tầng khắp khu vực.

Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường tư nhân Preqin cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2021 đến quí 4-2024, có 354 thương vụ đầu tư được ghi nhận trong lĩnh vực hạ tầng của ASEAN với tổng giá trị 46,3 tỉ đô la Mỹ.

Trong giai đoạn này, các dự án năng lượng tái tạo chiếm khoảng 50% con số đầu tư nói trên. Gerald Minjoot, nhà phân tích của Preqin cho biết, cam kết khí hậu của các nước ASEAN đã nguồn hỗ trợ quan trọng đối với tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực.

Nhìn về tương lại, Bates cho biết, lĩnh vực hạ tầng của ASEAN có tiềm năng mạnh mẽ nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và các sáng kiến nhằm tăng cường kết nối.

Chuyên gia này xác định hạ tầng số hóa và bền vững là những mục tiêu trọng tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với các thỏa thuận đối tác công tư sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc tài trợ cho những dự án quy mô lớn.

Bất động sản của Việt Nam thu hút FDI dẫn đầu khu vực

Đối với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam là điểm đến vốn FDI dẫn đầu khu vực. Dữ liệu của GlobalData cho thấy, từ năm 2022 đến tháng 9-2024, lĩnh vực bất động sản và xây dựng của Việt Nam thu hút khoảng 8 tỉ đô la vốn FDI. Đội ngũ nghiên cứu của GlobalData cho biết, sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chi phí lao động cạnh tranh và số lượng hiệp định thương mại gia tăng là những yếu tố thúc đẩy vốn FDI chảy vào lĩnh vực bất động của Việt Nam.

Bates của KPMG dự đoán, không gian bất động sản của ASEAN tiếp tục tăng trưởng trong năm tới nhờ đô thị hóa nhanh chóng và thu nhập khả dụng của người dân tăng lên.

Theo ông, cơ hội sẽ nằm ở các mảng bất động sản công nghiệp và kho vận (logistics) trong bối cảnh ngành thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực cần nhiều nhà kho và trung tâm phân phối hiện đại.

“Bất động sản thương mại, gồm các tòa nhà văn phòng, không gian bán lẻ và các tổ hợp đa chức năng, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn ở ASEAN vẫn rất hấp dẫn”, ông nhận xét.

Ngành du lịch tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng tích cực

Lượng khách nước ngoài đến ASEAN ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang trên đà tăng trưởng. Điều này giúp các nước ASEAN nhận được lượng vốn FDI tăng lên ở mảng hạ tầng liên quan như sân bay, khách sạn cũng như sự chú ý lớn hơn đối với du lịch bền vững và  sức khỏe.

Theo dữ liệu của GlobalData, từ năm 2022 đến tháng 9-2024, Việt Nam giữ ngôi đầu, thu hút khoảng 6,3 tỉ đô la đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch. Tiếp sau đó là Thái Lan (4,2 tỉ đô la), Indonesia (3,6 tỉ đô la), Malaysia (3,1 tỉ đô la). Mỹ, Pháp và Anh là nguồn cung cấp vốn FDI lớn nhất cho ngành du lịch của ASEAN.

Liu của HSBC cho biết, lượng khách nước ngoài đến các nước ASEAN trong năm 2024 phục hồi 70-100% mức trước đại dịch. Điều này diễn ra khi du khách Trung Quốc nhanh chóng quay trở lại nhờ các thỏa thuận miễn thị thực giữa Trung Quốc với nhiều nước ASEAN.

Cả Liu và Bates kỳ vọng ngành du lịch của ASEAN sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng tích cực trong năm tới.

“Sự hỗ trợ của các chính phủ ASEAN thông qua đầu tư hạ tầng và hoạt động quảng bá điểm đến sẽ củng cố hơn nữa quỹ đạo tăng trưởng tích cực này”, Bates nhận định.

Theo Business Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới