Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng: Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lãnh đạo Chính phủ đánh giá việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là cần thiết trong giai đoạn tăng trưởng mới và Việt Nam đã có đủ điều kiện để thực hiện dự án lớn này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố kế hoạch hành động xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, diễn ra sáng nay (4-1) tại TPHCM. Ảnh: V.D.

Động lực tăng trưởng mới

Sáng nay (4-1), tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đánh giá Việt Nam đã đủ điều kiện cần thiết để xây dựng dự án lớn này.

Cơ sở đầu tiên là quy mô của nền kinh tế ngày càng lớn, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán đang ở đà tăng trưởng cao. Việt Nam hiện là nền kinh tế mở với mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng, giao thương với 65 thị trường trên thế giới.

Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần lượng vốn rất lớn mỗi năm để đẩy mạnh phát triển, bao gồm hạ tầng chiến lược, trong đó hạ tầng cao tốc, sân bay bến cảng hay các dự án lớn như đường sắt cao tốc, năng lượng nguyên tử.

Việt Nam cũng đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng cao từ năm 2025 nên nhu cầu vốn ở mức cao cả về vốn trực tiếp và gián tiếp. Riêng năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% còn những năm sau đó muốn tăng trưởng hai con số thì việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cần thiết.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế là khó nhưng “không làm thì không được”, vì Việt Nam cần những động lực mới bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống.

“Đây là việc khó và phức tạp, mới nhưng phải làm vì nếu không thì không thể tăng trưởng hai con số. Vấn đề là quyết tâm đến đâu và cách làm như thế nào”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, hướng đi sẽ là “Việt Nam hóa” mô hình trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Sẽ sớm có kế hoạch cụ thể

Hội nghị công bố kế hoạch hành động xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế diễn ra tại TPHCM vào sáng 4-1. Ảnh: V.Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện đơn vị đầu mối xây dựng bản dự thảo kế hoạch tổng thể, bối cảnh thế giới hiện nay cần các trung tâm tài chính mới phục vụ thị trường ngách và khác biệt với trung tâm truyền thống trước đây. “Việt Nam có hội vàng tham gia cuộc chơi này”, ông Dũng nói.

Theo ông, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 289 phê duyệt hành động triển khai, trong đó phân công 49 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho 12 bộ ngành, địa phương triển khai, gắn với sản phẩm đầu ra cụ thể, hình thành khung pháp lý và chuẩn bị nền tảng.

Trong đó có 5 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm phát triển hạ tầng hệ thống tài chính hiện đại; thu hút nhân tài và chuyên gia hàng đầu quốc tế; thúc đẩy đổi mới, phát triển công cụ mới như tài chính xanh, fintech; mở rộng hội nhập, hợp tác với tổ chức tài chính toàn cầu, áp dụng chuẩn mưc quốc tế và cuối cùng là tăng cường giám sát quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.

Kế hoạch đặt ra là trong tháng này, các đơn vị liên quan gửi tổng hợp ý kiến về dự thảo Nghị quyết, để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2025.

Theo ông Dũng, yêu cầu đặt ra là trung tâm tài chính phải kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức quốc tế, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, tạo ra bước chuyển về chất lượng trên thị trường tài chính phát triển lành mạnh, thúc đẩy kinh tế và góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao vị thế quốc gia.

Bí thư thành ủy của TPHCM và Đà Nẵng đều cho biết, hiện hai địa phương đã triển khai nhiều bước cụ thể, từ thành lập ban chỉ đạo địa phương để điều phối, tổ chức quy hoạch khu vực xây dựng trung tâm tài chính, cũng như thu hút nguồn nhân lực, chuẩn bị hạ tầng phần cứng và mềm; tổ chức nhiều buổi giới thiệu, truyền thông để tìm kiếm nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy TPHCM, Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư… mà còn là nơi hội tụ tri thức công nghệ, kết nối toàn cầu, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.

TPHCM hiện đang quy hoạch không gian trung tâm tài chính quốc tế theo kế hoạch dự kiến, đồng thời nghiên cứu mở rộng gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm, ưu tiên phát triển kết nối hạ tầng. Thành phố cũng đang tập trung phát triển và thu hút nguồn nhân lực, thu hút nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng nghiên cứu cơ chế đặc thù bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, đảm bảo thị trường tài chính an toàn lành mạnh.

Với Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết thành phố đã rà soát và chuẩn bị các hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng, hạ tầng số và hệ sinh thái cho TTTC trong tương lai, theo hướng tạo ra sự khác biệt giữa dịch vụ tài chính truyền thống và mô hình TTTC ở Việt Nam. Trước mắt, thành phố đang kêu gọi nhà đầu tư chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng của TTTC hướng biển.

Để triển khai kết luận số 47 của Bộ Chính trị ngày 15-11-2024 về Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259 phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Kế hoạch cụ thể về việc xây dựng hạ tầng phần cứng và phần mềm của hai địa phương TPHCM và Đà Nẵng đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5-2025.

Theo báo cáo tổng hợp Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến xây dựng và phát triển trung tâm dịch vụ tài chính cốt lõi và dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp trong trung tâm phát triển của thành phố tại khu vực Thủ Thiêm và Trường Thọ. Tổng diện tích vào khoảng 150-190 ha, gần kề với khu trung tâm tài chính hiện hữu và có tính kết nối mạnh mẽ với các cụm tài chính hiện tại như HOSE và Ngân hàng Nhà nước TPHCM.

Hệ sinh thái Fintech và các dịch vụ outsourcing công nghệ tập trung tại các không gian sáng tạo, chẳng hạn như gần Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao TPHCM, với chi phí thuê thấp hơn và khả năng tiếp cận thuận tiện hệ sinh thái sáng tạo đổi mới của thành phố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới