Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chờ đón các thương vụ bán vốn ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các ngân hàng chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ tìm kiếm cơ hội để bán vốn cho các cổ đông chiến lược nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi, với nhiều thương vụ đang được trông chờ sẽ diễn ra trong năm 2025.

Techcombank gần đây cho biết sẽ cân nhắc bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phù hợp trong thời gian tới. Ảnh: T.L

Những thương vụ được kỳ vọng

Lãnh đạo Techcombank gần đây cho biết sẽ cân nhắc bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp trong thời gian tới. Kể từ sau khi HSBC thoái vốn vào năm 2017, bảy năm qua Techcombank chưa có thêm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nào mới. Dù vậy, hiện tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Techcombank vẫn đang lên tới 22,5%. Do đó, ngân hàng này sẽ cần một số cổ đông nước ngoài bán ra trước khi có thể chào bán thêm 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, để có thể đảm bảo quy định mức trần sở hữu nước ngoài là 30%.

Những năm gần đây, không ít ngân hàng trong nước chứng kiến động thái thoái vốn của cổ đông chiến lược nước ngoài. Đơn cử như Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã rút khỏi VIB sau 15 năm gắn bó, khi hạ tỷ lệ sở hữu từ 14,7% xuống còn 4,7% và không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này từ ngày 29-10-2024. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã thoái hết vốn khỏi ABBank vào tháng 5-2024 khi hoàn tất bán hơn 84 triệu cổ phần, kết thúc hành trình hợp tác 14 năm. Trước đó nữa, vào đầu năm 2023, Sumitomo Mitsui Banking cũng đã rút khỏi Eximbank sau 15 năm đồng hành.

Để đảm bảo các mục tiêu chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây… vào hoạt động ngân hàng truyền thống cũng như phát triển các nền tảng ngân hàng số hiện đại, đòi hỏi các ngân hàng cũng phải đảm bảo nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào hệ thống công nghệ thông tin cho giai đoạn kế tiếp.

Số lượng các ngân hàng trong nước có cổ đông chiến lược nước ngoài hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến như VietinBank có MUFG Bank, BIDV có KEB Hana Bank, Vietcombank có Mizuho, VPBank có Sumitomo Mitsui Banking Corporation, OCB có Azora Bank.

Các ngân hàng chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ tìm kiếm cơ hội để bán vốn cho các cổ đông chiến lược nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi, với nhiều thương vụ đang được trông chờ sẽ diễn ra trong năm 2025. Có thể kể đến như Nam A Bank, LPbank thời gian qua đang trong quá trình đàm phán với các đối tác nước ngoài để tìm nhà đầu tư chiến lược phù hợp.

Đặc biệt, những ngân hàng trước đây từng có cổ đông chiến lược nước ngoài như Sacombank, ACB, VIB, Eximbank,Techcombank… có thể đang nỗ lực tìm kiếm một đối tác mới. Đơn cử như Sacombank cho biết, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu, ngân hàng này dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.

Nhóm thứ hai là những ngân hàng đã có cổ đông chiến lược nhưng vẫn có kế hoạch tiếp tục chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại để gia tăng nội lực tài chính. Trong số này phải kể đến các ngân hàng trong năm nay chưa hoàn thành được kế hoạch chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại như BIDV, Vietcombank. Họ sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2025.

Nhóm thứ ba là những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Họ có thể được nới room ngoại lên 49% vốn điều lệ thay vì 30% như hiện tại, nên cũng sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để tận dụng cơ chế ưu đãi này. Đáng chú ý, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, trong vòng năm năm kể từ ngày hiệp định này có hiệu lực, Việt Nam cam kết xem xét cho phép hai tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam, không áp dụng với các ngân hàng có vốn nhà nước. Như vậy, năm 2025 cũng đã đủ điều kiện về thời gian để các ngân hàng đã nhận chuyển giao bắt buộc có thể tìm kiếm các đối tác chiến lược đến từ châu Âu với tỷ lệ sở hữu lên đến 49%.

Yêu cầu cấp thiết trong chiến lược dài hơi

Đầu tiên, việc tăng thêm vốn điều lệ để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh doanh luôn là nhu cầu thường trực và thiết yếu của các ngân hàng trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh trong hai năm trở lại đây, các ngân hàng càng cần phải tăng nhanh vốn điều lệ để gia tăng bộ đệm dự trữ vốn, đáp ứng các hệ số an toàn.

Đáng lưu ý là mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành dự thảo thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo hướng cập nhật những quy định mới tại chuẩn mực Basel III. Theo NHNN, đây là chuẩn mực mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng đến. Các ngân hàng Việt Nam phải nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản theo yêu cầu của chuẩn mực này, tạo nền tảng cho hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.

Ngoài ra, để đảm bảo các mục tiêu chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây… vào hoạt động ngân hàng truyền thống cũng như phát triển các nền tảng ngân hàng số hiện đại, đòi hỏi các ngân hàng cũng phải đảm bảo nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào hệ thống công nghệ thông tin cho giai đoạn kế tiếp. Vì vậy, mục tiêu tăng thêm vốn đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Trong bối cảnh xu hướng lãi suất đầu vào đang đi lên trở lại, gây áp lực lên chi phí vốn, các ngân hàng đã tích cực đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào trong thời gian qua, từ việc phát hành giấy tờ có giá, tập trung vào các trái phiếu dài hạn, tìm kiếm nguồn vốn tài trợ thương mại, vay ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế. Dĩ nhiên chính sách tăng thêm vốn điều lệ vẫn luôn là một giải pháp ưu tiên, vì đây là nguồn vốn bền vững có chi phí dễ chịu hơn so với các nguồn vốn khác.

Thực tế nhiều ngân hàng đã xây dựng một chiến lược tăng vốn dài hơi, nhưng việc triển khai thực hiện không phải là điều dễ dàng, khi mà nguồn lực tài chính trong nước có những giới hạn nhất định và dòng vốn đầu tư của các cổ đông lớn vào ngân hàng ngày càng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng.

Trước tình hình này, chiến lược tăng vốn thông qua tìm kiếm đối tác, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài càng trở nên quan trọng, nhất là khi ngoài nguồn lực tài chính được hỗ trợ, các ngân hàng trong nước có thể tận dụng thêm kinh nghiệm quản trị, nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động ngân hàng.

Với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại của nhiều ngân hàng trung ương khắp toàn cầu, dòng vốn rẻ lại có thể dịch chuyển trong thời gian tới, các định chế tài chính quốc tế có thể sẽ tăng cường đầu tư và tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong nước tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2025 với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư quốc tế tìm đến với Việt Nam nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới